07/03/2017 10:00
Ngày 22/3/2005, Bộ chính trị đã ban hành Nghị quyết số 47 về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách Dân số-KHHGĐ. Thực hiện Nghị quyết 47, sau 10 năm, công tác Dân số-KHHGĐ ở huyện Krông Ana đạt nhiều kết quả quan trọng, tạo tiền đề để phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.
Huyện Krông Ana đẩy mạnh truyền thông lưu động về Dân số-KHHGĐ. Ngay sau khi Nghị quyết 47 ra đời, các cấp ủy Đảng, chính quyền ở huyện Krông Ana đã chỉ đạo cho ngành chức năng và các ban ngành, đoàn thể tăng cường công tác phối hợp nhằm thực hiện có hiệu quả chương trình Dân số-KHHGĐ. Từ huyện đến thôn, buôn, các hoạt động truyền thông-giáo dục về dân số được chú trọng triển khai như: treo băng rôn, khẩu hiệu, mít tinh hưởng ứng Ngày gia đình Việt Nam 28/6, ngày Dân số thế giới 11/7, ngày Dân số Việt Nam 26/12; sinh hoạt nhóm, nói chuyện chuyên đề, tư vấn tại nhà về chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình. Một trong những hoạt động nổi bật là việc thành lập các mô hình câu lạc bộ gia đình hạnh phúc, gia đình không sinh con thứ 3…xã Dray Sáp là một trong những địa phương tiêu biểu trong việc duy trì và nhân rộng các Câu lạc bộ, góp phần giảm mức sinh, giảm tình trạng sinh con thứ 3 trở lên, nâng cao chất lượng dân số. Bà Trương Thị Ngọc Bích – Chủ tịch Hội LHPN xã Đray Sáp, Krông Ana cho biết: “Hội đã chỉ đạo cho các chi hội thành lập nhiều mô hình như Không sinh con thứ 3, phòng chống bạo lực gia đình, 5 không 3 sạch gắn với xây dựng nông thôn mới…”
Gia đình anh Lưu Xuân Chinh và chị Nguyễn Thị Duyên ở thôn An Na, xã Dray Sáp là một trong những điển hình về thực hiện kế hoạch hóa gia đình và phát triển kinh tế. Sau khi sinh đứa con thứ 2, được cán bộ dân số tư vấn, phân tích về lợi ích của kế hoạch hóa gia đình nên vợ chồng anh Chinh đã quyết định kế hoạch và tích cực tham gia Câu lạc bộ không sinh con thứ 3 của thôn. Anh Chinh và chị Duyên tập trung đầu tư, chăm chỉ lao động, chăm sóc 1000 trụ tiêu và 9 sào cà phê. Mỗi năm thu về 300 triệu đồng. Kinh tế ngày một khá lên, hạnh phúc gia đình luôn được đảm bảo. Anh Chinh chia sẻ thêm: Hiện tại đứa con đầu của vợ chồng anh đang học lớp 12, đứa con út học lớp 7. Niềm hạnh phúc lớn nhất của vợ chồng anh là các con lớn lên đều vâng lời bố mẹ và học tập tốt.
Chị H’Liơ Hmốk và các con. Còn vợ chồng chị H’Liơ Hmốk sinh ra và lớn lên ở buôn Krăng, xã Dur Kmăl, chứng kiến nhiều gia đình khổ cực vì sinh đông con nên sau khi cưới nhau, họ đã quyết định chỉ sinh 2 đứa con. Nhờ vậy, vợ chồng chị H’Liơ có thời gian và điều kiện chăm sóc các con của mình. Hiện tại, đứa con đầu đang học lớp 2, còn đứa con thứ hai đang học lớp 1. Cả hai cháu đều chăm ngoan và học khá.
Trong những năm gần đây, công tác truyền thông về nâng cao chất lượng dân số cũng được ngành chức năng ở huyện Krông Ana chú trọng. Trong đó, Trung tâm Dân số-KHHGĐ huyện đã tăng cường các hoạt động của Mô hình can thiệp giảm tình trạng tảo hôn và kết hôn cận huyết thống; tư vấn chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên-thanh niên, làm mẹ an toàn; truyền thông về lợi ích của sàng lọc trước sinh và sơ sinh…
Nhờ thực hiện tốt các hoạt động trên, sau 10 thực hiện Nghị quyết 47, công tác Dân số-KHHGĐ ở huyện Krông Ana đã chuyển biến tích cực. Tỷ suất sinh thô giảm từ 20,58%o (năm 2005) xuống còn 14,17%o (năm 2014); tỷ lệ gia tăng dân số tự nhiên từ 1,83% (năm 2005) giảm còn 1,14% (năm 2014); tỷ lệ trẻ em sinh ra là con thứ 3 trở lên chỉ còn 12,59%. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên. Tỷ lệ gia đình văn hóa ở huyện Krông Ana đạt 79,6%; tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 8,07%. Ông Thái Văn Tài – Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Ana cho biết: “Nhờ thực hiện tốt các chỉ tiêu, kế hoạch về dân số đã tác động đến công tác y tế, giáo dục, đặc biệt là chất lượng dân số được nâng lên. Thực hiện tốt công tác dân số cũng tạo tiền đề để huyện Krông Ana phát triển kinh tế-xã hội, với mức tăng trưởng hàng năm đạt hơn 13%”.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hiện nay, công tác Dân số-KHHGĐ ở huyện Krông Ana còn gặp không ít khó khăn như: tình trạng tảo hôn, sinh đông con vẫn xảy ra, chất lượng dân số còn thấp. Đòi hỏi các cấp ủy Đảng, chính quyền và các ban ngành, đoàn thể ở địa phương cần tiếp tục tăng cường đẩy mạnh thực hiện chính sách Dân số-KHHGĐ. Trong đó, chú trọng triển khai thực hiện có hiệu quả các mô hình, đề án nâng cao chất lượng dân số nhằm cải thiện giống nòi, nâng cao chất lượng dân số, tạo nguồn nhân lực có chất lượng trong tương lai để phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội./.
Xuân Yên
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác