02/07/2022 02:24
Theo bác sĩ Viên Chinh Chiến, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên cho biết, hiện nay tại tỉnh Đắk Lắk nói riêng và các tỉnh Tây Nguyên nói chung đang xảy ra tình trạng dư thừa vắc xin COVID-19, Viện đang tổng hợp để báo cáo Bộ Y tế về việc vắc xin COVID-19 hết hạn ở các tỉnh Tây Nguyên.
Cũng theo bác sĩ Viên Chinh Chiến, đây là tình trạng chung của cả nước. Nguyên nhân là hiện nay cả nước trong giai đoạn "bình thường mới" nên người dân chủ quan, không chịu tiêm. Bên cạnh đó, một số chuyên gia lên truyền thông yêu cầu việc tiêm vắc-xin là tự nguyện. Tất nhiên nhà nước không bắt buộc nhưng đây là chống dịch nên cần sự chung tay của người dân để bảo vệ sức khỏe.
"Chưa có một nghiên cứu nào nói các vắc-xin hiện tại không hiệu quả với các biến thể mới của Covid-19 đang gia tăng trên thế giới. Trong giai đoạn hiện nay, vắc-xin vẫn là biện pháp hàng đầu để phòng chống dịch kết hợp với đeo khẩu trang, khử khuẩn. Do đó, chúng tôi khuyến cáo người dân cần tiêm đúng, tiêm đủ liều vắc-xin theo khuyến cáo của Bộ Y tế" - ông Viên Chinh Chiến nói.
Vắc xin, khẩu trang và khử khuẩn là các biện pháp phù hợp với tình hình mới
Theo bác sĩ Hoàng Hải Phúc, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Đắk Lắk, hiện toàn tỉnh có khoảng 60.000 đến 70.000 liều vắc-xin Covid-19 hết hạn từ ngày 30-6, gây lãng phí. Trong khi đó, tỉ lệ tiêm vắc-xin của tỉnh đạt rất thấp. Nhóm từ 18 trở lên tiêm mũi 3 chỉ đạt 41,8%, mũi 4 đạt 5,7%; nhóm trẻ em từ 5 đến 11 tuổi mũi 1 chỉ mới đạt 39,9%, mũi 2 đạt 7,4%.
Về nguyên nhân dư thừa vắc-xin, bác sĩ Phúc cho biết trước khi nhận vắc-xin, tỉnh đã có dự trù nhưng Bộ Y tế không đồng ý và cấp đúng số lượng đã tiêm mũi 1 và mũi 2. Trong khi đó, dù tỉnh đã chỉ đạo mỗi trạm y tế xã thành lập 3 đội lựu động đến từng nhà để tiêm vắc-xin nhưng trong quá trình triển khai gặp rất nhiều khó khăn.
Cụ thể, số lượng người dân đi làm ăn xa nhiều, tình hình dịch Covid-19 giảm nên người dân chủ quản không hợp tác, không chịu tiêm, phụ huynh còn e ngại khi cho con tiêm. Trong tháng 4 và tháng 5 vừa qua, tỉnh Đắk Lắk có số lượng người dân mắc Covid-19 rất lớn, chưa đủ 3 tháng để tiêm mũi tiếp theo.
"Ngoài ra, tư tưởng của người tiêm cũng e dè khi đi tới nhà tiêm vì sợ sốc phản vệ. Bên cạnh đó, tình hình dịch bệnh Covid-19 giảm, sự vào cuộc của chính quyền địa phương, cơ quan chức năng không quyết liệt như trước…" bác sĩ Phúc nói thêm.
Tin: Mai Lê; ảnh: Quang Nhật
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác