07/03/2017 10:00
Từ xa xưa đến nay, nhiều người quan niệm rằng: con trai là người thờ phụng cha mẹ khi về già và là trụ cột của gia đình. Thế nhưng, thực tế cuộc sống đã chứng minh, người con gái cũng có thể làm tốt thiên chức trong gia đình và khẳng định được vai trò, vị trí ngoài xã hội.
Chị An đang chăm sóc bố. Chị Trần Thị Trường An ở thôn 9, xã Tân Hòa, huyện Buôn Đôn là người con út trong gia đình 6 anh chị em (gồm 3 trai và 3 gái). Tuy vậy, khi các con đã trưởng thành và lập gia đình, bố mẹ chị An đã chọn ở cùng gia đình chị. Nhiều năm qua, vợ chồng chị An luôn chăm sóc bố mẹ chu đáo. Gần đây, khi bố bị tai biến, mẹ cũng đã già yếu, hàng ngày, chị An là trực tiếp chăm lo cho bố mẹ việc ăn uống, vệ sinh và nghỉ ngơi đảm bảo sức khỏe. Chị An chia sẻ: “Bố mẹ đã có công sinh thành dưỡng dục, khi về già rất cần được quan tâm chăm sóc. Vì vậy, dù con gái hay con trai thì phụng dưỡng bố mẹ là đều trách nhiệm chung của mỗi người con”.
Không chỉ phụng dưỡng tốt bố mẹ, quán xuyến mọi việc trong gia đình, nhiều người phụ nữ còn phát huy tốt khả năng của mình ngoài xã hội. Chị Nguyễn Thị Ngọc Anh – Giám đốc công ty cổ phần du lịch Kô Tam, thành phố Buôn Ma Thuột làm một ví dụ điển hình. Chị Ngọc Anh đã đứng ra tập hợp 50 chị em là chủ các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk tham gia Câu lạc bộ doanh nhân nữ do chị làm chủ nhiệm. Các chị đã đóng góp hơn 50 tỷ đồng để xây dựng khu du lịch sinh thái cộng đồng Kô Tam. Cũng tại đây, chị Ngọc Anh đã thành lập hội phụ nữ với 70 hội viên tham gia, nhằm bảo vệ quyền bình đẳng, lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, nâng cao vị thế của phụ nữ trong cuộc sống hiện đại.
Chị Ngọc Anh(ngoài cùng bên trái) với công tác vì cuộc sống cộng đồng.
Nhằm phát huy vai trò của người phụ nữ trong gia đình và cuộc sống, sau khi có Luật bình đẳng giới, tại Đắk Lắk việc lồng ghép giới đã trở thành một quy trình pháp lý bắt buộc khi xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật; công tác truyền thông về bình đẳng giới cũng được chú trọng. Bên cạnh đó, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và của toàn xã hội, bộ Luật Lao động sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua cũng hướng đến việc nâng cao vai trò đội ngũ lao động nữ. Lao động nữ được nghỉ trước và sau khi sinh con 6 tháng, thay vì 4 tháng như trước đây. Nhờ đó, nhiều chị em phụ nữ ở Đắk Lắk hôm nay là những người vợ hiền, người mẹ tận tâm xây dựng mái ấm gia đình. Đồng thời cũng là những người năng động trong công việc, giúp ích cho xã hội.
Tuy nhiên, việc phát huy vai trò của người phụ nữ hiện nay vẫn còn những rào cản nhất định. Đó là tư tưởng “trọng nam khinh nữ” còn tồn tại, dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Từ năm 2011 đến nay, tỷ số giới tính khi sinh ở Đắk Lắk đã vượt ngưỡng 107 bé trai/100 bé gái; nhiều phụ nữ ở vùng sâu, vùng xa còn mang trên mình gánh nặng sinh đông con…Không những vậy, hàng năm còn xảy ra tình trạng lạm dụng sức lao động trẻ em nói chung và trẻ em gái nói riêng, lạm dụng tình dục trẻ em gái, bạo lực gia đình…
Vì vậy, để thực hiện tốt vấn đề bình đẳng giới và nâng cao vị trí, vai trò của người phụ nữ ở Đắk Lắk, rất cần sự quan tâm thường xuyên của các cấp ủy Đảng, chính quyền và sự vào cuộc của toàn xã hội trong việc triển khai thực hiện Luật Bình đẳng giới. Hơn nữa, chị em phụ nữ cần ý thức được đầy đủ vai trò về giới, từ đó nắm bắt được những cơ hội, khắc phục mọi khó khăn để làm tốt thiên chức trong gia đình cũng như hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, khẳng định vai trò đối với xã hội./.
PTT
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác