07/03/2017 10:00
Trong những năm qua, tình trạng sinh con thứ 3 trở lên ở xã Dak Phơi (huyện Lak) diễn ra khá phổ biến và có chiều hướng gia tăng. Điều đó đã làm cho những người làm công tác dân số ở cơ sở phải “đau đầu” trong việc tìm các giải pháp.
Gia đình anh Y Tluôt Sruk ở buôn Tlông, xã Dak Phơi đã có với nhau 6 đứa con. Nhà có 8 nhân khẩu nhưng không có đất canh tác nên hằng ngày vợ chồng anh Y Tluôt phải đi làm thuê, làm mướn khắp nơi. Những ngày không có ai gọi đi làm, anh Y Tluôt ở nhà tranh thủ đan gùi để bán kiếm tiền. “Mỗi cái gùi trị giá khoảng 150 nghìn đồng nhưng phải đan 3 ngày mới xong một cái” – anh Y Tluôt cho biết. Tất bật như vậy nhưng nhiều lúc gạo vẫn không đủ ăn; suốt 17 năm qua, gia đình anh Y Tluôt vẫn cứ loay hoay với đói nghèo, nơi ở chỉ là một căn nhà được hỗ trợ từ Chương trình 134 của Nhà nước và một cái bếp cũ kỹ chật hẹp được ghép bằng nứa, lợp tranh. Đáng buồn hơn là 2 đứa con đầu học xong lớp 5 thì lần lượt bỏ học tìm đường mưu sinh và những đứa con khác của anh chị cũng đứng trước nguy cơ bỏ học trước cảnh “thiếu trước hụt sau” của gia đình.
|
Anh Y Thuôt đan gùi bán để có tiền trang trải cuộc sống. |
Vợ chồng anh Y Bang Yie và chị H’Oen Cil ở buôn Jiê Yuk có đến 9 đứa con, đứa đầu năm nay 17 tuổi, còn đứa con út mới 8 tháng tuổi. Kinh tế gia đình chỉ trông vào 3 sào cà phê đã già cỗi và 3 sào đất đồi trồng lúa, ngô. Anh Y Bang than thở: “Hằng ngày nhà mình ăn cơm với cá khô và rau; nhiều bữa không đủ gạo thì tìm quả bầu về nấu cháo. Đói lắm!”. Cũng vì thế, những đứa trẻ trong gia đình này lớn dần lên trong thiếu ăn và thất học, 3 đứa đầu mới học hết lớp 1 đã lần lượt bỏ học đi lượm cà phê, củ sắn hay đi làm cỏ thuê, 3 đứa con kế tiếp học rất kém; 3 đứa còn lại đều bị suy dinh dưỡng vì người mẹ không đủ sữa, không có tiền để mua thức ăn đủ chất...
Xã Dak Phơi hiện là một điểm “nóng” về tình trạng sinh con thứ 3 trở lên ở huyện Lak. Năm 2014, toàn xã có 45 trẻ sinh ra là con thứ 3 trở lên (chiếm 28,12%). Cùng với tập quán canh tác lạc hậu, thiếu vốn sản xuất thì việc sinh đông con là nguyên nhân trực tiếp ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân ở địa phương. Năm 2014, xã Dak Phơi vẫn còn 36,3% hộ nghèo, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng chiếm 30,05%. Qua tìm hiểu được biết, nguyên nhân chủ yếu của tình trạng sinh đông con ở xã Dak Phơi do trình độ dân trí thấp, ý thức về kế hoạch hóa gia đình còn hạn chế, một bộ phận người dân còn tư tưởng “con cái là trời cho” nên cứ sinh theo cách tự nhiên. Ngoài ra, không ít cặp vợ chồng sử dụng biện pháp tránh thai không đúng cách dẫn đến vỡ kế hoạch. Đặc biệt, một số gia đình cán bộ, đảng viên thiếu gương mẫu trong việc chấp hành chính sách dân số (từ năm 2013 đến nay, trên địa bàn xã có 3 gia đình đảng viên sinh con thứ 3).
Thời gian qua, Ban Dân số xã Dak Phơi đã tích cực phối hợp với các đoàn thể, Ban tự quản thôn, buôn đẩy mạnh truyền thông dân số. Cán bộ chuyên trách và cộng tác viên dân số chủ động bám sát địa bàn, nắm bắt đối tượng, chú trọng vào những cặp vợ chồng đã sinh 2 con để tuyên truyền, vận động kế hoạch hóa gia đình. Tuy nhiên, những nỗ lực đó chưa mang lại nhiều hiệu quả. Chị Lại Thị Oanh, cán bộ chuyên trách dân số xã Dak Phơi cho biết: “Toàn xã hiện có 995 cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ nhưng vẫn còn 365 cặp chưa sử dụng các biện pháp tránh thai. Từ đầu năm 2015 đến nay, đã có 22 trường hợp sinh con thứ 3 trở lên. Có thể nói, tình trạng sinh đông con đang là vấn đề “đau đầu” với cán bộ dân số ở địa phương”.
Thiết nghĩ, cần có những biện pháp mạnh mẽ hơn nữa để giải quyết tình trạng sinh đông con ở Dak Phơi như: tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động truyền thông chuyển đổi hành vi cho cán bộ đảng viên và người dân về kế hoạch hóa gia đình; Đảng ủy, chính quyền xã cần chỉ đạo quyết liệt đối với các ban ngành, đoàn thể, Ban tự quản thôn, buôn trong việc ký cam kết thực hiện chính sách Dân số-KHHGĐ, Luật Hôn nhân và gia đình…
V.T
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác