07/03/2017 10:00
Ở thôn Cư Dắt (xã Cư Drăm, huyện Krông Bông) chuyện những cậu bé, cô bé đang độ tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” phải nghỉ học ở nhà lấy vợ, lấy chồng vẫn thường xuyên diễn ra. Tảo hôn đang làm cho những gia đình trẻ sống trong nghèo khó, tương lai của những đứa trẻ sinh ra không được bảo đảm.
Lấy chồng khi độ tuổi trăng tròn, 10 năm sau ngày cưới, Giàng Thị Dế mới 25 tuổi nhưng đã là mẹ của 5 bé trai, đứa lớn nhất 9 tuổi và đứa nhỏ nhất mới 8 tháng. Để nuôi được 5 đứa con, vợ chồng Dế phải làm việc vất vả quanh năm trên nương rẫy mà vẫn không đủ ăn, đói nghèo vẫn đeo bám cuộc sống của gia đình; trong nhà không có được tài sản nào giá trị, ngay cả một chiếc ti vi để xem cũng chỉ là niềm ao ước của lũ trẻ. Vất vả vì đông con khiến vợ chồng Dế già hơn tuổi rất nhiều. Còn những đứa con của Dế cứ lớn dần lên một cách tự nhiên, đứa lớn trông đứa bé và chúng chỉ biết theo cha mẹ đi qua những mùa rẫy. Sự nhọc nhằn, vất vả sau 10 năm làm vợ, làm mẹ đã giúp Dế hiểu được nhiều điều, nên khi được hỏi sao lại lấy chồng sớm, Dế thở dài: “Trước đây em cũng muốn đi học lắm nhưng nhà đông người nên đành phải nghỉ. Phụ nữ ở đây ai cũng thế cả, không đi học, ở nhà thì phải lấy chồng chứ bố mẹ đâu có cho ở trong nhà mãi”. Song, trái ngược với những nỗi niềm của vợ, Sùng Seo Giáo - chồng Dế rất vô tư với chuyện đẻ nhiều, đẻ dày của gia đình mình. Giáo nói: “Đẻ nhiều là do vợ nó đẻ chứ mình có biết đẻ đâu! Hơn nữa, mình thích con trai, vợ mình thích con gái nên cứ phải đẻ đến khi có cả trai, cả gái mới thôi. Ngày xưa, bố mẹ mình đẻ tới 10 đứa con, cuộc sống tuy nghèo nhưng anh em mình vẫn lớn, vẫn lấy vợ, có con và ra ở riêng đó thôi…”.
Rời gia đình Dế, đến nhà chị Sùng Thị Tòng khi trời đã xế trưa, chúng tôi bắt gặp những đứa trẻ lem luốc đang ngồi nép mình nhìn mẹ chờ đợi cái ăn, trong khi mẹ lại đang ru em ngủ và bếp vẫn chưa đỏ lửa. Vừa đặt đứa con 10 tháng tuổi xuống giường, định nổi lửa thì đứa bé trai chừng 2 tuổi cất tiếng khóc. Sợ đứa nhỏ thức giấc, chị vội bế thằng anh lên dỗ dành, nhưng dỗ thế nào nó cũng không chịu nín, mãi đến khi cầm được gói mì tôm bóc dở tiếng khóc mới ngưng. Qua trò chuyện được biết, vợ chồng chị Tòng năm nay đều 33 tuổi nhưng lấy nhau đã được 20 năm. Sau khi cưới, do cả 2 đều còn nhỏ nên mãi 5 năm sau chị mới sinh con. Đến nay, vợ chồng chị đã có 5 đứa con, đứa con trai đầu 15 tuổi, trong khi đứa út chưa tròn năm. Từ khi sinh đứa đầu đến giờ chị chỉ lo chuyện chăm con và sinh đẻ, cái ăn của cả gia đình đều do một tay chồng chị là anh Hảng A Phử cáng đáng. Ruộng nương ít, nhà lại đông người nên cái nghèo cứ mãi bủa vây, những đứa con của chị thì sinh tồn theo lẽ tự nhiên, khi khỏe cũng như khi ốm có cơm no bụng đã là điều may mắn. Hỏi chị Tòng tại sao cuộc sống khó khăn mà vẫn đẻ nhiều, chị cười: “Khi đẻ đến đứa thứ 3, mình thấy khổ quá nên muốn đi đặt vòng để không đẻ nữa, nhưng chồng mình không chịu đưa đi và bảo cứ để đẻ, nhà đông con mới vui…”.
|
Chị Sùng Thị Tòng và những đứa con trong căn nhà tuềnh toàng. |
Những bà mẹ trẻ ở tuổi 15, 16 địu con trên lưng không còn là hình ảnh xa lạ ở Cư Dắt. Tảo hôn, đẻ nhiều, đẻ dày đã và đang là nguyên nhân khiến nghèo đói luôn bám lấy cuộc sống của người dân nơi đây. Chị Sùng Thị Kiều, cộng tác viên dân số thôn Cư Dắt cho biết: “Cả thôn có 178 hộ nhưng chỉ khoảng 20 hộ là có từ 1-2 con và đa phần là vợ chồng trẻ, còn lại những gia đình khác đều có từ 3 con trở lên, thậm chí nhà có 11-12 người con cũng là chuyện bình thường. Còn chuyện con trai, con gái trong thôn được cha mẹ dựng vợ, gả chồng sớm đã thành cái nếp rồi, muộn không lấy được vợ, chồng đâu. Ngay bản thân em, học xong lớp 9, nghỉ học ở nhà là em được bố mẹ gả chồng ngay. Nhưng vì sợ đẻ sớm không chăm được con nên đến giờ khi em được 23 tuổi và chồng 21 tuổi mới quyết định sinh con”. Nghe vậy, chúng tôi hỏi Kiều về công việc của cộng tác viên dân số ở thôn có đạt được hiệu quả không, cô tự tin nói: “Có chứ! Trước đây, do cộng tác viên dân số của thôn là đàn ông, họ ngại đi tuyên truyền nên không có kết quả. Từ khi em làm công việc này đến nay, trong 3 năm qua đã vận động được 2 trường hợp đẻ nhiều đi đình sản. Còn từ đầu năm đến nay, vận động được 13 trường hợp chị em đi đặt vòng”. Rõ ràng, trong khi người dân trong thôn Cư Dắt luôn quan niệm con gái sau 15 tuổi chưa có chồng là ế và chỉ chăm chăm đến chuyện đẻ dày, đẻ nhiều để nhà cửa đông vui… mới thấy việc thuyết phục được chị em đi đình sản, đặt vòng của Kiều thực sự có ý nghĩa; mặc dù những con số này chưa thể làm thay đổi được thực tế đang tồn tại ở nơi đây.
Có thể thấy, tình trạng tảo hôn, đẻ dày, đẻ nhiều ở Cư Dắt không chỉ vi phạm các quy định của pháp luật mà còn để lại những hệ lụy khó lường. Các nghiên cứu khoa học đã khẳng định: ở lứa tuổi vị thành niên, cơ thể người phụ nữ chưa phát triển hoàn thiện, chưa đủ điều kiện sức khỏe để nuôi dưỡng bào thai, do đó ảnh hưởng lớn tới sự phát triển bình thường của thai nhi. Hơn nữa, việc thiếu nhận thức và kỹ năng cần thiết, sự chuẩn bị về mặt tâm lý, ý thức trách nhiệm khi chào đón thành viên mới sẽ khiến đứa trẻ bị suy dinh dưỡng, còi cọc, dễ mắc bệnh… Điều này về lâu dài sẽ làm suy thoái nòi giống, ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống của gia đình và xã hội. Bên cạnh đó, do chưa có kiến thức, thiếu hiểu biết xã hội để tự lo cho cuộc sống gia đình nên phần lớn đời sống của những gia đình trẻ này thường lâm vào cảnh khó khăn chồng chất. Chính vì vậy, việc có những giải pháp trước mắt và lâu dài để hạn chế và đi tới xóa bỏ những tập tục lạc hậu này là vô cùng cần thiết. Song, để làm được điều này không chỉ riêng ngành Dân số mà cần phải có có sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, các ban, ngành liên quan ở địa phương.
Kim Oanh
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác