07/03/2017 10:00
Huyện Krông Pắk có khoảng 217.000 người, sinh sống ở 16 xã và thị trấn, trong đó, tỷ lệ đồng bào dân tộc chiếm 35%.
Phụ nữ từ 15 tuổi đến 49 tuổi là 53.000 chị, tỷ lệ phụ nữ có chồng chiếm 75%. Trình độ nhận thức của chị em không đồng đều, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình, quản lý thai nghén còn hạn chế.
Tư vấn làm mẹ an toàn cho phụ nữ xã Hòa Đông, huyện Krông Pắk.
Trong những năm gần đây, bằng nhiều hoạt động thiết thực, ngành y tế Krông Pắk đã nỗ cải thiện công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ. Ông Nguyễn Thanh Hùng – Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Krông Pắk cho biết: Hàng năm, Trung tâm Y tế huyện Krông Pắk tăng cường các hoạt động truyền thông giáo dục, nhằm nâng cao kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản cho người dân như: vận động cộng đồng ý thức về chăm sóc phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh, phát hành các thông điệp về tầm quan trọng của sức khỏe sinh sản phụ nữ, trẻ sơ sinh thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng, treo panô, áp phích tại khu vực trung tâm…Tổ chức công tác chỉ đạo tuyến, phối hợp với các đơn vị liên quan hỗ trợ dịch vụ về chăm sóc sức khỏe sinh sản.
Đồng thời, triển khai thực hiện chiến dịch chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình đến vùng đông dân cư, vùng còn khó khăn, vùng có mức sinh cao; nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ tại các cơ sở y tế, nhằm duy trì tỉ lệ giảm sinh, giảm có thai ngoài ý muốn, đa dạng hóa các phương pháp tránh thai và cung cấp các biện pháp tránh thai có hiệu quả.
Không những vậy, công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ dự phòng và cấp cứu sản khoa, giảm tử vong mẹ, khám và điều trị phụ khoa thông thường cho phụ nữ thường xuyên được ngành y tế Krông Pắk chú trọng.
Bác sỹ Hồ Hữu Hải – Trạm trưởng Trạm y tế xã Hòa Tiến, huyện Krông Pắk cho biết thêm: Cán bộ y tế xã tổ chức đều đặn các buổi tuyên truyền, tư vấn về chăm sóc sức khỏe sinh sản cho vị thành niên, thanh niên và phụ nữ mang thai về: các giai đoạn phát triển của thai nhi, những tai biến có thể xảy ra, chế độ dinh dưỡng hợp lý cho phụ nữ mang thai và trẻ dưới 5 tuổi.
Một thuận lợi trong công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ mang thai ở huyện Krông Pắk là sự năng động nhiệt tình của 274 Cộng tác viên y tế, và 12 cô đỡ thôn, buôn được đào tạo tại bệnh biện Từ Dũ thành phố Hồ Chí Minh và Bệnh viện Đa khoa Đắk Lắk. Nhờ vậy, người dân đã nâng cao trách nhiệm trong việc chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ. Chị Lê Thị Tuyết Hảo, xã Hòa Tiến, huyện Krông Pắk cho biết: chị luôn tự tin trong quá trình mang thai, sinh đẻ và chăm sóc trẻ sơ sinh vì đã nắm vững kiến thức về làm mẹ an toàn từ sự tư vấn của cán bộ y tế xã. Chị Trần Thị Kiều ở xã Ea Phê, huyện Krông Pắk cho biết: Chị mới sinh 1 đứa con, nhờ được của Cán bộ y tế, cán bộ dân số tư vấn, chị đã sử dụng vòng tránh thai để kế hoạch hóa gia đình. Sau này, khi cuộc sống ổn định chị mới sinh thêm cháu thứ 2.
Phụ nữ dân tộc thiểu số ở Krông Pắk còn thiếu kiến thức về làm mẹ an toàn.
Với những hoạt động tích cực của ngành y tế, công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản ở Krông Pắk đã đạt được những kết quả quan trọng, cải thiện mạnh mẽ chất lượng sức khỏe của phụ nữ, bà mẹ và trẻ em. Trong 2 năm(2010 và 2011), tỷ lệ phụ nữ mang thai được khám thai 3 lần đều đạt 80%, phụ nữ đẻ được tiêm phòng uốn ván đạt 92%, số bà mẹ sau khi đẻ được thăm khám từ 2 lần trở lên đạt 85%; Không còn trường hợp bị chết do tai biến sản khoa. Đặc biệt, các bà mẹ là người đồng bào dân tộc thiểu số mang thai phần lớn được tư vấn và cung cấp các gói dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, các gói đẻ sạch; tỷ lệ các bệnh viêm nhiễm đường sinh sản và các bệnh lây truyền qua đường tình dục từng bước giảm xuống.
Tuy vậy, công tác quản lý thai nghén đạt kết quả tốt nhưng chưa bền vững, còn có sự chênh lệch giữa các xã, đặc biệt là xã có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, một bộ phận người dân chưa ý thức được tầm quan trọng của công tác chăm sóc sức khỏe phụ nữ mang thai…
Vì vậy, vận động sự vào cuộc của cộng đồng trong việc chăm sóc sức khỏe sinh sản phụ nữ là yêu cầu cần thiết, nhằm góp phần nâng cao chất lượng sức khỏe sinh sản phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ mang thai, tạo cơ sở cho ra đời những em bé khỏe mạnh, nâng cao chất lượng dân số./.
PTT
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác