28/08/2014 12:00
Một bé gái 13 tuổi (ngụ H.Tri Tôn, tỉnh An Giang) vừa tử vong sau bảy ngày bị rắn cắn. Cái chết của bé gái này khiến các bác sĩ khối Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM vô cùng đau xót và tiếc nuối. Vì sao đã có thuốc trị được nọc rắn độc mà vẫn có người tử vong?
Một bé gái 13 tuổi (ngụ H.Tri Tôn, tỉnh An Giang) vừa tử vong sau bảy ngày bị rắn cắn. Cái chết của bé gái này khiến các bác sĩ khối Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM vô cùng đau xót và tiếc nuối. Vì sao đã có thuốc trị được nọc rắn độc mà vẫn có người tử vong?
Một bệnh nhi bị rắn độc cắn đang được điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP.HCM
Chậm là chết!
Bé Huỳnh Thị Trúc M. tử vong sau một ngày được đưa đến Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1 trong tình trạng ngưng tim, ngưng thở, hôn mê sâu, suy đa cơ quan... Trước đó, khi bé M. đang chơi trong vườn thì bị một con rắn có màu vàng xen kẽ màu đen cắn vào gót chân trái. Sau khi bị rắn cắn, người nhà không đưa bé đến BV cấp cứu mà nhờ người hàng xóm nhai lá cây đắp lên vết thương.
Đến ngày thứ sáu sau khi bị rắn cắn, vết thương bầm tím lan đến tận đầu gối, nạn nhân bắt đầu khó thở. Lúc này, người nhà mới đưa M. vào BV đa khoa tỉnh An Giang cấp cứu trong tình trạng ngưng tim, ngưng thở. Sau khi cấp cứu giúp tim bệnh nhân đập trở lại và hỗ trợ thở máy; các bác sĩ (BS) phát hiện bệnh nhi đã rơi vào tình trạng suy đa cơ quan, trụy tim mạch do độc chất ngấm quá lâu vào cơ thể, đồng thời vết thương rắn cắn bị nhiễm trùng do đắp lá cây. Với các triệu chứng của bệnh như phần da hoại tử lan rộng, máu chảy không cầm cùng với mô tả bên ngoài của rắn, các BS xác định cháu M. bị rắn chàm quạp cắn.
Cách đây vài ngày, chị Ph.T.D. (39 tuổi, ngụ H.Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa) cũng bị tử vong do rắn cắn sau khi điều trị thuốc Nam ở một thầy lang cùng huyện. Trước đó, chị D. lên giường đi ngủ thì bị một con rắn độc nằm sẵn trong chăn cắn. Mấy ngày gần đây, BV đa khoa trung ương Cần Thơ cũng liên tục tiếp nhận nhiều người bị rắn độc cắn trong tình trạng rối loạn đông máu, giảm tiểu cầu, xuất huyết… Nguyên nhân do mùa mưa, triều cường nên nước ngoài đồng dâng cao khiến rắn độc bò vào khu dân cư, vườn tược.
Theo các BS BV Nhi Đồng 1, mỗi năm, BV này tiếp nhận khoảng 15 trẻ bị rắn độc cắn, còn tại BV Nhi Đồng 2, khoảng gần 20 trẻ. BS Bạch Văn Cam, cố vấn Khối Hồi sức cấp cứu, BV Nhi Đồng 1, cho biết, nọc rắn độc gồm hơn 20 thành phần khác nhau, chủ yếu là protein chứa các men và độc tố polypeptide. Độc tố có thể ảnh hưởng đến thần kinh gây liệt cơ, suy hô hấp; hoặc có thể gây rối loạn đông máu, trụy tim mạch...
Tùy loại rắn mà thành phần trong nọc rắn sẽ khác nhau. Rắn độc thường chia thành hai nhóm, nhóm chuyên gây rối loạn đông máu như: rắn chàm quạp, rắn lục đuôi đỏ. Nhóm gây liệt, suy hô hấp có rắn hổ đất, hổ chúa, hổ mèo, cạp nong, cạp nia, rắn biển. Tùy theo loại rắn độc và lượng chất độc vào cơ thể, vị trí cắn mà mức độ nguy hiểm đến tính mạng khác nhau. Nếu rắn độc cắn ở tay, chân thường nhẹ hơn cắn ở mặt. Mặt khác, khi bị rắn độc cắn, trẻ sẽ trở nặng hơn người lớn.
Theo BS Bạch Văn Cam: “Trường hợp tử vong của cháu M. rất đáng tiếc bởi nhập viện quá trễ, để độc chất phát tán rất lâu; trong khi chỉ cần tiêm huyết thanh kháng nọc rắn chàm quạp thì sau một ngày đã hết bệnh. Đã 20 năm nay, kể từ khi y học sản xuất thành công các loại thuốc điều trị được rắn độc như: huyết thanh kháng nọc rắn lục tre đuôi đỏ và rắn hổ đất (Viện Pasteur Nha Trang sản xuất), huyết thanh kháng nọc rắn chàm quạp (nhập từ Thái Lan) thì chưa thấy ca nào tử vong. Thậm chí, ngay cả một số loại rắn độc khác dù chưa có huyết thanh điều trị nhưng các BV vẫn có máy móc hiện đại để giúp thở, lọc máu… cũng có thể giúp bệnh nhân thoát cơn nguy kịch. Thế nhưng, hiện nay, nhiều người dân cứ tin vào việc đắp lá cây chữa rắn độc cắn; trong khi chưa có bài báo khoa học nào chứng minh được vấn đề này”.
BS Cam lý giải, sở dĩ người bệnh tin việc dùng lá cây đắp vết thương để chữa rắn cắn có thể do có người từng thành công khi đắp lá cây trị rắn lành cắn chứ không phải rắn độc. Cũng có thể là rắn độc cắn nhưng hàm lượng độc tố thấp, chưa đủ gây tử vong.
Điều trị rắn độc bằng đu đủ, rau muống
Mặc dù nhiều người đã tử vong do dùng lá cây chữa vết thương rắn cắn, nhưng hiện nay, thông tin về lá cây chữa rắn cắn vẫn lưu truyền tràn lan trên mạng xã hội. Dạo quanh các trang quehuong.org.vn, thuvienhaiphu.com, trithucvaphattrien.com, bshovanhoai.com… sẽ thấy có nhiều bài thuốc chữa rắn độc cắn bằng: lá ớt, rau muống, hạt chanh, xương hươu nai, hạt thì là, lá khế…
Trước sự lan truyền đến chóng mặt các thông tin dùng lá cây chữa rắn độc cắn, BS Trần Văn Năm, Phó viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP.HCM cảnh báo: Trong y văn của y học cổ truyền có nói về một số cây thuốc có tác dụng trị rắn cắn như: cây kim vàng, rau ngổ, lá cây phèn đen, rau răm, cây lưỡi rắn, một số cây thuốc trong rừng (chưa xác định tên khoa học) của một số dân tộc miền núi hay bài thuốc rượu hội, thuốc hội có trong sách cổ nhưng không thấy đề cập đến lá ớt, rau muống, đu đủ non…
Tuy nhiên, các vị dược liệu hay bài thuốc cổ nói trên chỉ được giới thiệu trên sách và một số kinh nghiệm truyền miệng của những người làm việc trong rừng sâu, chứ chưa được cơ quan chức năng kiểm chứng hiệu quả. Khi bị rắn cắn, tốt nhất là sơ cứu và chuyển nạn nhân đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời, vì đây là tai nạn cần cấp cứu khẩn cấp.
Theo BS Bạch Văn Cam, khi bị rắn cắn, cần trấn an nạn nhân và để nạn nhân nằm bất động, đặt vị trí bị cắn thấp hơn tim để làm chậm hấp thu độc tố. Nạn nhân cần được rửa sạch vết thương, băng chặt vị trí bị cắn bằng vải và nẹp cố định rồi chuyển nhanh đến BV. Nếu là rắn lành cắn cũng phải theo dõi tại BV suốt 24 giờ. Rắn lành cắn thường chỉ đau, không phù, không có dấu hiệu hoại tử hay xuất huyết. Không nên rạch vết thương lấy nọc độc vì không hiệu quả, lại khiến độc tố nhanh hấp thu vào cơ thể. Chưa kể, nếu do rắn lục đuôi đỏ hay rắn chàm quạp cắn mà rạch vết thương thì chảy máu càng nhiều, vì nọc độc của hai loại rắn này gây rối loạn đông máu
http://phunuonline.com.vn/
Văn Thanh
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác