07/03/2017 10:00
Việc triển khai thực hiện các Mô hình, Đề án “Nâng cao chất lượng dân số” ở Đắk Lắk đã có những chuyển biến tích cực, tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn cần giải quyết. Đó là nhận định chung của đoàn giám sát, đánh giá Vụ DS-KHHGĐ, Tổng cục DS-KHHGĐ trong 2 ngày làm việc tại Đắk Lắk(ngày 28 và 29/11/2012).
Chuyển biến tích cực từ Mô hình Can thiệp giảm tình trạng tảo hôn và kết hôn cận huyết thống
Từ tháng 10 năm 2009, Mô hình Can thiệp giảm tình trạng tảo hôn và kết hôn cận huyết thống được triển khai tại Đắk Lắk. Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo cho các Trung tâm DS-KHHGĐ (nhất là những địa phương có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ) tiến hành khảo sát tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống. Qua đó, đã chọn triển khai thí điểm Mô hình tại 4 xã thuộc huyện Lắk và Krông Pắk. Hàng năm, Mô hình được mở rộng, đến nay đã có 15 xã triển khai thuộc 3 huyện Lắk, Krông Pắk và Krông Ana.
Tuyên truyền Luật Hôn nhân và gia đình cho đoàn viên, thanh niên xã Cư Amung, huyện Ea Hleo.
Các hoạt động truyền thông về Mô hình được Chi cục DS-KHHGĐ và các Trung tâm DS-KHHGĐ phối hợp triển khai thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng như Đài PT-TH, Báo Đắk Lắk. Đồng thời, lồng ghép các hoạt động của Mô hình với các hoạt động văn hóa xã hội của địa phương như lễ hội, các buổi sinh hoạt của các đoàn thể, chính quyền…
Bên cạnh đó, các hội nghị nói chuyện chuyên đề về hậu quả của tảo hôn, kết hôn cận huyết thống cũng được triển khai, kết hợp với việc cung cấp sản phẩm truyền thông, tài liệu tuyên truyền về Mô hình đến với đối tượng; chú trọng tuyên truyền, phổ biến Luật hôn nhân và gia đình, Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em đến với người dân.
Một trong những hoạt động được Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Đắk Lắk chú trọng là thành lập các điểm truyền thông tư vấn, nhóm tư vấn, xây dựng đội ngũ Cộng tác viên tình nguyện. Đến nay, đã ra mắt điểm truyền thông tại 13 Trạm y tế xã, 3 trường Dân tộc nội trú; thành lập được 52 nhóm sinh hoạt cộng đồng và tổ chức được 1.300 lượt sinh hoạt; xây dựng được các tổ thường trực tại các xã triển khai Mô hình, mỗi tổ 15 người. Công tác tư vấn, cung cấp các dịch vụ về chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình đến với người dân được thực hiện đầy đủ và kịp thời.
Nhờ thực hiện tốt các hoạt động của Mô hình nên cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể và những người có uy tín trong cộng đồng đã tích cực tham gia hưởng ứng và tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai Mô hình. Đặc biệt, bậc làm cha, làm mẹ; trẻ vị thành niên, thanh niên đã hiểu biết về hậu quả của tảo hôn, kết hôn cận huyết thống, biết quan tâm đến việc chăm sóc sức khỏe sinh sản và lấy vợ, lấy chồng đúng độ tuổi pháp luật quy định.
Tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn xảy ra.
Theo số liệu khảo sát của Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Đắk Lắk tại các xã triển khai Mô hình, năm 2009 có 61 cặp tảo hôn, 11 cặp kết hôn cận huyết thống, đến năm 2011 đã giảm xuống còn 39 cặp tảo hôn và 7 cặp kết hôn cận huyết thống.
Tuy nhiên, Mô hình Can thiệp giảm tình trạng tảo hôn và kết hôn cận huyết thống ở Đắk Lắk vẫn còn những trở ngại. Tỉnh Đắk Lắk hiện có hơn 1,8 triệu người, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 31% dân số. Tảo hôn và kết hôn cận huyết thống là một nét văn hóa đã tồn tại từ bao đời nay trong cuộc sống của người dân tộc Ê Đê, M’nông, H’Mông…Bên cạnh đó, trình độ dân trí thấp cũng gây không ít khó khăn trong công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện Luật hôn nhân và gia đình.
Trước thực tế đó, Thạc sỹ Trần Ngọc Sinh – Phó Vụ trưởng Vụ DS-KHHGĐ, Tổng cục DS-KHHGĐ đề nghị: Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Đắk Lắk cần tiếp tục bám sát vào các nội dung hướng dẫn của Tổng cục DS-KHHGĐ; đồng thời, vận dụng phù hợp với đặc thù của từng địa phương để triển khai các hoạt động của Mô hình có hiệu quả hơn, giúp người dân nâng cao ý thức kết hôn theo quy định của pháp luật, giảm thiểu tình trạng tảo hôn và kết hôn cận huyết thống.
Đề án Sàng lọc trước sinh và sơ sinh: còn nhiều khó khăn Đề án Sàng lọc trước sinh và sơ sinh ở Đắk Lắk được triển khai từ tháng 7 năm 2011 tại 30 xã, phường, thị trấn(thuộc 5 huyện, thành phố), đến nay đã nhân rộng lên 72 xã.
Từ khi có Đề án, Sở Y tế Đắk Lắk luôn quan tâm, chỉ đạo việc triển khai Đề án. Từ đó, Chi cục Dân số, Trung tâm DS-KHHGĐ và Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Đa khoa huyện thường xuyên phối hợp trong việc cử cán bộ phụ trách đi tập huấn về tư vấn và kỹ thuật; tổ chức triển khai thực hiện Sàng lọc trước sinh và sơ sinh. Bên cạnh đó, các hoạt động truyền thông được Chi cục DS-KHHGĐ chú trọng nhằm nâng cao ý thức của mọi tầng lớp nhân dân về tầm quan trọng, lợi ích của việc sàng lọc trước sinh và sơ sinh.
Tuy nhiên, kết quả về sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh còn thấp. Số bà mẹ mang thai được sàng lọc trước sinh là 195 trường hợp(chỉ đạt 70,9%); trẻ sơ sinh được sàng lọc là 43 cháu(chỉ đạt 5,4%). Việc sàng lọc sơ sinh mới chỉ được tiến hành tại Bệnh việc Đa khoa thành phố Buôn Ma Thuột và huyện CưMGar, còn 3 Bệnh viện còn lại chưa triển khai.
Nguyên nhân chính là do số Bác sỹ được tập huấn kỹ thuật siêu âm sàng lọc trước sinh và kỹ thuật lấy máu gót chân trẻ sơ sinh quá ít; số lượng bệnh nhân tại các Bệnh viện luôn quá tải, trong khi đó, kỹ thuật siêu âm sàng lọc trước sinh phải mất nhiều thời gian nên một số bệnh viện không triển khai. Bên cạnh đó, kinh phí chi trả cho 1 ca thực hiện, vừa tư vấn, vừa lấy mẫu máu lại quá thấp(5000 đồng/ca).
Trung tâm Sàng lọc Trường Đại học Y dược Huế là đơn vị triển khai nhưng chưa phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế Đắk Lắk; chưa triển khai tập huấn cho Bác sỹ siêu âm tại cơ sở. Việc trả lời kết quả xét nghiệm quá chậm, không hướng dẫn địa phương truy cập để xem kết quả xét nghiệm...
Ông Mai Văn Phán – Phó Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Đắk Lắk | Ông Mai Văn Phán – Phó Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Đắk Lắk cho biết: Trong trong thời gian tới, Chi cục DS-KHHGĐ sẽ tham mưu cho Sở Y tế nhằm chỉ đạo các Bệnh viện nâng cao trách nhiệm trong việc thực hiện Sàng lọc trước sinh và sơ sinh; tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động truyền thông tại cơ sở. Đồng thời, kiến nghị với Tổng cục DS-KHHGĐ cần mở rộng đối tượng cán bộ y tế, dân số được tập huấn sàng lọc trước sinh(nữ hộ sinh, Bác sỹ khoa sản, Bác sỹ siêu âm…); thanh toán giá gửi mẫu xét nghiệm theo thực thu của bưu điện; tăng kinh phí cho cán bộ tư vấn và thực hiện dịch vụ sàng lọc trước sinh và sơ sinh. |
Thạc sỹ Trần Ngọc Sinh(bìa phải) – Phó Vụ trưởng Vụ DS-KHHGĐ, Tổng cục DS-KHHGĐ | Thạc sỹ Trần Ngọc Sinh – Phó Vụ trưởng Vụ DS-KHHGĐ, Tổng cục DS-KHHGĐ chia sẻ những khó khăn và ghi nhận những kiến nghị của Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Đắk Lắk để tham mưu lãnh đạo Tổng cục DS-KHHG có ý kiến trả lời trong thời gian sớm nhất. Đồng thời, đề nghị Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Đắk Lắk cần: tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, phối hợp tổ chức công tác tập huấn, đào tạo kỹ thuật dịch vụ cho cán bộ phụ trách; phối hợp triển khai dịch vụ tại các bệnh viện và chủ động học hỏi kinh nghiệm của các tỉnh triển khai Đề án./. |
Phòng truyền thông
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác