07/03/2017 10:00
Ea Kuếh là một xã thuộc vùng sâu, vùng xa, khó khăn của huyện CưM’gar, trong những năm qua, tình trạng các cặp vợ chồng sinh nhiều con không phải là chuyện ít gặp. Tuy nhiên, từ đầu năm 2016 đến nay, việc thực hiện kế hoạch hóa gia đình đã chuyển biến mạnh mẽ.
Xã Ea Kuếh có 1.944 hộ với 8.192 nhân khẩu, trong đó hơn 63% là người dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo chiếm hơn 30%. Trình độ nhận thức của một bộ phận người dân còn nhiều hạn chế, do vậy vẫn còn tâm lý “Sinh con trai ở người Kinh hay con gái đối với người Ê Đê để nối dõi tông đường”, quan niệm “Trời sinh voi ắt sinh cỏ”, “sinh đông con để có thêm lao động cho gia đình”, sinh đông con cho vui cửa vui nhà…” đã ăn sâu vào tiềm thức của nhiều gia đình nơi đây, dẫn đến tình trạng sinh con thứ ba trở lên ngày càng nhiều và diễn ra khá phổ biến. Chị Trần Thị Huấn – Chuyên trách Dân số - KHHGĐ xã Ea Kuêh chia sẻ: “Việc đi tuyên truyền, vận động các hộ dân thực hiện kế hoạch hóa gia đình trước đây gặp rất nhiều khó khăn, có trường hợp tôi và Cộng tác viên dân số còn bị một số đối tượng là nam giới không hợp tác, thậm chí họ còn nói những lời khó nghe và đuổi ra khỏ nhà; còn những trường hợp phải đến nhà nhiều lần để thuyết phục thì không đếm xuể…”.
Một cặp vợ chồng ở xã Ea Kuếh thực hiện tốt kế hoạch hoá gia đình. Trước thực trạng trên Ban Dân số-KHHGĐ xã đã chủ động tham mưu chính quyền xây dựng kế hoạch cụ thể, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cả trực tiếp và gián tiếp, trong đó chú trọng vào đối tượng chính các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ đã sinh đủ số con quy định, tư vấn, vận động họ thực hiện các biện pháp tránh thai hiện đại, không sinh thêm con. Để triển khai có hiệu quả, Ban Dân số xã đã linh hoạt lồng ghép vào các buổi sinh hoạt đoàn thể ở xã (sinh hoạt câu lạc bộ Phụ nữ với pháp luật) và ở thôn, buôn để tuyên truyền, tư vấn, cấp phát phương tiện tránh thai cho đối tượng có nhu cầu. Xây dựng chương trình phối hợp tuyên truyền, thực hiện công tác DS-KHHGĐ với các ban, ngành như Đoàn thanh niên, Phụ nữ, Nông dân, Văn hóa thông tin...Kết quả trong 9 tháng năm 2016 xã đã tuyên truyền qua hệ thống truyền thanh xã được 40 lượt, lồng ghép họp nhóm 40 buổi với 280 đối tượng tham gia, tư vấn tại hộ gia đình cho 35 hộ (trong đó 10 hộ nghèo, 08 hộ cận nghèo), duy trì sinh hoạt hàng quý 02 mô hình câu lạc không sinh con thứ 3 tại Thôn Thác Đá và Buôn Thái với 58 thành viên tham gia, cấp phát 500 tờ rơi truyên thông các loại...
Nhờ thực hiện tốt công tác truyền thông, tuyên truyền, vận động nên nhận thức của người dân về công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản/Dân số - KHHGĐ có nhiều chuyển biến, từng bước làm thay đổi hành vi của người dân. Theo số liệu của Ban Dân số - KHHGĐ xã Ea Kuêh, từ đầu năm 2016 đến nay, toàn xã có 86 trẻ em được sinh ra, trong đó con thứ 3 trở lên chỉ chiếm 10,5% (giảm 9 % so với cùng kỳ năm 2015), không có trường hợp nào là đảng viên, cán bộ viên chức sinh con thứ 3. Trong tổng số 1.686 phụ nữ từ 15-49 tuổi có chồng thì đã có 1.097 chị 1.317 chị sử dụng các biện pháp tránh thai, chiếm 78,1%. Chị Trần Thị Huấn – Chuyên trách Dân số - KHHGĐ xã Ea Kuêh cho biết thêm: “Hiện nay, nhận thức của người dân về công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản/Dân số - KHHGĐ đã được nâng lên rõ rệt, nhất là các cặp vợ chồng trẻ, họ rất có ý thức trong việc thực hiện kế hoạch hóa gia đình, nhờ vậy số cặp vợ chồng sử dụng các biện pháp tránh thai ngày càng tăng. Hai mô hình câu lạc bộ không sinh con thứ 3 trở lên ở Buôn Thái và thôn Thác Đá hoạt động tương đối hiệu quả, góp phần giảm tình trạng sinh con thứ 3 trở lên tại địa phương”.
Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay ở xã Ea Kuếh đã xảy ra 6 trường hợp tảo hôn, một số gia đình kinh tế khá giả muốn sinh thêm con trong khi đã đủ số con quy định…dẫn đến tiềm ẩn tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên, tình trạng hộ nghèo sinh đông con vẫn còn cao (44% trong 9 tháng năm 2016)...
Trong thời gian tới xã Ea Kuếh cần tiếp tục phát huy những kết quả đã làm được, đẩy mạnh công tác truyền thông, vận động, phối hợp thực hiện xã hội hóa phương tiện tránh thai, hàng hóa sức khỏe sinh sản nhằm giảm bớt một phần gánh nặng cho Nhà nước về kinh phí hỗ trợ phương tiện tránh thai miễn phí, góp phần từng bước thực hiện thành công chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân tại địa phương./.
Đình Quân
Trung tâm Dân số-KHHGĐ huyện CưM’gar
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác