07/03/2017 08:18
Buôn Mấp, thị trấn Ea Pốk, huyện Cư’Mgar hiện có 389 hộ với 2.215 nhân khẩu. Trong đó, 90% là người đồng bào dân tộc tại chỗ và có đến 70% đồng bào dân tộc trong buôn theo đạo tin lành, trình độ dân trí không đồng đều, đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn.
Trước đây, để người dân thực hiện tốt kế hoạch hóa gia đình thì công tác tuyên truyền, vận động của Cộng tác viên và Cán bộ chuyên trách dân số gặp rất nhiều trở ngại, từ bất đồng ngôn ngữ đến ảnh hưởng bởi phong tục tập quán. Điều đặc biệt của người theo đạo là họ rất tin, tôn thờ và sùng bái đạo, họ nghe lời các trưởng nhóm truyền đạo khuyên răn, dạy bảo có khi còn hơn cha mẹ đẻ của mình.
Từ thực tế đó, Ban Dân số-KHHGĐ thị trấn Ea Pốk, Cộng tác viên dân số buôn Mấp đã phối hợp các trưởng nhóm tôn giáo tin lành nhằm tuyên truyền cho người dân chính sách dân số, pháp lệnh dân số; tuyên truyền chăm sóc sức khỏe sinh sản đúng phương pháp, thực hiện sinh đẻ có trách nhiệm. Công tác tuyên truyền được lồng ghép trong các buổi giảng đạo đều đặn mỗi tháng 2 lần tại buôn. Ngoài ra, Ban dân số thị trấn còn phối hợp với trưởng và phó nhóm tin lành đi tư vấn tại hộ gia đình và họp nhóm truyền thông về chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình.
Phó trưởng nhóm tin lành Buôn Mấp, TT.Ea Pôk - ông Y Róa Kbuôr
tuyên truyền về DS-KHHGĐ cho đồng bào theo đạo
Bên cạnh đó, trong các buổi tập huấn, nói chuyện chuyên đề về công tác dân số, Ban dân số thị trấn Ea Pốk còn mời trưởng và phó nhóm tin lành tham gia lớp nhằm nâng cao kiến thức cho họ, để khi về buôn làng, họ truyền đạt lại cho người dân có hiệu quả nhất. Ông Y Róa Kbuôr - phó trưởng nhóm tôn giáo tin lành Buôn Mấp cho biết: trong những năm gần đây người dân đã có ý thức tốt hơn trong việc tự nguyện sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại, đặc biệt các cặp vợ chồng trẻ đã tự giác thực hiện sinh đẻ có kế hoạch, có trách nhiệm.
Gia đình anh Y’Ngưu Êban và chị H’Hương Adâng ở buôn Mấp, thị trấn Ea Pốk là một gia đình theo đạo tin lành. Sớm nhận thấy được cảnh nghèo đói của nhiều gia đình khác có nguyên nhân từ việc sinh đông con, nên anh chị đã quyết định chỉ sinh 2 đứa con. Cháu lớn năm nay học lớp 10, còn cháu thứ 2 đang học lớp 6. Thu nhập chính của gia đình anh Y’Ngưu chỉ là 6 sào cà phê và 1,5 sào lúa, nhưng nhờ sinh ít con và chăm chỉ lao động nên đời sống kinh tế luôn ổn định, hạnh phúc gia đình được đảm bảo, con cái của anh yên tâm học tập và học rất khá.
Còn gia đình anh Y’Tin Êban và chị H’Trinh Niê cũng là một gia đình theo đạo. Trước những khó khăn về kinh tế khi chỉ có 1 sào cà phê và 1,5 sào lúa, nên anh chị mới sinh 1 đứa con. Chị H’Trinh cho biết: mối quan tâm hàng đầu của vợ chồng anh chị lúc này là chăm chỉ làm ăn để nuôi cho con ăn học, sau khi kinh tế khá lên mới sinh cháu thứ 2 và không sinh thêm nữa.
Thực tế ở nhiều địa phương có đông đồng bào theo đạo thì hầu hết các cặp vợ chồng tự kế hoạch với nhau, việc sự dụng các biện pháp tránh thai hiện đại là điều tối kỵ , bởi họ sợ có tội. Nhưng ở buôn Mấp, thị trấn Ea Pốk cho thấy, từ sự phối hợp tốt giữa Ban dân số với trưởng nhóm truyền đạo, suy nghĩ về sử dụng biện pháp tránh thai và sinh con đã có chuyển biến tích cực. Sau 2 năm phối hợp(từ 2010 đến nay), tỷ lệ phụ nữ từ 15 tuổi đến 49 tuổi có chồng sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại đã tăng từ là 25% lên 41%. Đây là cách làm hay cần được triển khai và thực hiện thường xuyên ở nhiều nơi, đặc biệt là những vùng có đông đồng bào theo đạo ở huyện Cư’Mgar nói riêng và tỉnh Đắk Lắk nói chung, để đi đến thực hiện thành công công tác Dân số-KHHGĐ./.
Lệ Quyên
TT DS-KHHGĐ Cư'Mgar
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác