07/03/2017 10:00
Nhiều năm qua, nạn tảo hôn vẫn thường xuyên xảy ra ở xã Cuôr Dăng, huyện CưM’gar và đặt ra nhiều thách thức đối với địa phương.
Cuộc sống của những cặp vợ chồng tảo hôn ở xã Cuôr Dăng
gặp rất nhiều khó khăn. H’Djin Adrơng sinh ra và lớn lên trong gia đình có 4 chị em ở buôn Króa B, xã Cuôr Dăng. Do nhà nghèo nên học hết lớp 8, H’Djin phải bỏ học để ở nhà phụ giúp bố mẹ. Năm 2008 (khi mới 16 tuổi), H’Djin được bố mẹ tổ chức đám cưới rồi cho ra ở riêng. Đến nay, H’Djin đã sinh được 3 người con (Người con đầu 7 tuổi, còn người con thứ ba vừa tròn 4 tháng tuổi). Gia đình có 5 nhân khẩu nhưng chỉ có 2 sào cà phê đã già cỗi. Hàng ngày chồng của H’Djin phải đi làm thuê, làm mướn…thu nhập bếp bênh. Do lấy chồng sớm và trải qua nhiều lần mang nặng đẻ đau nên H’Djin vốn đã gầy ốm nay càng thêm tiều tụy. Không những vậy, những người con của H’Djin không được chăm sóc đầy đủ nên đều bị suy dinh dưỡng.
Còn H’Mila Adrơng (em ruột của H’Djin Adrơng) năm nay mới 16 tuổi nhưng cũng đã lấy chồng và có con 9 tháng tuổi. Qua tìm hiểu được biết, năm 2014 khi đang học lớp 7, H’Mila đã “trót dại” và mang thai nên phải bỏ học giữa chừng. Ở cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” nhưng H’Mila phải mang trên mình trọng trách của người vợ, người mẹ, cuộc sống gặp nhiều khó khăn, vất vả.
Ở gần nhà H’Mila còn có H’Drư Adrơng cũng là đối tượng tảo hôn. Năm 2014, khi đang học lớp 10, H’Drư lỡ mang thai nên cũng phải bỏ học, bỏ luôn những ước mơ, hoài bão và cả tương lai phía trước. Hiện nay, vợ chồng H’Drư cùng người con 10 tháng tuổi sống phụ thuộc vào bố mẹ, kinh tế rất khó khăn. Hàng ngày, người chồng phải đi làm thợ hồ, bốc vác…, còn H’Drư ở nhà chăm sóc con. Cũng như nhiều bà mẹ tảo hôn khác, H’Drư thiếu hiểu biết về kiến thức chăm sóc sức khỏe của bản thân, kiến thức về chăm sóc con nên cả 2 mẹ con hay bị đau ốm.
Xã Cuôr Dăng hiện có 2.495 hộ với 10.626 nhân khẩu, trong đó, đồng bào dân tộc Ê Đê chiếm 80% dân số. Trong nhiều năm trở lại đây, nạn tảo vẫn thường xuyên xảy ra. Năm 2014 có 5 trường hợp tảo hôn, còn năm 2015 có 10 trường hợp. Nguyên nhân của tình trạng trên là do phong tục tập quán của đồng bào nơi đây; nhận thức của người dân về Luật Hôn nhân và Gia đình còn hạn chế; việc quản lý, giáo dục con em trong gia đình và nhà trường chưa chặt chẽ, một số bạn trẻ khi đang đi học lỡ yêu nhau và mang thai nên phải bỏ học để lấy chồng. Bên cạnh đó, chế tài xử phạt về những trường hợp tảo hôn và tổ chức tảo hôn chưa được thực thi nghiêm minh nên chưa mang tính chất răn đe. Chị H’Uyn Êban - Phó Trưởng Ban Dân số-KHHGĐ xã Cuôr Dăng cho biết: “Chúng tôi đã nhiều lần phối hợp với các ngành, đoàn thể đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về Luật Hôn nhân và Gia đình; tư vấn cho vị thành niên-thanh niên nâng cao kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản và phân tích những hệ lụy của tảo hôn và kết hôn cận huyết thống…nhưng hiệu quả chưa cao. Từ đầu năm 2016 đến nay đã xảy ra 2 trường hợp tảo hôn”.
Thực tế cuộc sống cho thấy, việc kết hôn sớm ảnh hưởng đến thể chất của các em, nhất là các em gái. Khi chưa đủ tuổi trưởng thành, cơ thể chưa phát triển hết, việc quan hệ tình dục sớm, mang bầu, rồi nuôi con khiến sự phát triển đầy đủ của người phụ nữ bị chậm lại, thoái hóa. Bên cạnh đó, việc nuôi con thiếu hiểu biết cũng như ý thức trách nhiệm chưa có khiến đứa trẻ bị suy dinh dưỡng, còi cọc, dễ mắc bệnh…Hầu hết cuộc sống của những gia đình trẻ lâm vào cảnh khó khăn do chưa có kiến thức và hiểu biết để tự lo cho cuộc sống gia đình. Nhiều trường hợp xảy ra mâu thuẫn rồi “đường ai nấy đi”, bỏ lại những đứa con không cha, không mẹ...
Vì vậy, ngăn chặn, đẩy lùi nạn tảo hôn là một nhiệm vụ cấp bách hiện nay ở xã Cuôr Dăng, huyện CưM’Gar. Để làm được điều đó thì không chỉ riêng Ban Dân số-KHHGĐ mà cần sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cấp ủy Đảng, chính quyền và các ngành, đoàn thể và trường học ở địa phương. Trong đó, cần chú trọng truyền thông chuyển đổi nhận thức và hành vi của người dân về hôn nhân và gia đình theo phương châm “mưa dầm thấm lâu”, tăng cường giáo dục giới tính và kỹ năng sống cho học sinh. Đồng thời, thực thi nghiêm minh theo quy định của pháp luật đối với những trường hợp tảo hôn và tổ chức tảo hôn…./.
Theo điều 47, Nghị định số 110/2013/NĐ-CP của Chính phủ Quy định: 1. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức lấy vợ, lấy chồng cho người chưa đủ tuổi kết hôn. 2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi cố ý duy trì quan hệ vợ chồng trái pháp luật với người chưa đủ tuổi kết hôn mặc dù đã có quyết định của Tòa án nhân dân buộc chấm dứt quan hệ đó. |
Thảo Nguyên
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác