11/07/2022 05:08
Tiến độ tiêm vắc xin phòng COVID-19 mũi 3 (tức mũi nhắc lại lần 1) tại tỉnh Đắk Lắk đạt thấp, nhóm từ 18 tuổi trở lên tiêm mũi 3 chỉ đạt 44,1%, nhóm tuổi từ 12-17 đạt 33,7%, nhóm tuổi từ 5-11 mũi 1 đạt 41%, mũi 2 đạt 12%. Nguyên nhân chính là do người dân chủ quan, địa phương thì gặp khó khăn khi vận động người dân đi tiêm chủng.
Xã Cư Kbang (huyện Ea Súp) là một trong những xã có tỷ lệ tiêm vắc xin phòng COVID-19 mũi 3 ở mức thấp, chỉ đạt 38,03% đối với nhóm từ 18 tuổi trở lên. Ở nhóm tuổi này tỷ lệ bao phủ mũi 2 cũng chỉ đạt 83,56%; nhóm tuổi từ 15 đến 17, tỷ lệ bao phủ mũi 2 đạt 74,5%, mũi 3 chỉ đạt 19,17%; nhóm tuổi 12 đến 14, tỷ lệ bao phủ mũi 2 đạt 79,31%, mũi 3 đạt 14,37%; đối với nhóm tuổi từ 5 đến dưới 12 tuổi, tỷ lệ bao phủ mũi 1 đạt 40,64%, mũi 2 đạt 14,92%.
Nguyên nhân khiến tỷ lệ bao phủ vắc xin ở mức rất thấp so với mặt bằng chung của toàn tỉnh là do Cư Kbang là xã khó khăn nhất huyện, địa bàn rộng, tỷ lệ người dân tộc phía bắc di cư vào sinh sống chiếm 98%, hiểu biết thấp, đặc biệt người già và phụ nữ không hiểu tiếng kinh nên công tác truyền thông không đem lại hiệu quả …Ngoài ra, người dân trên địa bàn thường sống ở lán hoặc đi xâm canh ở các xã và các huyện khác, rất khó cho công tác vận động người dân trở về tiêm COVID-19 đúng lịch.
Người dân nên đi tiêm mũi nhắc lại để tạo được miễn dịch tốt nhất cho cơ thể, chống lại các biến chủng mới
Bác sĩ Hoàng Văn Bảy, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Cư Kbang cho biết: “Với đặc thù khó khăn của xã nên ngay từ những ngày đầu triển khai công tác tiêm vắc xin phòng COVID-19, trạm đã thành lập hai điểm tiêm chủng tại cộng đồng cho người dân thuận tiện trong việc đi lại tiêm chủng, cộng tác viên vận động bằng cách đến từng nhà thông báo lịch tiêm chủng nhưng người dân vẫn không đi tiêm. Họ có suy nghĩ đã tiêm đủ liều cơ bản và đã nhiễm COVID-19 nên không muốn tiêm mũi tiếp theo.
Còn tại xã Ea Huar (huyện Buôn Đôn), cho đến thời điểm hiện tại, tỷ lệ tiêm vắc xin liều nhắc lại lần 1 cho nhóm tuổi từ 18 trở lên chỉ đạt 65%, liều nhắc lại lần hai chỉ đạt 25,7%; ở nhóm tuổi 12-17, tỷ lệ tiêm mũi 1 đạt 82,6%, mũi 2 đạt 82%, liều nhắc lại lần 1 chỉ đạt 49%. Chia sẻ về lý do tỷ lệ tiêm vắc xin đạt thấp, bác sĩ H’Tâm Niê Kđăm, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Ea Huar cho biết: “Khi dịch COVID-19 có dấu hiệu giảm, người dân bắt đầu có tâm lý chủ quan cho rằng đã tiêm 2 mũi vắc xin phòng COVID-19 rồi thì không bị nhiễm COVID-19 nên không muốn tiêm mũi 3. Một số trường hợp thì lo sợ phản ứng hoặc nghe truyền miệng những thông tin tiêu cực, không chính thống về tác dụng phụ của tiêm vắc xin, như: tiêm vào sẽ suy giảm trí nhớ, giảm khả năng sinh sản…khiến họ lo ngại, không tiêm…. dẫn đến tỷ lệ tiêm chủng vắc xin thấp”.
Bác sĩ Đoàn Quốc Đỉnh, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Buôn Đôn cho biết: việc triển khai tiêm mũi 1 và mũi 2 có nhiều thuận lợi, người dân có ý thức tự giác trong công tác tiêm phòng, vắc xin phân bổ tới đâu được tiêm hết tới đó. Thời gian gần đây việc tiêm mũi nhắc lại gặp nhiều khó khăn. Một bộ phận người dân có tâm lý chủ quan, lơ là nên không tiến hành đi tiêm phòng theo thông báo của ngành y tế. Bên cạnh đó, trước đây, khi dịch bùng phát người dân đi làm ăn xa quay về địa phương tránh dịch và được tiêm phòng đầy đủ, đến nay sau khi tình hình dịch ổn định, nhiều người lao động đã quay lại làm việc tại các địa phương khác, học sinh, sinh viên trở lại trường học nên việc thống kê số lượng người dân trong độ tuổi tiêm chủng trên địa bàn chưa chính xác, khi vắc xin được cấp về nhiều hơn số trường hợp cần tiêm nên không đạt chỉ tiêu. Hiện ngành y tế huyện đang tiếp tục rà soát số lượng cần tiêm, tăng cường công tác truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, vận động người dân đi tiêm chủng …để đạt chỉ tiêu giao.
Bác sĩ Lê Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật cho biết: Trước tình hình công tác tiêm vắc xin phòng COVID-19 liều nhắc lại khó đạt tỷ lệ, hiện ngành y tế đang điều tra các nhóm đối tượng theo độ tuổi trong diện tiêm chủng; xác định số đối tượng bị mắc COVID-19, đi khỏi nơi cư trú, số đối tượng không đồng ý tiêm chủng, số đối tượng đã đến lịch tiêm chủng cần tiêm và báo cáo Ban Chỉ đạo phòng chống dịch của tỉnh cũng như Bộ Y tế để cấp vắc xin cho khớp với đối tượng cần tiêm. Bố trí nhân lực thực hiện tiêm chủng “chiến dịch” tại trạm y tế, nhà cộng đồng, bệnh viện công và tư, trường học, cơ quan, khu công nghiệp, quân đội. Tổ chức tiêm chủng lưu động, tiêm vét, đặc biệt tại các vùng xa trạm y tế nhằm không để sót đối tượng. Tuy nhiên, để thực hiện các mục tiêu này, ngành y tế rất cần sự vào cuộc quyết liệt của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch các cấp và chính quyền địa phương trong việc tuyên truyền, vận động người dân đi tiêm chủng./.
Theo Bộ Y tế, việc tiêm vắc-xin không phải là bắt buộc nhưng ngành y tế khuyến khích việc tiêm vắc-xin đối với tất cả người dân. Bởi thực tế cho thấy, đa số các trường hợp tử vong do COVID-19 đều do không tiêm vắc-xin hoặc không tiêm đủ mũi, phần lớn các ca tử vong ở lứa tuổi cao, có bệnh nền. Một lý do khác cần phải tiêm các mũi vắc-xin COVID-19 nhắc lại, theo các chuyên gia y tế, vi-rút gây bệnh COVID-19 vẫn luôn biến đổi và xuất hiện những biến chủng mới, khó lường. Hiện vẫn chưa xác định là khi nào loại dịch bệnh này chấm dứt hoàn toàn. Đây lại là loại bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên vắc-xin vẫn rất cần thiết trong việc bảo vệ con người khỏi những diễn biến khó lường của dịch bệnh. Những đối tượng đủ điều kiện tiêm vắc-xin phòng COVID-19 nên đi tiêm mũi nhắc lại để tạo được miễn dịch tốt nhất cho cơ thể, chống lại các biến chủng mới, không vì những lời đồn thổi thiếu căn cứ khoa học mà bỏ qua cơ hội đảm bảo an toàn cho chính bản thân mình./.
Bài, ảnh: Mỹ Hạnh-Đình Thi
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác