07/03/2017 10:00
Trong thời gian quan, ở một số nơi, nhất là vùng sâu, vùng xa của tỉnh Đắk Lắk, việc tiếp cận các dịch vụ về chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình và nâng cao chất lượng dân số còn hạn chế. Đòi hỏi ngành chức năng cần tiếp tục tăng cường nâng cao chất lượng các hoạt động truyền thông về dân số.
Nói chuyện chuyên đề về nâng cao chất lượng dân số. Những năm gần đây, công tác Dân số-KHHGĐ ở tỉnh Đắk Lắk đã đạt nhiều kết quả khả quan. Tuy nhiên, Đắk Lắk là tỉnh có 47 dân tộc anh em chung sống, trình độ dân trí không đồng đều. Ở một số nơi, nhất là vùng sâu, vùng xa vẫn còn tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống, sinh con thứ 3 trở lên; ý thức của người dân về sàng lọc trước sinh và sơ sinh, khám sức khỏe tiền hôn nhân còn hạn chế…Trước thực tế đó, năm 2015, Chi cục Dân số-KHHGĐ tỉnh Đắk Lắk tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông về dân số trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đồng thời, phối hợp tổ chức nhiều hoạt động như: hội nghị tổng kết công tác truyền thông dân số giai đoạn 2011-2015, đánh giá chương trình Dân số-KHHGĐ trong hương ước thôn, buôn, tổ dân phố; mít tinh kỷ niệm ngày Dân số thế giới (11/7), ngày Dân số Việt Nam (26/12) và Tháng hành động quốc gia về Dân số (Tháng 12); ra quân chiến dịch truyền thông dân số kết hợp với tư vấn và vận động về chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình, nâng cao chất lượng dân số…Trong năm 2015, Chi cục Dân số-KHHGĐ tỉnh đã sửa chữa và làm mới được 10 cụm Panô, phối hợp thực hiện 24 chương trình phát thanh, truyền hình, cấp phát 500.000 tờ rơi có nội dung về dân số; triển khai chiến dịch truyền thông dân số ở 45 xã có mức sinh cao. Bên cạnh đó, cán bộ dân số cơ sở còn tổ chức hàng trăm buổi tư vấn về sức khỏe sinh sản và nâng cao chất lượng dân số.
Đẩy mạnh truyền thông về sàng lọc trước sinh và sơ sinh.
Những hoạt động trên đã nâng cao hiểu biết của các tầng lớp nhân dân về công tác Dân số-KHHGĐ. Đặc biệt, các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, vị thành niên-thanh niên được cung cấp nhiều kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản, làm mẹ an toàn, sàng lọc trước sinh và sơ sinh; khám sức khỏe tiền hôn nhân, phòng tránh tảo hôn và kết hôn cận huyết thống...Qua đó, góp phần quan trọng vào việc thực hiện hoàn thành đạt và vượt các chỉ tiêu chuyên môn về Dân số-KHHGĐ. Năm 2015, tỷ suất sinh thô ở Đắk Lắk giảm 0,56%o so với năm 2014 (đạt 112% so với kế hoạch Ủy ban nhân dân tỉnh giao); tỷ lệ sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại 73% (đạt 100% kế hoạch giao); gần 13.000 bà mẹ và em bé được sàng lọc trước sinh và sơ sinh…
Bên cạnh những kết quả đạt được, hiện nay ở Đắk Lắk tình trạng tảo hôn, sinh con thứ 3 trở lên còn xảy ra, nhiều người chưa quan tâm đến các vấn đề như: khám sức khỏe tiền hôn nhân, sàng lọc trước sinh và sơ sinh…Trong năm 2015, toàn tỉnh có 33.595 trẻ được sinh ra, trong đó có 4.680 trẻ là con thứ 3 trở lên; 137 cặp vợ chồng tảo hôn (khảo sát ở 39 xã triển khai Mô hình can thiệp giảm tình trạng tảo hôn và kết hôn cận huyết thống); tỷ số giới tính khi sinh 111 bé trai/100 bé gái…
Để sớm giải quyết những khó khăn, thách thức trong công tác dân số, bên cạnh sự nỗ lực của ngành chức năng, các cấp ủy Đảng, chính quyền ở Đắk Lắk cần dành sự quan tâm đúng mức và thực hiện có hiệu quả công tác Dân số-KHHGĐ. Đồng thời, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị triển khai đồng bộ, thường xuyên các hoạt động truyền thông các chủ trương, chính sách về Dân số-KHHGĐ và những vấn đề về chất lượng dân số…đến với cán bộ, đảng viên và nhân dân./.
Yên Lương
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác