08/08/2014 12:00
Từ ngày 15/8, Bộ Y tế Việt Nam sẽ áp dụng tờ khai y tế đối với khách hàng nhập cảnh đi trên các chuyến bay xuất phát từ vùng đang có dịch Ebola tại tất cả các cửa khẩu quốc tế, gồm: Guinea, Liberia, Sierra Leone và Nigeria trong vòng 21 ngày.
Từ ngày 15/8, Bộ Y tế Việt Nam sẽ áp dụng tờ khai y tế đối với khách hàng nhập cảnh đi trên các chuyến bay xuất phát từ vùng đang có dịch Ebola tại tất cả các cửa khẩu quốc tế, gồm: Guinea, Liberia, Sierra Leone và Nigeria trong vòng 21 ngày.
Nhân viên Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế giám sát thân nhiệt hành khách tại sân bay Tân Sơn Nhất - Ảnh: Phùng Huy
Khống chế không cho lây lan ngay từ ca bệnh đầu tiên
Khi làm thủ tục nhập cảnh, nếu phát hiện có khách đến từ vùng dịch, cán bộ làm thủ tục nhập cảnh hướng dẫn hành khách đến bộ phận kiểm dịch để làm tờ khai. Nhân viên y tế có trách nhiệm hướng dẫn khai tờ khai y tế và đóng dấu xác nhận theo quy định. Nhân viên y tế khi phát hiện hành khách có triệu chứng sốt, ho kéo dài, đau đầu, đau cơ vùng ngực, viêm họng, nôn hoặc buồn nôn, tiêu chảy… sẽ lập tức yêu cầu khách vào khu cách ly để khám sàng lọc và thông báo kịp thời.
PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, trong trường hợp người về từ vùng dịch, ngoài việc làm thủ tục tờ khai trên, nếu có biểu hiện bệnh, sẽ được theo dõi, cách ly và xử lý. Cơ quan y tế sẽ căn cứ vào tờ khai y tế để giám sát người về từ vùng dịch. Người về từ vùng dịch trong 21 ngày nếu có biểu hiện bất thường nào cần phải thông báo ngay để cơ quan chức năng có hướng xử lý. Nếu ghi nhận trường hợp nghi nhiễm vi rút Ebola tại Việt Nam, bệnh nhân sẽ được cách ly ngay, ngành y tế sẽ triển khai các biện pháp phòng chống dịch như với các dịch bệnh nguy hiểm nhóm A đã được ngành y tế quy định.
“Điều quan trọng là khống chế không cho lây lan ngay từ ca bệnh đầu tiên, nếu có. Nếu như trước đây WHO đánh giá nguy cơ lây theo đường du lịch là thấp thì thời điểm này chuyển sang cảnh báo: chưa loại trừ lây sang đường hàng không”, PGS-TS Phu lo lắng.
Theo ông Nguyễn Tiến Hòa, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế Hà Nội, trung tâm vẫn đang trong quá trình phòng chống hội chứng viêm đường hô hấp cấp tính tại vùng Trung Đông (MERS- CoV). Thời điểm này, trung tâm sẵn sàng đối phó với bệnh Ebola. Tuy hiện chưa có đường bay thẳng từ châu Phi về nhưng những khách trở về từ vùng dịch đều được giám sát chặt chẽ.
Ngày 7/8, theo ghi nhận của chúng tôi tại khu vực Nhà ga quốc tế sân bay Tân Sơn Nhất (TSN), việc kiểm soát dịch bệnh Ebola đang được thực hiện khẩn trương, chặt chẽ. Tại khu vực khai báo nhập cảnh có hai cổng vào đều được đặt máy quét thân nhiệt. Trong đó, một cổng vào có lượng khách đông hơn được trang bị đến hai máy. Mỗi khi hành khách đi qua khu vực này sẽ có camera quay lại, sau đó truyền tải đến máy quét. Khoảng 16g20, chuyến bay số hiệu AK 522 từ Malaysia vừa đáp xuống sân bay TSN, lập tức một cán bộ y tế thuộc Trung tâm Kiểm dịch quốc tế triển khai giám sát chặt màn hình máy quét.
Trên máy quét, nhiệt độ luôn liên tục lên xuống ở ngưỡng 36–37oC. Sau khoảng 15 phút, toàn bộ hành khách đã di chuyển hết vào khu vực khai báo nhập cảnh, không có trường hợp nào thân nhiệt vượt ngưỡng 37oC. Cán bộ y tế thở phào. Khoảng 15 phút sau, một chuyến bay khác từ Australia đáp xuống sân bay, công tác giám sát tiếp tục triển khai. Theo một cán bộ Trung tâm Kiểm dịch quốc tế, trung bình mỗi ngày có khoảng hơn 80 chuyến bay đáp xuống sân bay. Việc giám sát thân nhiệt hành khách được thực hiện trên tất cả các chuyến bay, không phân biệt chuyến bay đến từ quốc gia nào. Riêng các hành khách đến từ vùng dịch sẽ được giám sát chặt chẽ hơn.
Ông Nguyễn Hồng Tâm - Phó giám đốc Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế (Sở Y tế TP.HCM) cho biết, Trung tâm phối hợp với các cơ quan chức năng tại cửa khẩu sân bay TSN để giám sát sức khỏe người nhập cảnh, nhất là những người từ quốc gia có vùng bệnh. Trung tâm đã chuẩn bị đầy đủ phòng cách ly, trang thiết bị, thuốc, hóa chất dự phòng. Đến thời điểm này, chưa có phát hiện ca bệnh nghi ngờ nào từ cửa khẩu TSN.
Đề phòng nhưng không hoang mang
Trước tình hình dịch sốt xuất huyết do vi rút Ebola đang hoành hành tại 11 quốc gia châu Phi có nguy cơ lan nhanh, bác sĩ (BS) Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết: Ebola là bệnh rất nguy hiểm vì dễ lây từ người sang người thông qua máu, dịch tiết và số bệnh nhân tử vong rất cao sau khi mắc. Do hiện nay Việt Nam chưa có ca bệnh nên TP.HCM tập trung mạnh vào phương án giám sát để phát hiện sớm người mắc bệnh ở các bến cảng, sân bay bằng bốn máy đo thân nhiệt hiện đại. Việc giám sát bệnh nhân ở sân bay được Sở Y tế giao cho Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế, với nhiệm vụ sàng lọc người bệnh có bị đau đầu, ho, sốt, đau khớp, mệt mỏi… và từng đến các nước từ vùng dịch ở châu Phi sẽ được cách ly và điều xe cấp cứu riêng để chuyển về một trong ba bệnh viện (BV): Nhiệt Đới, Nhi Đồng 1, Nhi Đồng 2 để điều trị.
Sở cũng đang chờ phác đồ điều trị bệnh Ebola từ Bộ Y tế và giao cho ba BV Nhiệt Đới, Nhi Đồng 1, Nhi Đồng 2 cập nhật thêm tình hình dịch bệnh theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới để tập huấn cho tất cả các BV trên địa bàn, kể cả các phòng khám quốc tế vốn có nhiều người nước ngoài đến khám bệnh. Việc cập nhật giúp các BV tuyến dưới phát hiện sớm người mắc bệnh Ebola để có cách sơ cứu, chuyển lên tuyến trên chứ không giữ lại điều trị vì sẽ không an toàn cho phương án chống dịch. Hiện các BV cũng đã có phòng cách ly dịch bệnh nguy hiểm từ những đợt dịch trước như dịch cúm A/H1N1, H5N1…
BS Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP đã chỉ đạo các đơn vị dự phòng tuyến quận/huyện rà soát lại các đội chống dịch cơ động và các trang thiết bị, hóa chất để đối phó với những tình huống bệnh lây trực tiếp. Đồng thời, lực lượng cơ động ở các quận/huyện cũng xây dựng lại hệ thống giám sát những khu vực có đông người nước ngoài đến từ vùng dịch như: nhà hàng, khách sạn, khu du lịch, các trường quốc tế…
Các BS nhấn mạnh, hiện nay chưa có thuốc đặc trị bệnh Ebola, tuy vậy không phải trường hợp nào mắc bệnh cũng tử vong; người dân không nên hoang mang nhưng cũng không chủ quan. Lo lắng nhất hiện nay là một số người nhận thức kém, tin vào lời đồn về dịch bệnh Ebola sẽ hủy diệt nhân loại, cho rằng mắc Ebola sẽ không cứu chữa được nên hoang mang và có nguy cơ không hợp tác với ngành y tế chống dịch.
Nhóm PV Thời sự - Xã Hội
Phát hiện bị nhiễm Ebola bằng cách nào?
Các dấu hiệu nghi ngờ bệnh Ebola: sốt cao đột ngột và kéo dài, mệt mỏi, đau đầu, đau cơ vùng bụng và ngực, đau họng, nôn, buồn nôn, tiêu chảy cấp, phát ban, trong một số trường hợp có biểu hiện chảy máu cam, nôn hoặc đi ngoài ra máu hoặc không đến từ nguyên nhân nào.
Biện pháp phòng bệnh: tránh tiếp xúc với người bị bệnh Ebola, máu, dịch tiết của người bệnh, động vật nhiễm bệnh, vật dụng có khả năng nhiễm vi rút. Khi cần tiếp xúc phải sử dụng trang bị phòng hộ cá nhân. Giữ gìn vệ sinh cá nhân, thường xuyên lau chùi nền nhà, vật dụng, cầu thang… bằng Cloramin B hoặc hóa chất sát khuẩn thông thường.
|
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác