05/09/2022 03:10
Năm học mới đã bắt đầu và để đảm bảo công tác phòng tránh lây nhiễm COVID-19 cho trẻ, ngành y tế đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho học sinh, từ đó góp phần thiết lập “lá chắn” bảo vệ sức khỏe cho trẻ, bảo đảm an toàn phòng chống dịch, bảo đảm an toàn cho học sinh đến trường. Tuy nhiên, trên hết vẫn là ý thức của các bậc phụ huynh nên đưa trẻ tiêm đẩy đủ các mũi theo khuyến cáo của Bộ Y tế.
Khi được nhà trường thông báo lịch triển khai tiêm vắc xin cho con, chị N.T.L.A (trú tại phường Khánh Xuân, TP. Buôn Ma Thuột) đã đưa con đi tiêm vắc xin phòng COVID-19. Tuy nhiên, khi tiêm mũi 1 về, con đau, sốt, mệt mỏi và bỏ ăn nên khi đến lịch tiêm mũi 2, chị phân vân chưa cho con đi tiêm. “Con tôi đang học lớp 3. Thực tế khi cho con tiêm mũi 1 tôi đã rất do dự, khi tiêm về thấy con gặp các phản ứng phụ tôi lo lắm. Tôi định sẽ không tiêm cho cháu nữa, nhưng vì đến ngày tựu trường, lại xuất hiện nhiều biến thể mới nên hôm nay tôi quyết định đưa cho đi tiêm để đảm bảo an toàn cho con”, chị N.T.L.A chia sẻ.
Còn anh T.A.D (trú tại phường Tân Thành, TP. Buôn Ma Thuột) thì cho biết, khi anh tiêm vắc xin phòng COVID-19 các phản ứng phụ khiến anh rất mệt mỏi. Do đó, khi chính quyền địa phương triển khai tiêm vắc xin cho trẻ, gia đình anh do dự có nên cho con đi tiêm hay không. Tuy nhiên, vì để đảm bảo an toàn cho con, nhất là khi năm học mới đã bắt đầu, anh đã đưa con đi tiêm vắc xin phòng COVID-19. Anh T.A.D nói: “Đúng là trước khi tiêm cho con mình rất lo lắng. Nhưng con tiêm về không có phản ứng phụ nào nặng nề, chỉ hơi đau nhức cánh tay. Do đó, theo tôi các phụ huynh cứ nên đưa con đi tiêm phòng đầy đủ để bảo vệ con trước dịch bệnh”.
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Đắk Lắk, từ cuối tháng 4 đến ngày 30/8, tỷ lệ tiêm vắc xin phòng COVID-19 mũi 1, mũi 2 cho trẻ từ 12-17 tuổi đã đạt 100% và mũi 3 đạt 65,1%. Đối với trẻ từ 5-11 tuổi, mũi 1 đạt 86,2% và mũi 2 đạt 39,1%. Cũng theo CDC, đối với trẻ từ 5-11 tuổi hiện mũi 2 chưa đạt mục tiêu 80%, các đơn vị vẫn đang tiếp tục tiêm mũi 1, 2 trong tháng 9/2022. Còn một số huyện tỷ lệ mũi 2 thấp như thị xã Buôn Hồ 19,8%, huyện Krông Bông 20,1%, huyện M’Đrắk 20,1%, huyện Lắk 25,5% và huyện Cư Kuin 30,1%.
Thạc sĩ, bác sĩ Hoàng Hải Phúc, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk cho biết, vắc xin được coi là vũ khí chiến lược, yếu tố quyết định trong phòng chống dịch COVID-19. Trong giai đoạn hiện nay, việc tiêm theo từng độ tuổi, theo lộ trình phù hợp, trong đó trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi được coi là mảnh ghép hoàn chỉnh để tạo miễn dịch cộng đồng. Trên địa bàn tỉnh, dịch COVID-19 hiện đang được kiểm soát, tuy nhiên nguy cơ của dịch vẫn luôn hiện hữu khi vi rút SARS-CoV-2 liên tục ghi nhận có biến thể mới với tốc độ lây lan nhanh, trong khi đó vẫn còn một bộ phận người dân có tâm lý chủ quan, lo ngại nên không cho con em đi tiêm, trì hoãn tiêm....
Cũng theo bác sĩ Hoàng Hải Phúc, cùng với học sinh trong cả nước, học sinh trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk bước vào năm học mới 2022 – 2023 trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 đang gia tăng trở lại thì việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 các mũi cơ bản và mũi nhắc lại theo lịch cho học sinh là biện pháp quan trọng, hiệu quả và có ý nghĩa chiến lược để bảo đảm an toàn phòng chống dịch trong trường học và bảo vệ trẻ trước diễn biến khó lường của dịch COVID-19. Để đẩy mạnh thực hiện triển khai công tác tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ, CDC Đắk Lắk đã kiến nghị Sở Y tế tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các ban ngành đoàn thể phối hợp triển khai các đợt chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 năm 2022 đảm bảo an toàn, hiệu quả; hoàn thành sớm việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 mũi 3 cho người từ 12 tuổi trở lên, mũi 4 cho các đối tượng có chỉ định theo hướng dẫn của Bộ Y tế và hoàn thành việc tiêm mũi 1, mũi 2 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi khi trẻ tựu trường, đặc biệt nhóm trẻ có nguy cơ cao (trẻ béo phì, mắc bệnh nền, suy giảm miễn dịch…). Bên cạnh đó, trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố cần chủ động điều tra các nhóm đối tượng theo độ tuổi trong diện được tiêm chủng; xác định số đối tượng bị mắc COVID-19 (F0), đi khỏi nơi cư trú, số đối tượng không đồng ý tiêm chủng (có giấy cam kết của đối tượng)... qua đó, bố trí nhân lực thực hiện tiêm chủng “chiến dịch” tại Trạm Y tế, nhà cộng đồng, bệnh viện công, tư, trường học, cơ quan, khu công nghiệp, quân đội… nhằm không để sót đối tượng. Phối hợp các Sở, Ngành, Đoàn thể liên quan, đặc biệt là Sở Giáo dục Đào tạo và các Phòng Giáo dục Đào tạo để tổ chức tiêm chủng cho các đối tượng theo quy định đạt chỉ tiêu đề ra.
Dịch bệnh COVID-19 vẫn luôn hiện hữu, nguy cơ lây nhiễm và mắc bệnh vẫn có thể xảy ra, đặc biệt đối với những người chưa tiêm vắc xin hay tiêm chủng không đầy đủ, không kể lứa tuổi. Vì vậy người dân cần hiểu đúng và đủ về lợi ích của việc tiêm vắc xin phòng bệnh và tích cực đưa trẻ đi tiêm vắc xin phòng COVID-19. Bởi đó là quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi người dân trong việc bảo vệ sức khỏe của con em, của gia đình, cộng đồng và xã hội.
Bài: Mai Lê; ảnh: Đình Thi
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác