07/03/2017 10:00
Dù ngành dân số và chính quyền các địa phương trên địa bàn huyện CưM’gar đã nỗ lực thực hiện công tác tuyên truyền, vận động, nhằm giảm thiểu, ngăn chặn tình trạng tảo hôn nhưng đến nay thực trạng này vẫn được xem là chuyện rất bình thường trong người đồng bào dân tộc thiểu số, đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến công tác nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Nói chuyện về chăm sóc sức khỏe sinh sản ở xã Ea MDroh.
Ảnh: Đình Quân. Xã EaM’droh là điểm “Nóng” về tảo hôn của huyện CưM’gar. Hình ảnh cô dâu chú rể đang ở độ tuổi vị thành niên không còn xa lạ đối với người dân. Riêng, trong năm 2016 ở địa phương này đã ghi nhận được 15 trường hợp tảo hôn, phổ biến ở các thôn Đồng Giao, Đồng Tâm, Đoàn Kêt, Hợp Thành, buôn EaM’dróh và buôn Cuôr... Nguyên nhân của tình trạng này là do phong tục, trình độ dân trí của người dân chưa cao nên hiểu biết về hậu quả của việc tảo hôn còn hạn chế, nhiều nơi xảy ra như một “phong trào”…
Trao đổi với chúng tôi, chị Đinh Thu Hồng – Cán bộ chuyên trách Dân số - KHHGĐ xã Ea M’dróh, huyện CưM’gar cho biết: “Tảo hôn của năm 2016 trên địa bàn xã tăng hơn so với năm 2015. Ban dân số, cộng tác viên đã tăng cường thực hiện công tác tuyên truyền, vận động về chính sách Dân số - KHHGĐ nhưng rất khó, bởi nhận thức của người dân còn hạn chế, họ không nắm được hậu quả của việc tảo hôn… Tảo hôn ở đây giống như phong trào, học theo bạn bè các em cũng lấy chồng, lây vợ; còn phụ huynh cũng cho rằng lứa tuổi đó bạn bè nó đã lấy chồng, lấy vợ hết rồi nên cũng đồng ý. Tình trạng này, có thể sẽ ngày càng gia tăng…”.
Trường hợp của gia đình anh P.S.P ở thôn Thạch Sơn là một ví dụ. Nhìn anh P chắc không ai nghĩ anh đã có đến 4 người con và đã lên chức ông ngoại được một năm, bởi chông anh còn khá trẻ. Năm nay, chỉ mới 35 tuổi. Nói về chuyện cho con gái mình lấy chồng sớm, anh P.S.P cho biết: “Các con đều đã lớn, con đầu năm nay 17 tuổi, con út cũng 12 tuổi. đưa đầu lấy chồng năm 2015 và đứa thứ 2 là P.M.Nh (SN 2001) vừa về nhà chồng được mấy tháng. Chúng yêu rồi đến với nhau, mình cũng không biết nói sao nữa, ngày trước mình cũng lấy vợ rất sớm mà, vợ hơn mình đến 5 tuổi…”.
Cán bộ dân số xã Ea Drơng, huyện Cư M'gar tư vấn về hậu quả của tảo hôn.
Ảnh: Võ Thảo.
Huyện Cư M’gar có hơn 180 nghìn dân sinh sống tại 17 xã, thị trấn, với 25 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ gần 50% dân số. Theo số liệu thống kê của Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện, tính riêng trong năm 2016 huyện đã ghi nhận được 72 trường hợp tảo hôn, (bình quân mỗi tháng có 06 trường hợp tảo hôn). Khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào dân tộc thiếu số sinh sống là những nơi có tỷ lệ tảo hôn cao, có địa phương tỷ lệ tảo hôn chiếm hơn 20,8% tổng số ca ghi nhận được toàn huyện...
Tảo hôn trong người đồng bào dân tộc thiếu số không phải là chuyện mới xảy ra trong năm nay mà đã xuất hiện từ nhiều năm trước đây, tình trạng này đã để lại hậu quả rất lớn đối với cá nhân, gia đình và gánh nặng cho xã hội. Nhiều cô gái phải làm vợ và làm mẹ ở tuổi quá sớm, kiến thức cũng như kinh nghiệm cuộc sống chưa nhiều đã dẫn đến những hệ lụy đáng buồn, đặc biệt có gia đình do mâu thuẫn quá lớn dẫn đến người bị thiệt mạng, người phải vào tù…
Trong những năm qua, huyện CưM’gar đã có nhiều biện pháp nhằm giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, trong đó công tác tuyên truyền, vận động được đẩy mạnh thực hiện. Đối tượng được tập trung tuyên truyền là người đồng bào dân tộc thiếu số, khu vực có mức sinh cao, với nhiều hình thức phong phú, đa dạng như: Xe lưu động phát băng tuyên truyền về chính sách dân số - KHHGĐ; nói chuyện chuyên đề về dân số - KHHGĐ; tuyên truyền thông qua các buổi họp nhóm, lồng ghép sinh hoạt trong câu lạc bộ, tổ, hội…, phát tờ rơi; đồng thời chỉ đạo các cán bộ dân số, cộng tác viên dân số “Đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà và rà từng đối tượng” để tuyên truyền, vận động người dân thực hiện chính sách Dân só - KHHGĐ… Tuy nhiên, những hoạt động này không đem lại hiệu quả chưa cao…
Để hạn chế tình trạng tảo hôn, biện pháp hữu hiệu nhất hiện nay vẫn là tích cực tuyên truyền để bà con, nhất là người đồng bào dân tộc thiếu số hiểu được về hậu quả của tảo hôn. Đồng thời, các địa phương cũng phải có các chế tài răn đe các trường hợp vi phạm, góp phần đẩy lùi tình trạng tảo hôn, nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn./.
Lê Đình Quân
TT DS-KHHGĐ Cư M’gar
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác