07/03/2017 10:00
Trong những năm qua, cùng với các chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, vùng đồng bào DTTS ở xã Ea Sin (huyện Krông Buk) đã có những chuyển biến rõ rệt về mọi mặt về đời sống vật chất, tinh thần. Tuy nhiên, tại đây vẫn còn đó những nỗi lo về vấn đề dân số, đặc biệt tại 4 buôn được hỗ trợ định canh, định cư theo chương trình 132, 134 của Chính phủ (gồm Ea Sin, Ea Bông, Cư M’tao và Cư Kanh).
Theo chân H’Yôr Niê, phó buôn Ea Pông, chúng tôi tìm đến nhà vợ chồng em H’But Mlô, mới 18 tuổi, H’But đã là mẹ của 2 đứa con, đứa lớn mới tròn 2 tuổi, đứa nhỏ chưa đầy 4 tháng. Mặc dù đã qua 2 lần sinh nở, nhưng cách ẵm con của H’But tỏ ra luống cuống, vụng về. Lúc con khóc, em cũng chỉ biết cho con ti, khi con buồn ngủ, một lời ru cũng không có… Đó không chỉ là trường hợp cá biệt mà là tình cảnh chung của những “bà mẹ nhí” như H’Bút. Do lấy chồng sớm, kinh nghiệm sống chưa có, “gia tài” bài hát ru quanh đi quẩn lại cũng chỉ là những bài hát thiếu nhi, thậm chí các bài nhạc chế của tuổi teen hay hát. Được biết, khi mới 14 tuổi, em đã ngấp nghé biết yêu. Trong một lần đi chơi với bạn, H’But quen Y Cuên Niê hơn em 2 tuổi (hiện là chồng của em), sau mấy tháng qua lại, 2 đứa về thưa chuyện với cha mẹ 2 bên, bước sang tuổi 15, H’But và Y Cuên tổ chức đám cưới. Cõng đứa lớn trên lưng, đứa nhỏ ẵm trên tay, H’But hồn nhiên tâm sự: Chúng em ưng nhau thì cưới thôi chứ không hề có dự định gì cho tương lai cả. Từ khi lấy chồng, em chỉ biết sinh đẻ và chăm sóc con, còn việc nương rẫy, làm thuê cuốc mướn đều do bố mẹ và chồng sắp xếp”.
|
Những thiếu nữ mới 15, 16 tuổi ở buôn Ea Pông, xã Ea Sin (huyện Krông Buk) đã làm mẹ của một, hai đứa con. |
Nhìn khuôn mặt “bấm ra sữa” của H’Jua Niê (sinh năm 1998), ít ai nghĩ rằng chỉ còn mấy tháng nữa em sẽ lên thiên chức làm mẹ. Ở tuổi 16 – tuổi đẹp nhất của một người con gái đang thì, khi bao bạn bè cùng trang lứa đang hồn nhiên trên ghế nhà trường thì em khệnh khạng bụng mang dạ chửa. Cũng như nhiều thiếu nữ trong buôn Ea Pông, học hết bậc tiểu học, H’Jua về phụ giúp cha mẹ việc nương rẫy và lên xe hoa về nhà chồng ở tuổi 15. Mặc dù còn bao nỗi lo toan phía trước về việc chuẩn bị chào đón một thành viên mới, về miếng cơm manh áo hằng ngày, nhưng H’Jua vẫn hồn nhiên như một đứa trẻ, em bộc bạch: “Cha mẹ chưa muốn em lấy chồng, nhưng trong buôn có nhiều đứa bạn bằng tuổi đã cưới chồng, có con nên khi bọn em thưa chuyện, cha mẹ cũng chiều theo. Em chỉ nghỉ đơn giản, yêu nhau cưới nhau là chuyện bình thường, không quan trọng tuổi tác.” Vừa dứt lời với chúng tôi, H’Jua vội vàng chạy theo đám bạn đang chơi đùa ở phía đầu đường vào buôn một cách hồn nhiên mà em không hề nghĩ rằng em đang mang trong mình một sinh linh bé bỏng, đòi hỏi người mẹ phải nhẹ nhàng, cẩn trọng từng hành động.
Đến nhà H’Yich Mlô trong một buổi chiều muộn, lúc mấy chị em trong nhà đang tụm năm tụm bảy chia nhau từng củ sắn, từng viên kẹo nhỏ. Thoạt đầu nhìn vào, chúng tôi cứ ngỡ đứa bé H’Yich đang địu trên lưng là em út trong nhà, nhưng khi hỏi ra mới vỡ lẽ đó là đứa con đầu lòng của em. Mới 16 tuổi, H’Yich đã là mẹ của đứa con hơn 1 năm tuổi. Khi hỏi về việc thực hiện các biện pháp kế hoạch hóa gia đình, H’Yich hồn nhiên trả lời, mới 1 đứa con nên em chưa tính chuyện kế hoạch, có bầu khi nào thì sinh con lúc đó.
Tại buôn Cư M’tao, tình trạng lấy chồng, lấy vợ ở tuổi 13-14 cũng diễn ra phổ biến, đến nỗi người dân nơi đây xem tình trạng này là phong trào nên người này theo người khác, đời này nối tiếp đời kia mà không hề nghĩ đến những hệ lụy của việc lập gia đình khi chưa đủ tuổi. Lấy chồng từ lúc 14 tuổi, đến nay sau 4 năm chung sống, có với nhau một mặt con 3 tuổi, vợ chồng H’Len Niê mới đủ tuổi đăng ký kết hôn. Tương tự H’Len, H’Eo cũng lấy chồng lúc 16 tuổi, chung sống 2 năm nhưng cặp vợ chồng trẻ này vẫn chưa làm thủ tục kết hôn.
Ông Y Thương Niê, trưởng buôn Cư M’tao cho hay, tại buôn có rất nhiều cặp vợ chồng lấy nhau khi còn trẻ, mặc dù được cán bộ đến tuyên truyền tận nơi, nhưng nạn tảo hôn vẫn diễn ra phổ biến. Một thực tế đáng buồn nữa, nhiều cặp vợ chồng dù đã đủ tuổi, nhưng không mấy quan tâm đến việc đăng ký kết hôn. Quan niệm lạc hậu, kinh tế gia đình khó khăn, nhiều đứa trẻ trong buôn không được đến lớp, đến trường, nhất là ở lứa tuổi mầm non. Cái vòng luẩn quẩn cưới sớm, đẻ nhiều vẫn lặp đi lặp lại, những thiếu nữ tuổi 14, 15 đã lên thiên chức làm mẹ vẫn không có dấu hiệu giảm xuống.
Hoàng Tuyết
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác