14/07/2022 10:45
Theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Đắk Lắk, trong những ngày gần đây, trên địa bàn tỉnh vẫn tiếp tục ghi nhận nhiều trường hợp bệnh nhân mắc COVID-19. Và thực tế, không chỉ có tỉnh Đắk Lắk mà cả nước và trên thế giới, số ca mắc COVID-19 đang gia tăng trở lại. Nhất là hiện nay biến chủng mới BA.5 của vi rút SARS-CoV-2 đã xâm nhập vào Việt Nam, đây là biến chủng mới với tốc độ lây lan nhanh sẽ làm tăng nguy cơ bùng phát dịch COVID-19 trở lại nếu người dân còn chủ quan không tiêm vắc xin phòng bệnh.
Theo báo cáo của CDC, từ ngày 1/7 đến tính đến ngày 11/7 ghi nhận gần 50 trường hợp mắc COVID-19, nâng tổng số bệnh nhân mắc COVID-19 trên địa bàn toàn tỉnh lên 171.243 trường hợp, trong đó đang điều trị 99 trường hợp, 170.879 trường hợp khỏi bệnh và 265 trường hợp tử vong. Tỷ lệ tiêm vắc xin phòng COVID-19 mũi 2 cho độ tuổi từ 18 tuổi trở lên của toàn tỉnh đạt 97,6%; mũi 3 toàn tỉnh đạt 44% và mũi 4 chỉ đạt 7,9%. Theo nhận định của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Bộ Y tế, tình hình dịch bệnh COVID-19 hiện vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường. Nguy cơ dịch bùng phát trở lại là hoàn toàn có thể khi biến thể của Omicron liên tục xuất hiện các chủng mới và chưa phải là biến thể cuối cùng. Tuy nhiên, sau thời gian dịch COVID-19 được khống chế, mọi hoạt động xã hội được hoạt động trở lại thì nhiều người dân có tâm lý chủ quan với các biện pháp phòng, chống dịch, đặc biệt, không ít người đã từ chối tiêm vắc xin mũi 3 và mũi 4 phòng COVID-19.
Chị P.T.N (trú tại huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk) cho biết: Thực tế khi dịch COVID-19 mới bùng phát và lan rộng, chị và mọi người ai cũng lo lắng và mong có vắc xin để tiêm phòng. Tuy nhiên, sau khi đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng COVID-19, thấy dịch giảm đi, chị có phần chủ quan nên không đi tiêm vắc xin mũi 3. “Tôi biết nhờ vắc xin mà dịch COVID-19 được khống chế và cuộc sống người dân mới trở lại bình thường. Nay nghe đài, báo nói xuất hiện biến chủng mới, tôi khá lo lắng vì bản thân chưa tiêm mũi 3. Để đảm bảo an toàn cho bản thân và mọi người, tôi sẽ đi tiêm vắc xin mũi 3 và khuyến khích người thân, bạn bè mình cùng đi tiêm”, chị P.T.N chia sẻ.
Còn anh T.V.Q (trú tại phường Tân Hòa, TP. Buôn Ma Thuột), thừa nhận, bản thân anh đã tiêm đủ 3 mũi vắc xin và anh cho rằng tiêm 3 mũi là đủ, tiêm thêm mũi 4 là không cần thiết và ảnh hưởng đến sức khoẻ, vì mỗi lần tiêm về anh thấy rất mệt. Không chỉ có anh mà gia đình anh có 3 người cũng chưa chích vắc xin mũi nhắc lại, vì mọi người đã tiêm 2 mũi vắc xin cơ bản và đã mắc COVID-19 nên không ai đi tiêm nữa.
Theo Thạc sĩ, bác sĩ Hoàng Hải Phúc, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, thời gian qua, chính quyền địa phương và lực lượng y tế đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức để người dân tự giác, chủ động đi tiêm vắc xin phòng COVID-19. Các trạm y tế cũng thành lập các tổ tiêm lưu động, “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” nhưng tỉ lệ tiêm vắc xin mũi 3, mũi 4 vẫn còn thấp. Trong bối cảnh số ca mắc giảm, số ca nặng và tử vong ở mức rất thấp, nhiều trường hợp đã mắc COVID-19 không đồng ý tiêm các mũi vắc xin tiếp theo do nghĩ đã được miễn dịch bảo vệ, cho rằng liều bổ sung, liều nhắc lại là không cần thiết. Nếu khả năng suy giảm miễn dịch trong cộng đồng, cùng với việc chủ quan, lơ là trong tiêm vắc xin, nhất là đối với mũi 3, mũi 4 và các biện pháp phòng, chống thì việc dịch COVID-19 bùng phát trở lại là điều rất dễ xảy ra. Theo các nghiên cứu trên thế giới, hiệu quả bảo vệ của các mũi tiêm vắc xin phòng COVID-19 giảm dần theo thời gian trong vòng 6 tháng sau khi tiêm và hiện đang xuất hiện các biến chủng mới, dịch vẫn diễn biến khó lường, có nguy cơ quay lại tăng số mắc, trên thực tế một số quốc gia đã tăng ca bệnh trở lại. Trước tình trạng này, ngành y tế tỉnh tiếp tục khuyến cáo người dân, việc tiêm nhắc lại mũi 3, mũi 4 là hết sức quan trọng. Ngày 10/7, Bộ Y tế đã có văn bản hỏa tốc gửi các tỉnh, thành phố yêu cầu tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh. Theo đó, dịch COVID-19 tại Việt Nam cơ bản được kiểm soát, tuy nhiên đã ghi nhận sự xuất hiện của cả hai biến thể phụ BA.4 và BA.5 của biến chủng Omicron trong cộng đồng. Việc tiêm mũi nhắc lại phòng COVID-19 vừa là quyền lợi vừa là trách nhiệm của mỗi cá nhân với cộng đồng. “Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh đang triển khai đợt tiêm vắc xin phòng COVID-19 thứ 25 từ ngày 7/7-31/7/2022 tại các trạm y tế xã, phường trên địa bàn toàn tỉnh, trong đó đẩy mạnh triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 mũi 3 cho người từ 12 tuổi trở lên, ưu tiên tiêm mũi 4 cho các đối tượng có nguy cơ theo hướng dẫn của Bộ Y tế và tiêm liều cơ bản cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi đảm bảo quyết liệt, an toàn, hiệu quả, khoa học”, bác sĩ Hải Phúc cho biết thêm.
Vắc xin COVID-19 được xem là “hộ chiếu” giúp bảo vệ cơ thể và làm giảm nguy cơ lây nhiễm SARS- CoV-2, đối với người nhiễm SARS- CoV-2 sẽ làm giảm triệu chứng nặng và tử vong, đặc biệt là sự xuất hiện biến chủng Omicron. Vì vậy, việc tiêm đầy đủ vắc xin liều nhắc lại là rất cần thiết, nhằm bảo vệ an toàn cho bản thân, gia đình và cộng đồng, góp phần ngăn chặn lây lan và đẩy lùi dịch bệnh.
Bài: Mai Lê; ảnh: Quang Nhật
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác