07/03/2017 10:00
Thôn 12 b, xã Vụ Bổn, huyện Krông Pắk hiện có 243 hộ với 1.280 nhân khẩu, 100% dân số là đồng bào dân tộc Mông từ phía Bắc di cư vào. Trong những năm gần đây, tình trạng tảo hôn thường xuyên xảy ra và trở thành vấn đề đáng lo ngại trong công tác Dân số-KHHGĐ.
Tảo hôn và sinh đông con là nguyên nhân của đói nghèo ở thôn 12b
Ảnh: Võ Thảo Theo số liệu tổng hợp của Ban Dân số-KHHGĐ xã Vụ Bổn, từ năm 2014 đến hết tháng 6 năm 2016, toàn xã có 66 trường hợp tảo hôn, trong đó thôn 12b có 30 trường hợp (năm 2014 có 12 trường hợp, năm 2015 có 10 trường hợp…). Tuy vậy, trên thực tế con số đó có thể cao hơn vì quá trình điều tra, thống kê ở thôn vẫn chưa thực hiện sâu sát, số cặp lấy nhau nhưng không đi đăng ký kết hôn vẫn còn.
Một trong những nguyên nhân của tình trạng tảo hôn ở thôn 12b là do trình độ dân trí còn thấp nên việc tiếp thu, nhận thức về Luật Hôn nhân và Gia đình cũng như hậu quả của tảo hôn vẫn còn hạn chế. Chị Giàng Thị Pằng Cộng tác viên dân số thôn 12b cho biết: “Lâu nay người dân ở đây vẫn quan niệm gia đình càng đông con thì càng có nhiều của cải, có thêm người làm nương rẫy. Chính vì vậy, cha mẹ thường muốn con cái lập gia đình sớm và sinh nhiều con, nên đã có không ít trường hợp phải bỏ học giữa chừng để ở nhà lấy vợ, lấy chồng”.
Những suy nghĩ lạc hậu, sai lầm trong quan hệ hôn nhân dẫn đến chuyện những cô bé, cậu bé mới 16-17 tuổi phải làm bố, làm mẹ “bất đắc dĩ” và nhiều đứa trẻ cũng lần lượt ra đời từ đó. Việc mang thai và sinh đẻ ở tuổi vị thành niên khi người chồng chưa đủ kiến thức, sức khỏe để lo về kinh tế, cơ thể người mẹ chưa phát triển hoàn thiện, chưa đủ sức khỏe để nuôi dưỡng bào thai gây ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và sự phát triển của thai nhi dẫn đến trẻ em sinh ra suy dinh dưỡng, bố mẹ không có kiến thức để chăm sóc em bé, khó khăn kinh tế…
Trong thời gian qua, Ban Dân số-KHHGĐ xã Vụ Bổn phối hợp với các ban ngành, đoàn thể lồng ghép tuyên truyền về Luật Hôn nhân và Gia đình; tổ chức các buổi sinh hoạt nói chuyện chuyên đề về phòng chống tảo hôn... Tại thôn 12b, Chuyên trách dân số xã và Cộng tác viên dân số thôn thường xuyên thăm hộ gia đình, tư vấn cho vị thành niên và phụ huynh có con ở tuổi vị thành niên về cách chăm sóc sức khỏe sinh sản, hệ lụy của tảo hôn và kết hôn cận huyết thống…Tuy vậy, từ đầu năm 2016 đến nay, trong thôn vẫn xảy ra 8 trường hợp tảo hôn. “Làm sao để ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng tảo hôn ở thôn 12b?” là câu hỏi mà từ nhiều năm nay chưa có lời giải và làm cho cán bộ Chuyên trách dân số xã Vụ Bổn phải đau đầu./.
Nông Thị Lương
TT DS-KHHGĐ Krông Pắk
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác