07/03/2017 10:00
Trước đây, khi chưa có Luật bình đẳng giới, công tác bình đẳng giới ở Đắk Lắk nói chung và huyện Ea Kar nói riêng vẫn còn nhiều hạn chế và bất cập.
Sự chênh lệch về tỷ lệ nam nữ tham gia quản lý, lãnh đạo ở các cấp; việc chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ chưa được quan tâm đầy đủ; tình trạng bạo lực gia đình, buôn bán phụ nữ và trẻ em gái thương xuyên xảy ra. Bên cạnh đó, tư tưởng “trọng nam khinh nữ” vẫn còn tồn tại, trở thành rào cản lớn đối với công tác bình đẳng giới. Chị Vũ Thị Thanh Giang – Phó chủ tịch Hội LHPN huyện Ea Kar cho biết: “Trong gia đình, phụ nữ chỉ là người nội trợ, không được tham gia quyết định vấn đề lớn; ở gia đình nghèo thì trẻ em gái bị thất học nhiều hơn so với trẻ em trai. Người phụ nữ thường cam chịu những hành vi bạo lực trong gia đình”.
Phụ nữ và trẻ em gái cần được tham gia các hoạt động về bình đẳng giới.
Luật bình đẳng giới ra đời năm 2006, từ đó đến nay, hàng năm, Hội liên hiệp phụ nữ huyện Ea Kar đều triển khai đề cương giới thiệu Luật bình đẳng giới, tăng cường tuyên truyền Luật hôn nhân và gia đình, phòng chống bạo lực gia đình đến với các cấp Hội cơ sở. Đồng thời, Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ đã mở các lớp tập huấn cho hội viên phụ nữ về kỹ năng giao tiếp, tuyên truyền về công ước CeDew(chống mọi phân biệt đối xử với phụ nữ)…
Bên cạnh đó, Đề án “giáo dục về những phẩm chất đạo đức của người phụ nữ trong thời đại công nghiệp hóa – hiện đại hóa” và “Giáo dục 5 triệu bà mẹ nuôi dạy con tốt” cũng được Hội liên hiệp phụ nữ huyện Ea Kar triển khai rộng rãi…đã tác động tích cực đến việc trau dồi phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam và nâng cao chất lượng chăm sóc phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh.
Công tác bình đẳng giới ở huyện Ea Kar còn được thể hiện rõ nét trong việc quy hoạch, tuyển dụng, đào tạo cán bộ nữ. Hội liên hiệp phụ nữ huyện Ea Kar đã tích cực động viên, hướng dẫn hội viên tự tin tham gia ứng cử vào các vị trí quan trọng trong cấp ủy Đảng, chính quyền ở địa phương. Hiện nay, số phụ nữ Đại biểu Hội đồng nhân dân huyện Ea Kar là 10 người, số phụ nữ giữ chức vụ trưởng và phó trong các ban ngành đoàn thể của huyện là 19 chị, số chị là Đại biểu Hội đồng nhân dân cơ sở chiếm 17,9%...
Không những vậy, từ năm 2006 đến nay, các cập Hội phụ nữ cơ sở phối hợp với Ban tư pháp mở 10 lớp tập huấn về kỹ năng đề xuất chính sách, tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý. Qua đó thu hút 254 chị tham gia Ban hòa giải, phát huy tốt vai trò của mình trong việc bảo vệ lợi ích chính đáng cho phụ nữ và trẻ em gái.
Chị Vũ Thị Thanh Giang – Phó chủ tịch Hội LHPN huyện Ea Kar cho biết thêm: “Để thực hiện tốt bình đẳng giới và rút ngắn khoảng cách về giới thì việc tuyên truyền, giáo dục cho phụ nữ là chưa đủ, mà cần nâng cao ý thức bình đẳng giới cho các cấp lãnh đạo và toàn thể nhân dân”
Các đoàn thể ở huyện Ea Kar tích cực tuyên truyền Luật bình đẳng giới. Đi đầu trong việc thực hiện bình đẳng giới ở huyện Ea Kar là thị trấn Ea Kar. Cấp ủy và chính quyền thị trấn luôn quan tâm sâu sắc và xem công tác bình đẳng giới là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm. Chỉ đạo cho các ban ngành, đoàn thể tăng cường tuyên truyền Luật bình đẳng giới. Trong đó, Ban tư pháp có nhiệm vụ cụ thể trong việc hướng dẫn, phổ biến Luật cho nhân dân. Ông Vương Khả Giáo - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Ea Kar, huyện Ea Kar cho biết: “Về tổ chức bộ máy cán bộ giai đoạn 2010-2020, Đảng ủy và Ủy ban nhân dân thị trấn Ea Kar đã cơ cấu vào các ban ngành, đoàn thể 9 đại biểu nữ/35 đại biểu Hội đồng nhân dân, 3 nữ/20 đại biểu ban chấp hành Đảng bộ”.
Bên cạnh đó, Hội liên hiệp phụ nữ thị trấn Ea Kar phối hợp với Ban tư pháp tuyên truyền lồng ghép Luật bình đẳng giới trong các buổi sinh hoạt Câu lạc bộ, chi hội. Tuyên truyền sâu rộng các văn bản Luật về: Hôn nhân gia đình, phòng chống bạo lực gia đình, bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em. Đã có 2.360 hội viên phụ nữ được tiếp cận với các văn bản Luật. Thực hiện tốt Đề án “Giáo dục 5 triệu bà mẹ nuôi dạy con tốt”, tiến hành khảo sát về kiến thức nuôi dạy trẻ của 60 ông bố, bà mẹ có con từ lúc mang thai đến lúc 16 tuổi. Đẩy mạnh các phong trào thi đua yếu nước, phụ nữ học tập và làm theo đạo đức Hồ Chí Minh, phụ nữ giỏi việc nước đảm việc nhà.
| Chị Nguyễn Thị Luyến - Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Ea Kar, huyện Ea Kar cho biết thêm: Nhiều chị em phụ nữ vẫn còn tự ti, ít tham gia học tập, không giám quyết định công việc lớn. Nhưng nhờ sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền thì việc đào tạo cán bộ nữ, phát triển đảng viên nữ đã khá hơn nhiều so với trước đây”. |
Thiết nghĩ, việc thực hiện tốt công tác bình đẳng giới ở huyện Ea Kar nói riêng và Đắk Lắk nói chung, rất cần sự chung tay của cả hệ thống chính trị nhằm ngăn chặn các hành vi phân biệt đối xử về giới; giám sát việc thực hiện và bảo đảm bình đẳng giới của cộng đồng. Đồng thời, cần phát huy tốt vai trò của mỗi gia đình trong việc tạo điều kiện cho các thành viên nâng cao nhận thức, hiểu biết và tham gia các hoạt động về bình đẳng giới./.
PTT
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác