23/06/2022 03:16
Tại cuộc họp trực tuyến toàn quốc về công tác y tế và phòng, chống dịch bệnh vừa qua, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, tại Việt Nam, thời gian gần đây, biến thể Omicron đã ghi nhận chiếm chủ đạo với các nhánh phụ BA.2; BA.2.3, BA.2.3.2; trong khi biến thể phụ BA.5 đã ghi nhận ở nhiều quốc gia có nguy cơ xâm nhập vào nước ta và có thể dẫn đến số ca mắc COVID-19 tăng trong thời gian tới.
Theo lãnh đạo Bộ Y tế, với diễn biến dịch bệnh trên thế giới có thể xảy ra 2 tình huống. Thứ nhất, chủng vi rút vẫn tiếp tục tiến hóa nhưng đã có miễn dịch cộng đồng nên số trường hợp nặng và tử vong ở mức thấp, dịch không còn nghiêm trọng hoặc ít nghiêm trọng. Thứ hai, biến thể mới nguy hiểm hơn xuất hiện, có khả năng làm giảm hiệu quả vắc xin hoặc miễn dịch khiến ca nặng hoặc tử vong tăng lên, dịch có nguy cơ bùng phát mạnh, trên diện rộng, vượt quá năng lực của hệ thống y tế. Do vậy, cần tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, tiêm vắc xin tăng cường, tiêm nhắc lại cho những nhóm có nguy cơ mắc bệnh và tiếp tục truyền thông để người dân có ý thức phòng, chống dịch. Tuy nhiên, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho rằng, tốc độ tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 còn chậm, nhất là tiêm mũi 3, mũi cho người trên 18 tuổi và tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Có tình trạng tồn đọng nhiều vắc xin COVID-19 tại Trung ương và các địa phương, dẫn tới nguy cơ hết hạn phải hủy bỏ nếu không đẩy mạnh tiếp nhận vắc xin và triển khai tiêm chủng trong thời gian tới.
Biến thể mới có khả năng khiến các ca mắc Covid-19 nặng và nguy cơ tử vong tăng cao trong thời gian tới
Lãnh đạo Bộ Y tế cũng khẳng định, đến thời điểm hiện tại, chưa có bất cứ một bằng chứng khoa học nào khẳng định vắc xin phòng COVID-19 ảnh hưởng lâu dài tới sức khoẻ người dân, trong khi hiệu lực của vắc xin giảm tương đối nhanh. Vì vậy, để duy trì hiệu quả bảo vệ, cần phải tiêm mũi 3, mũi 4 theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Tin: Mai Lê; ảnh: Quang Nhật
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác