07/03/2017 10:00
Mặc dù cuộc sống còn khó khăn nhưng nhiều trẻ em gái vị thành niên ở tỉnh Đắk Lắk, nhất là trẻ em đồng bào dân tộc thiểu số luôn nỗ lực vươn lên, xây dựng những ước mơ, hoài bão của riêng mình để hướng đến tương lai tốt đẹp.
Em H’Ly Auông là học sinh có thành tích nổi bật của trường trung học cơ sở Nguyễn Viết Xuân, xã Bông Krang với thành tích 8 năm liền là học sinh khá và giỏi. Được biết H’Ly là người con đầu trong gia đình có 3 chị em, cuộc sống còn nhiều khó khăn vất vả. Đặc biệt là con gái nhiều khi em phải quán xuyến mọi việc nhà để bố mẹ đi lên rẫy, lên nương. Nhưng càng khó khăn em càng nỗ lực phấn đấu vì “em có ước mơ trở thành bác sỹ để chữa bệnh cho dân nghèo” – H’Ly chia sẻ.
H'Ly Auông luôn chăm chỉ học tập. Còn em H’Biêr Lứk cũng là học sinh trường Trung học cơ sở Nguyễn Viết Xuân, xã Bông Krang. Được biết, từ nhỏ đến nay em lớn lên trong cảnh thiếu thốn vì bố mẹ của em sinh đến 6 người con. Bằng sự dạy bảo của thầy cô và nỗ lực của bản thân, em vượt qua những khó khăn trong cuộc sống và vươn lên trở thành học sinh khá của trường. Không những vậy, H’Biêr luôn biết lễ phép với thầy cô và yêu thương bạn bè. Em cũng biết chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn với mọi người và xây dựng cho mình một ước mơ “trở thành cô giáo” để dạy chữ cho trẻ em đồng bào dân tộc thiểu số.
Thực tế cho thấy, H’Ly và H’Biêr là hai trong số nhiều trẻ em gái vị thành niên ở Đắk Lắk tự tin xây dựng cho mình những ước mơ, hoài bão và từng ngày thực hiện nó để tiến bước vào tương lai. Với nỗ lực, quyết tâm của các em cùng sự giúp đỡ của nhà trường và toàn xã hội sẽ là nền tảng để các em thành công trong cuộc sống sau này.
Nhiều trẻ em gái vị thành niên ở Đắk Lắk phải chịu gánh nặng công việc của gia đình.
Nhưng bên cạnh đó, ở Đắk Lắk vẫn còn không ít trẻ em gái vị thành niên chịu nhiều thiếu thốn, thiệt thòi: các em đang trong độ tuổi có những thay đổi căn bản về tâm lý, sinh lý và thể chất…lại chưa được trang bị đầy đủ những kiến thức về chăm sóc sức khỏe nhất là sức khỏe sinh sản; các em phải phải chịu tác động bởi kinh tế gia đình khó khăn, phong tục, tập quán coi trọng con trai hơn con gái. Đặc biệt là hủ tục tảo hôn có từ lâu đời và đang tồn tại ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số…đã làm hạn chế đi nhiều cơ hội của trẻ em gái. Theo số liệu tổng hợp của Chi cục Dân số-KHHGĐ tỉnh Đắk Lắk, số trẻ em gái tảo hôn năm 2015 là 794 em, còn 6 tháng đầu năm 2016 là 439 em…Theo nghiên cứu của quỹ nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF): Nguy cơ tử vong khi mang thai ở những phụ nữ không được đi học cao gấp 2,7 lần so với phụ nữ được hưởng hơn 12 năm đi học; khi trẻ em gái và phụ nữ có thu nhập họ có khả năng tái đầu tư 90% gia đình của họ…
Thiết nghĩ, cần đẩy mạnh các giải pháp nâng cao nhận thức, kêu gọi toàn xã hội hưởng ứng và tích cực đầu tư cho trẻ em gái vị thành niên nhằm tạo cơ hội cho các em được chăm sóc, giáo dục, tiếp cận với các cơ hội bình đẳng như trẻ em trai. Để từ đó, trẻ em gái được phát triển và đóng góp hữu ích cho gia đình, cộng đồng và xã hội, hướng đến một xã hội bình đẳng, tiến bộ và phát triển bền vững trong tương lai./.
Võ Thảo
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác