07/03/2017 10:00
Nhiều năm trở lại đây, tình trạng sinh con thứ 3 trở lên ở thôn Ea Bra, xã Ea Trang, huyện MĐrắk diễn ra khá phổ biến và trở thành vấn đề đáng lo ngại trong công tác Dân số-KHHGĐ ở địa phương.
Chị Thào Thị Pó và những đứa con sống trong cảnh thiếu thốn.
Thôn Ea Bra cách Ủy ban nhân dân xã Ea trang khoảng 10 Km, được bao bọc xung quanh bởi đồi núi, 100% dân số trong thôn là người dân tộc Mông di cư từ 2 tỉnh Hà Giang và Lào Cai vào năm 1997. Ông Y Toan Mlô-Phó Chủ tịch UBND xã Ea Trang cho biết: “Trước đây, thôn Ea Bra chỉ có khoảng mười lăm gia đình nhưng do họ hàng, anh em dắt díu nhau từ quê vào và tình trạng sinh con không kế hoạch, đến nay số hộ trong thôn đã tăng lên 99 hộ với 556 nhân khẩu”.
Từ nhiều năm nay, tình trạng sinh con thứ 3 trở lên ở thôn Ea Bra diễn ra khá phổ biến và có chiều hướng gia tăng. Trong thôn hiện có 113 phụ nữ từ 15-49 tuổi có chồng thì có đến 62 chị sinh con thứ 3 trở lên, thậm chí có những chị sinh 6 hoặc 7 người con. Qua tìm hiểu thực tế, số trẻ được sinh ra là con thứ 3 trở lên ở thôn Ea Bra năm 2014 có 10 trẻ, năm 2015 có 7 trẻ, còn từ đầu năm 2016 đến nay đã có 10 trẻ. Anh Sùng Seo Sình – Cộng tác viên dân số thôn Ea Bra cho biết: “Nhiều phụ nữ ở đây phải bỏ học sớm, không rành tiếng phổ thông nên khó khăn trong việc tiếp thu các kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản và áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại. Việc kế hoạch hóa gia đình do người chồng quyết định, mà các ông chồng thường bảo thủ với quan niệm “đông con hơn nhiều của” và phải sinh bằng được con trai để nối dõi”.
Thực tế cho thấy, những gia đình sinh đông ở thôn Ea Bra đều gặp rất nhiều khó khăn về kinh tế, nhiều trẻ em bị suy dinh dưỡng, phải bỏ học sớm để phụ giúp cha mẹ…Như vợ chồng anh Giàng A Dế và chị Thào Thị Pó đã có với nhau 7 người con. Người con đầu năm nay 24 tuổi, còn người con thứ 7 chưa được 1 tuổi. Đông nhân khẩu nhưng chỉ có 2 sào đất trồng lúa nên gia đình chị Pó luôn sống trong cảnh “thiếu trước, thụt sau”. Các con của chị chưa đứa nào học hết trung học cơ sở đã phải bỏ học để kiếm sống (trong đó 2 người con đầu đã đi lấy chồng). Trong thời gian qua, mặc dù được Cộng tác viên dân số vận động kế hoạch hóa gia đình nhưng vợ chồng chị Pó vẫn chưa áp dụg biện pháp tránh thai. Vì thế, số con của họ tăng lên chỉ là vấn đề thời gian mà thôi.
Còn em Vàng Thị Say, năm nay mới 20 tuổi nhưng đang mang thai người con thứ 4. Được biết, Say lấy chồng khi mới 14 tuổi và sinh con khi cơ quan sinh sản chưa hoàn thiện nên em thường xuyên đau ốm. Nhà đông con nhưng không có đất canh tác, hàng ngày chồng của Say phải đi làm thuê, làm mướn. Kinh tế gia đình luôn trong cảnh túng thiếu, những đứa con của Say không được chăm sóc nên từ khi sinh ra và lớn lên đều bị suy dinh dưỡng.
Chứng kiến nhiều chị em trong thôn sinh đông và sinh dày nên thường xuyên đau ốm, kinh tế gia đình khó khăn…, sau khi lấy chồng và sinh được 2 người con, em Sùng Thị Hoa rất muốn kế hoạch. Nhưng khổ nỗi, Hoa sinh toàn con gái mà chồng của Hoa thì nhất quyết “phải sinh bằng được con trai để sau này nó làm được việc nặng và có người nối dõi”. Vì vậy, để kế hoạch hóa gia đình cũng là một thách thức không hề nhỏ đối với Hoa và không ít phụ nữ ở thôn Ea Bra.
Thiết nghĩ, giảm tình trạng sinh con thứ 3 trở lên ở thôn Ea Bra cần được coi là một nhiệm vụ trọng tâm trong công tác Dân số-KHHGĐ ở xã Ea Trang. Nhưng việc này không thể giải quyết trong “một sớm, một chiều” vì nó liên quan đến phong tục tập quán và quan niệm như “sinh đông con để có lao động làm việc” hay “sinh con trai để nối dõi”… Vì vậy, cần tiếp tục đẩy mạnh truyền thông dân số, trong đó chú trọng các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, nhất là nam giới; giúp họ chuyển đổi hành vi về kế hoạch hóa gia đình để góp phần ổn định kinh tế và nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình./.
Bài, ảnh: Võ Thảo
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác