07/03/2017 10:00
Sàng lọc sơ sinh là chương trình thực hiện xét nghiệm thường quy cho trẻ sơ sinh nhằm phát hiện sớm các bệnh lý như suy giáp bẩm sinh, thiếu men G6PD và tăng sinh tuyến thượng thận bẩm sinh, giúp trẻ phát triển khỏe mạnh bình thường, nâng cao chất lượng dân số.
Tháng 5-2013, Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh phối hợp với Công ty Belasia và Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương ở TP. Hồ Chí Minh triển khai chương trình sàng lọc sơ sinh. Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh cũng đã mời các chuyên gia, bác sĩ hàng đầu về lĩnh vực sàng lọc sơ sinh ở TP. Hồ Chí Minh, tổ chức các buổi hội thảo khoa học, tập huấn chuyên môn, kỹ thuật lấy mẫu máu gót chân ở trẻ sơ sinh để xét nghiệm sàng lọc… từng bước nâng cao trình độ cho đội ngũ bác sĩ và nhân viên y tế tại bệnh viện. Bác sĩ Hoàng Minh Ngọc, Khoa Phụ sản (Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh) cho biết: “Thời gian đầu, việc triển khai dịch vụ sàng lọc sơ sinh còn gặp khó khăn do nhiều người không biết được các bệnh lý thiếu men G6PD, suy giáp bẩm sinh là gì; một số người thì cho rằng không ai trong gia đình mắc bệnh nên con của họ không cần làm xét nghiệm; họ cũng sợ con bị đau. Thời gian tốt nhất để lấy máu làm xét nghiệm sàng lọc sơ sinh cho bé là từ 2-7 ngày tuổi nhưng không ít gia đình lại cho sản phụ và con về ngay sau khi sinh”…
|
Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh đang lấy mẫu máu sàng lọc trẻ sơ sinh. |
Trước những khó khăn đó, Khoa Phụ sản của Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh đã chủ động theo dõi, thu thập thông tin về các bà mẹ đến sinh và trẻ sơ sinh; tổ chức các buổi truyền thông cho sản phụ và người nhà của họ về tầm quan trọng của chương trình sàng lọc sơ sinh; phân tích những nguyên nhân và hậu quả của một số bệnh bẩm sinh như: Thiểu năng tuyến giám bẩm sinh, thiếu men G6PD… Để chương trình sàng lọc sơ sinh ngày càng đi vào đời sống nhân dân và đạt hiệu quả cao, từ đầu năm 2015, bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh đã phối hợp với Chi cục Dân số-KHHGĐ tỉnh tổ chức chương trình tập huấn sàng lọc trước sinh và sơ sinh cho 200 bác sĩ, nhân viên y tế của các bệnh viện và 184 trạm y tế xã, phường, thị trấn trong tỉnh nhằm phát huy vai trò của đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế trong công tác tuyên truyền, tư vấn cho nhân dân về lợi ích của sàng lọc trước sinh và sơ sinh. Đồng thời, theo dõi, nắm bắt các thông tin về các bà mẹ mang thai, trẻ sơ sinh để kịp thời tư vấn, hướng dẫn và thực hiện tốt chương trình sàng lọc cho các đối tượng
Nhờ vậy, nhiều người dân đã hiểu biết về tầm quan trọng của chương trình sàng lọc sơ sinh. Anh Võ Hoàng Thu, xã Cư Mốt (huyện Ea H’leo) đưa vợ đi sinh ở Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh cho biết: “Sau khi được tư vấn, tôi đã hiểu rằng chỉ cần để bác sĩ lấy 2 giọt máu ở gót chân của con, nhỏ lên giấy thấm máu sẽ xét nghiệm được nhiều bệnh tật. Vì tương lai của con nên vợ chồng tôi đồng ý để bác sĩ thực hiện”. Còn bác Trần Thị Lệ Thủy (phường Tân Thành, TP. Buôn Ma Thuột) thì kể: “Khi bác sĩ lấy máu, thấy cháu khóc, tôi cũng xót. Nhưng thà để khóc một lúc rồi nín, còn hơn nếu không sàng lọc sơ sinh, lỡ mắc bệnh tật thì cháu sẽ khóc cả đời”.
Qua tìm hiểu được biết, từ tháng 5-2013 đến tháng 5-2015, Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh đã tiến hành lấy mẫu máu gót chân sàng lọc sơ sinh cho 10.248 trẻ em (chiếm hơn 96% tổng số trẻ được sinh ra tại bệnh viện). Qua đó, phát hiện 168 trẻ thiếu men G6PD và 3 trẻ suy giáp bẩm sinh. Hiện nay, bệnh viện đang tư vấn chăm sóc, theo dõi sức khỏe cho 168 trẻ thiếu men G6PD; điều trị cho 1 trẻ và theo dõi định kỳ cho 2 trẻ bị suy giáp bẩm sinh đạt kết quả tốt.
Tuy vậy, Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh chỉ một trong nhiều cơ sở y tế nhỏ tiếp nhận các sản phụ tới sinh. Hiện nay, ở tỉnh ta có rất nhiều em bé sinh ra không được sàng lọc sơ sinh, trong đó có những trường hợp mắc các bệnh tật bẩm sinh. Vì vậy, trong thời gian tới, ngoài sự nỗ lực của Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh, ngành y tế, rất cần sự vào cuộc của cả cộng đồng trong việc triển khai thực hiện chương trình sàng lọc sơ sinh, góp phần giảm bớt nỗi đau con trẻ bị dị tật bẩm sinh, giúp trẻ em phát triển bình thường, nâng cao chất lượng dân số.
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác