Khám thai định kỳ tại Trạm y tế xã Krông Na.
Đến Trạm Y tế xã Krông Na đúng vào dịp Trạm tổ chức tiêm chủng, mới thấy các bà mẹ đưa con đến tiêm rất đông, hầu hết là trẻ dưới 2 tuổi và trẻ sơ sinh. Khi được hỏi về nơi sinh an toàn, phần lớn các bà mẹ đều có cùng câu trả lời là đã sinh con tại Trạm Y tế xã Krông Na.
Chị Lang Thị Thái, buôn Trí B, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk cho biết: “Cách đây gần 2 năm, tôi đã chọn Trạm Y tế xã Krông Na để sinh con bởi Trạm vừa gần nhà, cán bộ đỡ sinh lại có kinh nghiệm nên tôi đã vượt cạn an toàn, hiện con gái tôi đã tròn 18 tháng tuổi, cháu luôn khỏe mạnh bởi từ khi mang thai đến nay, tôi thường xuyên đến Trạm Y tế để thăm khám, tiêm phòng đầy đủ và thực hiện đúng chế độ dinh dưỡng của cán bộ y tế hướng dẫn.”
Còn các bà mẹ đang mang thai lần thứ hai như chị Trần Thị Qúy ở vườn quốc gia Yok Đôn, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, hay chị Chị H’Thơm Niê , buôn EaRông B, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk, mặc dù mới mang thai ở giai đoạn 3 tháng đầu nhưng qua quá trình thăm khám tại Trạm, được cấp viên sắt miễn phí, tiêm phòng uốn ván, khám thai định kỳ, nhất là được cán bộ y tế ở đây tư vấn các kiến thức về làm mẹ an toàn, cả chị Qúy và chị H’Thơm thực sự yên tâm và càng tin tưởng vào trình độ của cán bộ y tế ở đây, các chị đều quyết định sẽ chọn Trạm Y tế xã Krông Na sẽ là nơi sinh an toàn trong thời gian tới .
Khi Trạm Y tế có được sự tin yêu của người dân, nhất là những sản phụ, số ca sinh tại Trạm ngày càng tăng lên. Tính từ đầu năm đến hết tháng 9 năm 2016, toàn xã đã có 50 trường hợp sinh con an toàn, trong đó, sinh tại Trạm là 30 ca, tăng gần gấp đôi số ca sinh tại trạm so với cùng kỳ năm 2015. Các chỉ tiêu về khám thai, khám phụ khoa, sử dụng bao cao su hoặc thuốc tránh thai… hầu hết đều đạt và vượt kế hoạch đề ra.
Nữ hộ sinh Hồ Thị Hồng –Chuyên trách chăm sóc sức khỏe sinh sản, Trạm Y tế xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk cho biết: “Krông Na là xã có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tới 75%, trình độ dân trí thấp, kinh tế còn nghèo, từ năm 2007 trở về trước có tới 90% bà mẹ sinh tại nhà nhưng từ 2008 đến nay hầu hết các sản phụ đều sinh con tại Trạm hoặc cơ sở y tế.”
Đặc biệt, từ đầu tháng 4 năm 2016 đến nay, mô hình Dự án “tình chị em” được triển khai nhân rộng trên địa bàn 8 thôn, buôn thuộc xã Krông Na với các hoạt động tập huấn cho đội ngũ cộng tác viên y tế về các kỹ năng tuyên truyền về làm mẹ an toàn, tổ chức tư vấn trực tiếp về chăm sóc sức khỏe sinh sản đến từng thôn, buôn đồng thời cung cấp các dịch vụ tại Trạm, như: kế hoạch hóa gia đình, khám phụ khoa, cấp viên sắt… miễn phí cho phụ nữ, nhờ đó, ngày càng thu hút đông đảo chị em trong độ tuổi sinh sản đến Trạm Y tế.
Có thể nói, mặc dù cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế còn thiếu, nhất là những máy móc hiện đại và việc nâng cao trình độ cho cán bộ còn hạn chế, nhưng với sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ Trạm, nhất là cán bộ chuyên trách về sinh sản cùng với sự đầu tư của một số Dự án, như : “tình chị em”, “ Nhân rộng mô hình chăm sóc bà mẹ và trẻ sơ sinh liên tục từ gia đình đến Bệnh viện”… đã từng bước góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe sinh sản, thu hút nhiều bà mẹ sinh con an toàn tại trạm, đồng thời giảm trường hợp chuyển tuyến trên, mang lại nhiều thuận tiện cho các sản phụ và gia đình của họ, nhất là giảm bớt thời gian, chi phí và khó khăn trong quá trình đi lại.
Dương Liên (t/h)