07/03/2017 10:00
Trong những năm gần đây, ở huyện Ea Súp, tình trạng sinh con thứ ba trở lên diễn ra khá phổ biến. Nó trở thành thách thức không nhỏ trong công tác Dân số-KHHGĐ ở địa phương.
Sinh đông con nên chị Hạnh hay đau ốm. Vợ chồng anh Võ Hữu Phước và chị Nguyễn Thị Hồng Hạnh ở thôn 5, xã Ia Rvê năm nay cùng 36 tuổi nhưng đã sinh 5 người con gái. Họ đang sống trong căn nhà gỗ lụp xụp, với những bức tường dang dở do chưa có tiền để xây thêm. Chị Hạnh cho biết: quê anh chị ở tỉnh Bến Tre, cuộc sống khó khăn nên năm 2013 “khăn gói” lên Đắk Lắk để xây dựng kinh tế mới những mong được đổi đời. Nhưng cái khổ vẫn theo anh chị do sinh đông con mà ruộng nương thì ít. Hằng ngày anh Phước phải đi làm mộc, làm thợ hồ; còn chị Hạnh ở nhà mở quán cà phê nhỏ để kiếm sống qua ngày. Nhìn thấy cha mẹ làm lụng vất vả mà vẫn thiếu trước, hụt sau nên người con đầu là Võ Thị Thương (16 tuổi) năm nào cũng được giấy khen về học tập nhưng đã xin nghỉ học để nhường cho các em được đến trường. Sinh đông con cuộc sống khó khăn là vậy nhưng vợ chồng anh Phước đang mong muốn sinh được một đứa con trai để “nối dõi tông đường” nên họ vẫn chưa sử dụng biện pháp tránh thai.
Còn vợ chồng anh Trương Công Tuyên và chị Trần Thị Hà ở thôn 14, xã Ia Rvê sau khi sinh được 2 người con gái, họ mong muốn có con trai nên đã sinh lần thứ 3, nhưng vẫn là con gái. Sinh đông con nên cuộc sống vốn đã khó khăn nay càng thêm túng thiếu. Chị Hà cho biết: Do nghèo khó, ăn uống không đảm bảo nên trong thời gian mang thai người con thứ 3 chị thường xuyên đau ốm. Trong khi đó, từ khi sinh ra đến nay đã 19 tháng tuổi nhưng con của chị vẫn bị suy dinh dưỡng.
Dẫu biết rằng sinh đông con sẽ khổ và vất vả hơn nhiều nhưng họ vẫn cứ sinh với mong muốn có con trai để nối dõi, mong cho có người lao động hay “đông con cho vui cửa, vui nhà”…Nhưng vui đâu chưa thấy mà trước mắt chỉ thấy cuộc sống khó khăn, làm bao nhiêu cũng không đủ cho con ăn học, suy dinh dưỡng, tương lai mù mịt…Theo báo cáo của trạm y tế xã Ia Rvê, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng khá cao và có chiều hướng gia tăng, năm 2015 là 21,73% đến 6 tháng đầu năm 2016 là 23,89%.
Cán bộ dân số huyện Ea Súp
Tư vấn cho đối tượng cách chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình.
Chị Khúc Thị Thủy cán bộ chuyên trách Dân số - KHHGĐ xã Ia Rvê cho biết “Hàng năm ban Dân số-KHHGĐ phối hợp cùng với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức tuyên truyền cho các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ tăng cường sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại phù hợp, không sinh con thứ 3 trở lên nhưng hiệu quả chưa cao. Biện pháp sử dụng chủ yếu là thuốc uống tránh thai. Tuy nhiên, chị em đi làm nông thì hay quên uống thuốc nên hiệu quả tránh thai đạt thấp. Hơn nữa số cặp chưa sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại vẫn còn nhiều chiếm khoảng 32%”.
Tình trạng sinh con thứ 3 trở lên không chỉ diễn ra ở xã Ia Rvê mà còn diễn ra phổ biến trên toàn huyện Ea Súp. Theo báo cáo của trung tâm Dân số-KHHGĐ huyện Ea Súp năm 2015 có 957 trẻ sinh, trong đó có 138 trẻ là con thứ 3 trở lên; 6 tháng đầu năm 2016 có 376 trẻ sinh trong đó có 36 trẻ là con thứ 3 trở lên.
Bà Đinh Thị Kim Hoa - Giám đốc trung tâm Dân số-KHHGĐ huyện Ea Súp cho biết: “Tình trạng sinh con thứ 3 trở lên diễn ra phổ biến do nhận thức của người dân về thực hiện chính sách Dân số-KHHGĐ còn nhiều hạn chế. Công tác dân số ở đây vẫn còn gặp nhiều khó khăn do địa bàn rộng, giao thông không thuận tiện, dân di cư tự do đông, có phong tục tập quán lạc hậu, trọng nam khinh nữ”.
Thiết nghĩ, giảm tình trạng sinh con thứ 3 trở lên ở huyện Ea Súp không thể giải quyết được trong “một sớm một chiều” mà phải áp dụng biện pháp “mưa dầm thấm lâu”. Vì vậy, ngoài sự nỗ lực của ngành chức năng, cần hơn nữa sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành trong công tác truyền thông giúp người dân chuyển đổi hành vi, thực hiện tốt kế hoạch hóa gia đình để nâng cao chất lượng dân số và chất lượng cuộc sống./.
Dương Thị Liên
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác