13/07/2022 04:54
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện nay số mắc và tử vong do COVID-19 vẫn tiếp tục tăng ở khu vực châu Mỹ và số tử vong tiếp tục gia tăng ở khu vực Tây Thái Bình Dương, Châu Phi. WHO và các tổ chức quốc tế khuyến cáo, đại dịch COVID-19 chắc chắn chưa kết thúc và vắc xin vẫn được coi là “vũ khí chiến lược” trong phòng, chống dịch.
WHO nhận định, thế giới vẫn đang trong giai đoạn đại dịch. Tổ chức này cũng cảnh báo về những biến thể mới của COVID-19 có thể làm cho dịch bệnh trở nên phức tạp và gia tăng trở lại. Trong đó, Omicron hiện là biến thể phổ biến trên thế giới, nhưng có thể chưa phải là biến thể cuối cùng. Nhận định biến thể phụ BA.4 và BA.5 của Omicron đã ghi nhận tại nhiều nước châu Âu và gia tăng tại một số nước trong những tuần gần đây, Trung tâm Kiểm soát phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh Châu Âu khuyến cáo các quốc gia cần duy trì các biện pháp ứng phó, như tiêm vắc xin tăng cường, mũi nhắc lại cho những nhóm có nguy cơ mắc bệnh. Kết quả nghiên cứu tại Pháp cho thấy nếu được tiêm liều nhắc, những người này được bảo vệ khỏi tái nhiễm vi rút lên đến 81%. Kết quả nghiên cứu tại Hoa Kỳ cho thấy, những người từng mắc COVID-19 nếu chỉ tiêm 2 liều thì hiệu quả phòng nhập viện do tái nhiễm là 34,6%, nhưng nếu được tiêm liều nhắc thì hiệu quả này lên đến 67,6%. Việc tiêm các mũi nhắc lại (mũi 3, mũi 4) vắc xin phòng COVID-19 là cần thiết nhằm bảo vệ người đi tiêm không bị mắc bệnh, đặc biệt là tránh nguy cơ bị bệnh nặng và tử vong do COVID-19 trong điều kiện xuất hiện các biến chủng mới.
Tại Việt Nam, số mắc COVID-19 thời gian qua có xu hướng giảm mạnh, nhưng số mắc mới được ghi nhận tăng nhẹ trở lại trong những ngày gần đây tại một số tỉnh, thành phố. Theo Bộ Y tế, dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát trên toàn quốc, tuy nhiên hiện nay đã ghi nhận sự xuất hiện của cả hai biến thể phụ BA.4 và BA.5 của biến chủng Omicron trong cộng đồng, dự báo ca COVID-19 có thể gia tăng, tuy nhiên nhiều người dân sau khi tiêm vắc xin COVID-19 mũi cơ bản hoặc đã từng mắc COVID-19 bắt đầu chủ quan, lơ là trong áp dụng các biện pháp phòng bệnh. Trong bối cảnh hiện nay, vắc xin vẫn là vũ khí chiến lược, là yếu tố quyết định nền tảng trong phòng, chống dịch COVID-19. Các chuyên gia y tế nhấn mạnh, các nghiên cứu trên thế giới, trong đó có nghiên cứu của Việt Nam đã chỉ ra, kháng thể kháng virus SARS-CoV-2 sau tiêm mũi 3 sẽ suy giảm đáng kể khoảng 15 tuần sau khi tiêm, đặc biệt là kháng thể kháng biến chủng Omicron.
Hãy tiêm chủng đầy đủ vắc xin phòng COVID-19 để bảo vệ bản thân, gia đình và xã hội.
Thời gian qua, ngành y tế các cấp đang nỗ lực, cố gắng hoàn thành mục tiêu triển khai tiêm nhắc lần 1 (mũi 3) đồng thời với triển khai tiêm nhắc lần 2 (mũi 4) từ tháng 5/2022 theo chỉ đạo của Chính phủ. Tại các điểm tiêm chủng luôn đảm bảo tính sẵn có của vắc xin COVID-19. Ngành y tế tại các địa phương đã nỗ lực đưa vắc xin đến gần với người dân. Người đi tiêm chủng có thể tiếp cận vắc xin ở các điểm tiêm chủng tại trạm y tế, các điểm tiêm chủng lưu động (tại trường học, nhà máy, thôn bản...) và tiêm chủng tại nhà để đảm bảo độ bao phủ mũi tiêm nhắc lại (mũi 3, mũi 4) vắc xin phòng COVID-19. Có những điểm tiêm chủng mở 24/7 thuận tiện cho người dân đến tiêm chủng, nhất là khi người dân đã quay trở lại đi làm, đi học. Đồng thời ngành y tế và chính quyền các cấp cũng đã nỗ lực truyền thông vận động người dân đi tiêm chủng mũi nhắc lại. Các chuyên gia y tế cảnh báo, miễn dịch do tiêm vắc xin phòng bệnh và miễn dịch mắc phải không bền vững. Bên cạnh đó, có nguy cơ gia tăng “gánh nặng kép” cho hệ thống y tế do xu hướng gia tăng các dịch bệnh mùa hè như: sốt xuất huyết, tay chân miệng… đồng thời không loại trừ nguy cơ xâm nhập các dịch bệnh mới phát sinh như viêm gan cấp tính chưa rõ nguyên nhân, bệnh đậu mùa khỉ...
Tuy nhiên, song song với việc Việt Nam kiểm soát tốt sự lây lan dịch bệnh, cuộc sống người dân trở lại bình thường, hiện nay một bộ phận người dân đã xuất hiện tâm lý chủ quan, từ chối không đi tiêm vắc xin tại nhiều địa phương. Nhiều người dân đã mắc COVID-19 không đồng ý tiêm các mũi vắc xin tiếp theo do nghĩ đã được miễn dịch bảo vệ, cho rằng liều bổ sung, liều nhắc lại là không cần thiết. Bên cạnh đó, cả nước có hơn 15 triệu người (khoảng 22,3%) đã tiêm mũi bổ sung vắc xin phòng COVID-19, nhiều người trong số này không muốn tiêm mũi nhắc tiếp theo. Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, liều tiêm bổ sung thuộc liều tiêm cơ bản và không phải là liều tiêm nhắc.
Khuyến cáo từ cục Y tế dự phòng, tiêm vắc xin phòng COVID-19 là yêu cầu phòng chống dịch, nên người dân cần đi tiêm phòng. Tiêm phòng là bảo vệ cho bản thân, bảo vệ cho gia đình và cả xã hội, đặc biệt là những người có nguy cơ cao. Trong bối cảnh biến thể mới lây lan nhanh, chúng ta giảm bớt lây nhiễm, giảm nhập viện, giảm tử vong thì giảm đi được gánh nặng cho xã hội. Mong rằng mỗi người dân thấy trách nhiệm của mình, tham gia tiêm chủng đầy đủ để giúp xã hội bình yên hơn như những ngày qua và hướng đến không chỉ phục hồi mà phát triển kinh tế - xã hội./.
Bài: Võ Quỳnh, ảnh: Quang Nhật
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác