07/03/2017 10:00
Ở buôn H’Mông, xã Ea Kiết (huyện Cư M’gar), nhiều người vẫn còn duy trì tập tục sinh nở tại nhà. Việc đỡ đẻ chủ yếu dựa vào kinh nghiệm của bà nội (ngoại) hoặc người chồng… nên tiềm ẩn nhiều nguy hiểm và nguy cơ tai biến là rất lớn.
Chị Vũ Thị Chợ (SN 1994) và anh Sùng A Ngàn (SN 1990) kết hôn được gần 6 năm, hiện có 3 con, đứa lớn năm nay gần 5 tuổi, đứa nhỏ mới chỉ vài tháng tuổi. Cả 3 đứa con của anh chị đều được sinh tại nhà; trong đó, đứa đầu do mẹ và chồng cùng đỡ, còn những lần sau do đã có… kinh nghiệm nên chồng chị đảm đương luôn “nhiệm vụ” này. Chị Chợ cho biết: “Tôi vẫn biết tự sinh ở nhà không có bác sĩ đỡ là rất nguy hiểm. Nhưng đến bệnh viện huyện hay Trạm y tế thì không có tiền, tôi cũng không biết làm sao được”. Cách đó không xa là gia đình anh Hoàng Văn Chính (SN 1983) và chị Sồng Thị Kịa (SN 1984). Sau khi chị Kịa sinh đứa con đầu tại nhà vào năm 2003, thấy vợ sinh dễ nên cả 4 lần sau anh Chính cũng để vợ sinh luôn ở nhà thay vì đến Bệnh viện Đa khoa huyện hay Trạm y tế xã. Việc đỡ đẻ chủ yếu dựa vào kinh nghiệm của các thành viên trong gia đình, rất may những lần chị Kịa tự vượt cạn tại nhà đều không xảy ra tai biến. Anh Chính kể: “Gia đình tôi có hơn 2 ha trồng hoa màu, mỗi năm thu được gần 20 triệu đồng, chỉ đủ ăn thôi. Nhà xa trung tâm xã và huyện, đường sá đi lại khó khăn, có đưa vợ đến bệnh viện sinh thì gia đình cũng không có tiền. Vả lại vợ mình đẻ dễ lắm, cũng thích đẻ ở nhà nữa nên mình để vợ sinh ở nhà luôn”.
|
Phần lớn trẻ em trong buôn H'Mông, xã Ea Kiết (huyện Cư M'gar) đều được sinh tại nhà. |
Buôn H’Mông là buôn xa nhất của xã Ea Kiết với 155 hộ và 817 nhân khẩu, phần lớn là đồng bào Mông di cư tự do từ phía Bắc vào từ năm 1999 đến nay. Người dân ở đây chủ yếu sống nhờ vào việc canh tác ngô và sắn trên nương rẫy. Thực hiện dự án ổn định dân cư tự do của UBND huyện Cư M’gar, tính đến nay buôn H’Mông đã có 67 hộ với 356 nhân khẩu chuyển ra nơi ở mới, các hộ còn lại vẫn sống ở các Tiểu khu 540, 544, 547 thuộc Lâm trường buôn Ja Wầm. Những điểm dân cư này nằm cách xa trung tâm xã Ea Kiết, biệt lập trong rừng, không có điện, điều kiện sản xuất, sinh hoạt và giao thông không thuận lợi.
Những năm qua, mặc dù cuộc sống người dân ở buôn H' Mông đã có nhiều đổi thay so với những ngày đầu thành lập nhưng vẫn còn rất nhiều khó khăn, số hộ nghèo, cận nghèo chiếm tỷ lệ cao. Đường sá đi lại khó khăn, lại xa cơ sở y tế nên nhiều gia đình vẫn "trung thành" với phương pháp đỡ đẻ tại nhà thay vì đến sinh con tại bệnh viện hay Trạm y tế xã. Việc đỡ đẻ của người dân chủ yếu là làm theo thói quen hay kinh nghiệm nên tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, nguy cơ tai biến. Ông Hoàng Năm Báu,
Trường buôn H’Mông (xã Ea Kiết) cho biết: “Việc sinh đẻ tại nhà vốn là tập tục của dân tộc Mông mình. Bây giờ đời sống phát triển, một số hộ cũng đã đến bệnh viện để sinh con nhưng phần lớn vẫn sinh đẻ tại nhà. Bên cạnh đó, do buôn H’Mông nằm cách xa trung tâm, nhất là buôn cũ thì nằm trong rừng, đường sá đi lại khó khăn, phần nữa là người dân trong buôn còn khổ quá không có đủ điều kiện để đến sinh tại bệnh viện. Vì thế, nhiều người vẫn biết sinh đẻ tại nhà là nguy hiểm nhưng vẫn để vợ đẻ tại nhà. Năm 2013, ở buôn H’Mông cũ đã xảy ra 1 trường hợp sau khi sinh con xong thì người mẹ bị chết do tai biến sản khoa”.
Việc duy trì tập tục sinh đẻ tại nhà của người dân ở buôn H’Mông đang là thực trạng đáng báo động, đặt ra nhiều nguy cơ cho sức khỏe của bà mẹ và trẻ em khi sinh ra. Thiết nghĩ, trước tình trạng này, chính quyền địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của người dân nhằm loại bỏ tập tục lạc hậu này.
Trung Dũng
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác