07/03/2017 10:00
Xã Ea Hu, huyện Cư Kuin là một xã thuần nông. Toàn xã hiện có 2.129 hộ với 9.582 nhân khẩu sinh sống ở 8 thôn. Trong đó, có 1.727 cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ. Trong những năm gần đây, tình trạng sinh con thứ 3 trở lên có xu hướng gia tăng và tăng cao. Nó đã và đang là nỗi băn khoăn của chính quyền địa phương và đội ngũ làm công tác dân số.
Theo số liệu tổng hợp của Trung tâm Dân số-KHHGĐ huyện Cư Kuin, năm 2012, xã Ea Hu có 26 trẻ sinh ra là con thứ 3 trở lên, chiếm 14,85% (cao hơn mặt bằng chung của huyện Cư Kuin và tỉnh Đắk Lắk lần lượt là 3,7% và 2,18%); năm 2013 xã có 30 trẻ là con thứ 3 trở lên, chiếm 17,75% (cao hơn mặt bằng chung của huyện là 6,99% và của tỉnh là 2,15%); tỷ lệ gia tăng dân số tự nhiên là 1,39%. Tình trạng sinh con thứ 3 xảy ra hầu hết ở các thôn trong toàn xã. Trong đó, nhiều nhất là thôn 2 (có 8 trường hợp sinh con thứ 3), thôn 1 có 6 trường hợp, thôn 5 và thôn 6 mỗi thôn có 5 trường hợp…Gia tăng dân số ở xã Ea Hu đã tác động không nhỏ đến chất lượng cuộc sống của người dân ở địa phương. Năm 2013, toàn xã vẫn còn 250 gia đình thuộc diện hộ nghèo; tỷ lệ trẻ em bị suy dinh dưỡng chiếm 17,9%.
Trong những năm gần đây, ngành chức năng cũng như cấp ủy Đảng, chính quyền xã Ea Hu đều quan tâm chỉ đạo về công tác Dân số-KHHGĐ. Từ đó, các hoạt động truyền thông lồng ghép và cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản được các ban ngành, đoàn thể, ban tự quản thôn và Trạm y tế triển khai thường xuyên. Năm 2013, Trung tâm Dân số-KHHGĐ huyện Cư Kuin đã tổ chức 1 buổi nói chuyện chuyên đề sức khỏe sinh sản tại xã Ea Hu. Đồng thời, cứ đều đặn mỗi tháng một lần, Ban dân số xã cũng tổ chức 1 buổi sinh hoạt nhóm, cấp phát hàng trăm tờ rơi về chăm sóc sức khỏe sinh sản. Bên cạnh đó, hàng tuần, Chuyên trách và Cộng tác viên dân số phân nhóm đối tượng, chú trọng vào đối tượng sinh 2 con và sinh con một bề để tư vấn, vận động họ thực hiện kế hoạch hóa gia đình…Tuy vậy, hiệu quả mang lại còn thấp. Tình trạng sinh con thứ 3 ở xã Ea Hu cứ thế tiếp diễn và trở thành điểm nóng trong công tác Dân số-KHHGĐ ở huyện Cư Kuin.
Truyền thông trực tiếp – Cách làm cần được phát huy trong công tác dân số ở xã Ea Hu. Nguyên nhân là do xã Ea Hu có địa bàn rộng, nơi có 9 dân tộc anh em cùng chung sống (Kinh, Tày, Nùng…), tạo nên một nền văn hóa giàu bản sắc nhưng cũng nhiều tập quán hôn nhân và quan niệm sinh đẻ khác nhau. Một bộ phận dân cư vẫn còn thích sinh đông con cho “vui cửa, vui nhà” để sau này có lao động làm việc và phải sinh con trai để thờ phụng tổ tiên. Không những vậy, một số gia đình đã sinh 2 đứa con, sau kinh tế khá giả, họ lại sinh thêm vì họ cho rằng “mình sinh thì mình nuôi, không ảnh hưởng đến ai”…Chị Trương Thị Dung – Chuyên trách dân số xã Ea Hu cho biết: Hầu hết các cặp vợ chồng khi chúng tôi đến tuyên truyền, vận động, họ đều đón tiếp chứ không xua đuổi như một số nơi khác và cũng đi sinh hoạt nhóm. Thế nhưng, sinh con thì họ lại âm thầm theo ý muốn. Đến lúc Cộng tác viên dân số phát hiện người vợ mang bầu thì họ nói là “vỡ kế hoạch”. Bên cạnh đó, hiện tại xã Ea Hu vẫn còn 585 cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ chưa sử dụng các biện pháp tránh thai hoặc sử dụng biện pháp tránh thai tự nhiên cũng là một trở ngại lớn đối với công tác tuyên truyền của đội ngũ làm dân số…
Thực tế ở xã Ea Hu đang phá vỡ quy mô gia đình ít con và gây ra rất nhiều khó khăn trong công tác Dân số-KHHGĐ. Làm sao giảm được tình trạng sinh con thứ 3 đã và đang là câu hỏi “khó” chưa có đáp án. Thiết nghĩ, thời gian tới, Trung tâm Dân số-KHHGĐ huyện Cư Kuin và Ban dân số xã Ea cần tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động truyền thông và cung cấp kịp thời, hiệu quả dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/KHHGĐ cho đối tượng. Đồng thời, cấp ủy Đảng, chính quyền và các ban ngành, đoàn thể ở xã Ea Hu cần vào cuộc đồng bộ, quyết liệt và xem công tác Dân số-KHHGĐ là một bộ phận quan trọng trong chương trình phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương./.
Yên Lương
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác