15/09/2022 02:22
Tiêm chủng vắc xin phòng phòng COVID-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi là hết sức cần thiết để bảo vệ sức khỏe trẻ em, giúp giảm đi gánh nặng bệnh tật liên quan đến COVID-19 không chỉ trong giai đoạn hiện tại mà cả tương lai sau này.
Khi trẻ được tiêm vắc xin phòng COVID-19, nếu không may mắc COVID-19 thì biểu hiện bệnh sẽ nhẹ và ít biến chứng. Việc tiêm vắc xin không chỉ bảo vệ bản thân trẻ mà còn giảm đi sự lây nhiễm đối với những người xung quanh, những người sống cùng gia đình, đặc biệt là những người có nguy cơ cao như người cao tuổi, người có bệnh nền. Ngoài ra, khi được tiêm chủng, sẽ giúp bảo vệ trẻ khi tham gia các hoạt động khác, nhất là tại thời điểm hiện nay, khi trẻ đã bắt đầu tựu trường trở lại.
Theo bác sĩ Lê Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, hiện nay, Bộ Y tế phê duyệt 2 loại vắc xin phòng COVID-19 tiêm cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi gồm vắc xin Pfizer và vắc xin Moderna. Tiêm 2 mũi vắc xin cùng loại và không tiêm trộn với bất kỳ vắc xin mRNA nào. Đối với vắc xin Pfizer, tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, tiêm bắp với liều tiêm 0,2 ml. Đối với vắc xin Moderna, tiêm cho trẻ em từ 6 đến dưới 12 tuổi, liều tiêm bằng 1/2 liều cơ bản của người lớn (tương đương 0,25ml). Hai mũi tiêm cách nhau 4 tuần. Trẻ bị mắc COVID-19 cần phải tiêm vắc xin ngay sau khi mắc bệnh 3 tháng.
Tiêm chủng vắc xin phòng phòng COVID-19 là hết sức cần thiết để bảo vệ sức khỏe trẻ em
Cũng theo bác sĩ Lê Phúc, cùng với các biện pháp phòng ngừa khác như khẩu trang, khoảng cách… thì vắc xin chính là giải pháp căn cơ, lâu dài để bảo vệ trẻ trước những diễn biễn khó lường của đại dịch COVID-19. Vắc xin phòng COVID-19 là một trong những biện pháp hữu hiệu giảm thiểu bệnh tật do COVID-19 gây ra, đặc biệt là các trường hợp bệnh nặng và tử vong. Mọi người đều cần phải được tiêm đủ các mũi vắc xin cơ bản để tạo miễn dịch tốt nhất. Với các vắc xin phòng COVID-19 có lịch tiêm 2 mũi, nếu không tiêm mũi thứ hai, sau một thời gian, nồng độ miễn dịch sẽ giảm và lâu hơn nữa sẽ không bảo vệ người tiêm 1 mũi vắc xin phòng bệnh truyền nhiễm nói chung và bệnh COVID-19 nói riêng. Với mỗi loại vắc xin, các nhà sản xuất đã nghiên cứu lịch tiêm nhắc lại để có được miễn dịch cũng như hiệu quả bảo vệ phòng bệnh tốt nhất. Vì vậy, mọi người cần phải tiêm chủng đầy đủ các mũi vắc xin cơ bản và tuân thủ các mũi tiêm nhắc lại theo khuyến cáo của ngành y tế để giúp phòng bệnh truyền nhiễm nguy hiểm này.
Thời gian qua, tại Việt Nam, mặc dù số mắc và tử vong do COVID-19 ở trẻ em thấp hơn so với người lớn, các biểu hiện khi mắc bệnh thường nhẹ hơn, nhiều trường hợp không có triệu chứng nhưng hậu quả của COVID-19 cũng đã ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe các em. Tại Việt Nam nói chung và tại tỉnh Đắk Lắk nói riêng, đã ghi nhận hàng trăm trường hợp trẻ em mắc hội chứng MIS-C với các biểu hiện viêm đa hệ thống đồng thời ở nhiều cơ quan như tim, phổi, thận, hệ tiêu hóa, não, da, mắt… sau khi mắc COVID-19, có thể tiến triển nặng, thậm chí có trường hợp tử vong. Ngoài ra, trẻ cũng có thể gặp phải hội chứng hậu COVID-19 với các dấu hiệu bất thường kéo dài về sức khỏe như mệt mỏi, đau đầu, rối loạn giấc ngủ, mất tập trung, đau cơ… ảnh hưởng lớn đến khả năng học tập và vui chơi của trẻ, và có thể có những hậu quả lâu dài đối với quá trình phát triển của trẻ, cần tiếp tục theo dõi, điều trị. Trẻ mắc COVID-19 mức độ nhẹ trước đó có thể vẫn mắc hậu COVID-19 và hội chứng MIS-C mức độ nặng.
Theo báo cáo của CDC, kết quả tiêm vắc xin phòng COVID-19 đối với trẻ từ 12-17 tuổi, mũi 1 và mũi 2 đã đạt 100%, mũi 3 đạt 66,7%. Đối với trẻ từ 5-11 tuổi, mũi 1 đạt 88,3%, mũi 2 đạt 43,9%. Theo bác sĩ Lê Phúc, mặc dù thời gian qua chính quyền địa phương và ngành y tế đã tích cực đẩy mạnh tuyên truyền về tầm quan trọng của việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ, nhưng đến nay tỷ lệ tiêm mũi 2 cho trẻ từ 5-11 tuổi vẫn còn thấp bởi vì trong giai đoạn trẻ mắc COVID-19, có không ít phụ huynh cho rằng trẻ đã mắc COVID-19 thì không cần tiêm phòng vắc xin phòng COVID-19. Đây là quan niệm hoàn toàn sai. Sau 3 tháng trẻ mắc COVID-19, phụ huynh nên cho trẻ đi tiêm vắc xin để tăng miễn dịch cho trẻ. Bên cạnh đó, nhiều phụ huynh nghe các thông tin không chính thống, cho rằng khi chích vắc xin trẻ sẽ gặp các phản ứng phụ có hại nên không cho trẻ tiêm chủng đẩy đủ. Do đó, ngành y tế và chính quyền địa phương đang đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền để người dân hiểu đúng về lợi ích của việc tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ và đưa trẻ đi tiêm đầy đủ các mũi. Sắp tới CDC đang tham mưu cho Sở Y tế và UBND tỉnh tổ chức tiêm chủng cho đối tượng 5-17 tuổi để nâng tỷ lệ tiêm mũi 3 cho trẻ từ 12-17 tuổi và nâng tỷ lệ mũi 2 cho trẻ từ 5-11 tuổi để đảm bảo cho trẻ được tiêm đầy đủ các mũi tiêm theo quy định của Bộ Y tế. “Hiện nay trẻ đã tựu trường trở lại, việc trẻ tập trung đông đúc là môi trường thuận lợi để dịch bệnh lây lan. Bên cạnh đó, đã xuất hiện nhiều biến chủng mới, đặc biệt trong thời gian gần đây số lượng bệnh nhân mắc COVID-19 có sự gia tăng trở lại. Do đó, nên tiêm đầy đủ và đúng lịch các liều cơ bản vắc xin COVID-19 giúp trẻ tránh mắc bệnh, tránh các hậu quả lâu dài của bệnh, giúp trẻ đến trường an toàn, tham gia các hoạt động xã hội và phát triển khỏe mạnh. Đồng thời giúp tăng độ bao phủ vắc xin phòng COVID-19 trong cộng đồng, giảm lây lan cho những người xung quanh, góp phần tích cực để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, bác sĩ Lê Phúc nhấn mạnh.
Bài: Mai Lê; ảnh: Quang Nhật
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác