07/03/2017 10:00
Trong những năm gần đây, ngành y tế Krông Bông luôn chú trọng công tác vận động cộng đồng quan tâm chăm sóc cho bà mẹ mang thai, bà mẹ sinh con nhỏ và trẻ em dưới 5 tuổi. Nhờ vậy, chất lượng sức khỏe của bà mẹ và trẻ em ở địa phương đã chuyển biến tích cực.
Krông Bông là huyện vùng xa của tỉnh Đắk Lắk, có diện tích 1.250 km2, dân số 89.300 người, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 36%. Trình độ dân trí không đồng đều, tình trạng dân di cư tự do còn tiếp diễn…gây khó khăn trong việc nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em. Theo kết quả điều tra năm 2010, số bà mẹ trên địa bàn huyện bị tai biến trong khi mang thai và sinh nở cao hơn so với cả nước, cứ 100 phụ nữ sinh đẻ thì có 26,2 trường hợp bị tai biến và cứ 1.000 trẻ thì có 15 trẻ tử vong; trong năm 2011, có 8 ca bị tai biến khi mang thai và 6 ca tai biến khi sinh. Trước thực tế đó, ngành y tế huyện Krông Bông đã chú trọng hơn công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em tại các cơ sở y tế nhằm giảm thiểu tỷ lệ tai biến trước và sau khi sinh. Đồng thời, thường xuyên đẩy mạnh các hoạt động vận động cộng đồng quan tâm đến việc chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em.
Tư vấn cách chăm sóc bà mẹ và trẻ em cho phụ nữ ở xã Yang Reh, h.Krông Bông.
Bác sỹ Nguyễn Đức Vũ – Phó giám đốc Trung tâm y tế huyện Krông Bông cho biết: Trong năm 2011, Trung tâm y tế huyện Krông Bông đã chủ động phối hợp với Đài truyền thanh-truyền hình huyện phát sóng các phóng sự chuyên đề, tuyên truyền thông điệp về chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em. Đồng thời, tổ chức được 22 buổi họp với đại diện Hội liên hiệp phụ nữ, huyện đoàn, hội nông dân, thôn trưởng, buôn trưởng…kêu gọi toàn xã hội thiết thực quan tâm, chăm sóc sức khỏe phụ nữ mang thai và trẻ em dưới 5 tuổi thông qua những việc làm có lợi cho sức khỏe; lồng ghép nội dung cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ em trong các buổi họp thôn, buôn.
Bên cạnh đó, Cộng tác viên dân số và Cộng tác viên y tế thường xuyên bám sát địa bàn, tích cực thăm hỏi, tuyên truyền tại hộ gia đình, đặc biệt là hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số…nhằm nâng cao nhận thức của người chồng và các thành viên trong gia đình để họ chia sẻ công việc, có chế độ dinh dưỡng phù hợp cho phụ nữ mang thai, phụ nữ sau sinh và trẻ em. Nhờ được tuyên truyền, giáo dục, phần lớn người dân ở huyện Krông Bông đã có ý thức trong việc chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em để có một gia đình khỏe mạnh và hạnh phúc; tỷ lệ tử vong trẻ em đã giảm từ 15%o năm 2010 xuống còn 9%o năm 2011; hơn 4000 phụ nữ được khám và điều trị phụ khoa, 4.590 phụ nữ được khám thai tại các cơ sở y tế(đạt tỷ lệ 114,9% so với kế hoạch); tỷ lệ phụ nữ có thai đẻ tại cơ sở y tế hoặc có cán bộ y tế đỡ đẻ đạt 96%...
Tuy vậy, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác vận động cộng đồng chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em ở huyện Krông Bông còn gặp không ít khó khăn. Nguyên nhân chủ yếu là do đời sống kinh tế của nhiều gia đình, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số rất thiếu thốn. Đối với họ, việc đảm bảo bữa cơm hàng ngày trong gia đình đã khó, nên chế độ dinh dưỡng đầy đủ cho bà mẹ mang thai và sinh con nhỏ trở thành một thách thức. Vì thế, nhiều bà mẹ mang thai đến lúc gần sinh, hay mới sinh cũng phải đi làm để trang trải cuộc sống
Nhiều phụ nữ ở vùng sâu huyện Krông Bông còn thiếu kiến thức
chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em.
Bác sỹ Võ Thanh Dũng – Trạm trưởng Trạm y tế xã Yang Reh, huyện Krông Bông cho biết: Một bộ phận dân cư vẫn còn quan niệm “trời sinh thì trời dưỡng”, nên họ vẫn sinh con đông và sinh dày, người chồng và những người thân trong gia đình chưa có ý thức quan tâm đến chế độ dinh dưỡng, việc chăm sóc bà mẹ mang thai, bà mẹ sinh con nhỏ. Ngoài ra, do năng lực chuyên môn của một số cán bộ dân số, cán bộ y tế ở một số thôn, buôn còn hạn chế nên chưa tuyên truyền, vận động cộng đồng có ý thức và hành vi có lợi cho việc chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em.
Bước sang năm 2012, công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em tiếp tục được ngành y tế huyện Krông Bông ưu tiên với nhiều giải pháp như: Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, tư vấn tại cộng đồng, nhất là các xã vùng sâu, vùng xa như Cư Drăm, Cư Pui, Yang Mao; thực hiện có hiệu quả các đợt tiêm chủng, tiêm phòng cho bà mẹ mang thai, cung cấp đầy đủ và kịp thời các gói dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình cho phụ nữ, khám và điều trị viêm nhiễm phụ khoa; quản lý tốt phụ nữ mang thai nhằm phát hiện kịp thời các tai biến có thể xảy ra…
PTT
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác