23/09/2014 12:00
Khi hay tin Bệnh viện phụ sản Từ Dũ có vắc-xin dịch vụ “6 trong 1” (phòng bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, bại liệt, viêm màng não do vi khuẩn HIB), liên tiếp trong các ngày 18-21/9, hàng ngàn phụ huynh đã phải chen chân đưa con đi tiêm ngừa... Thế nhưng, không ít người chưng hửng bế con về vì không chen vào nổi để đăng ký.
Khi hay tin Bệnh viện phụ sản Từ Dũ có vắc-xin dịch vụ “6 trong 1” (phòng bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, bại liệt, viêm màng não do vi khuẩn HIB), liên tiếp trong các ngày 18-21/9, hàng ngàn phụ huynh đã phải chen chân đưa con đi tiêm ngừa... Thế nhưng, không ít người chưng hửng bế con về vì không chen vào nổi để đăng ký.
Ba ngày đưa con đến bệnh viện vẫn không thể đăng ký
Theo ghi nhận của chúng tôi, những ngày qua, Khoa Khám trẻ em lành mạnh, BV phụ sản Từ Dũ luôn đông nghịt phụ huynh đưa trẻ đến chích ngừa. Do số lượng vắc-xin có hạn nên nhiều phụ huynh đến trễ đã không lấy được số thứ tự. Chỉ riêng trong buổi sáng 21/9, đã có tới hàng trăm lượt phụ huynh và trẻ nhỏ phải ra về trong ấm ức. Chị Lê Thanh Mai ở Q.Thủ Đức, TP.HCM cho biết: “Nghe người ta báo tin BV Từ Dũ vừa có vắc-xin 6 trong 1, tôi vội vàng đón taxi lên BV. Mắt nhắm mắt mở, lên tới nơi mới 7g sáng. Khi tới bàn đăng ký, người hướng dẫn của BV thông báo hết số”.
Cách đó không xa, vợ chồng anh Tuấn (ngụ Q.Gò Vấp, TP.HCM) mỗi người bế một con nhỏ, tay xách nách mang. Ngày thứ ba liên tiếp họ đưa con đi chích ngừa mà vẫn chưa xong. Anh Tuấn cho biết, con gái anh đã “trễ” lịch tiêm nhắc lại mũi thứ ba hơn hai tháng. Theo lịch tiêm thì con gái anh sẽ tiêm ba mũi vắc-xin “6 trong 1” khi bé hai tháng, bốn tháng và năm tháng tuổi. Thế mà sau khi tiêm mũi thứ hai xong thì vắc-xin… “đứt hàng”.
“Vì cháu đã chích được hai mũi nên tôi muốn con được chích đủ ba mũi cùng loại cho an tâm (thay vì chích vắc-xin liều đơn hay vắc-xin loại khác thay thế). Nhiều tháng nay, vợ chồng tôi hễ nghe chỗ nào có vắc-xin dịch vụ là chạy tới hỏi mà cuối cùng họ đều bảo chưa có. Đợi mãi, lần này nhờ có người nhà mách nước là vắc-xin đã nhập về BV Từ Dũ nên vội vã đem con tới. Vậy mà…”, anh Tuấn buồn bã nói.
Theo anh Tuấn, ngày đầu tiên (18/9) anh hay tin muộn, đi đường kẹt xe, tới nơi thì thông báo hết giờ. Ngày thứ hai (19/9), hai vợ chồng bế con tới nơi khoảng 8g sáng nhưng chứng kiến cảnh cả ngàn người chen lấn xô đẩy, hai vợ chồng... đứng xem một lát rồi đón xe quay về. Lần thứ ba (ngày 20/9), anh chủ động gọi điện vào tổng đài BV hỏi giờ giấc để đến bốc số thì nhân viên hướng dẫn là 7g mới bắt đầu làm việc. Cả gia đình anh đến lúc 5g mà vẫn sốc vì người ta xếp hàng lấy số thứ tự từ 3g sáng.
Nhiều người dân ở các tỉnh như Lâm Đồng, Đồng Tháp, Tiền Giang… cũng đón xe đò đi xuyên đêm mà vẫn liên tục vuột cơ may được chích ngừa cho con.
Người nhận được số thứ tự cũng khổ, bởi sau đó là các “công đoạn” chờ gọi tên, nộp sổ, làm thủ tục, chờ khám, chờ tiêm... Bồng đứa con gái bảy tháng tuổi đứng chờ làm thủ tục, chị Th. (H.Củ Chi, TP.HCM) cho biết: “Có… mắc tiểu thì cũng cố mà nín, chứ không là mất lượt. Vậy mà suốt ba ngày liền vẫn chưa tới lượt”.
Mòn mỏi bế con chờ được tiêm vắc-xin
Vắc-xin cháy hàng liên tục, vì sao?
Lãnh đạo nhiều BV chia sẻ, từ khi triển khai tiêm vắc-xin Quinvaxem (vắc-xin “5 trong 1”, tiêm miễn phí trong chương trình tiêm chủng quốc gia mở rộng) đến nay đã xảy ra nhiều tai biến, tử vong sau tiêm. Mặc dù chưa có kết luận nguyên nhân tử vong có phải do vắc-xin này hay không nhưng nhiều phụ huynh vẫn tỏ ra không tin tưởng. Vì thế, họ ồ ạt đưa con đi tiêm vắc-xin dịch vụ “6 trong 1” khiến nhu cầu tăng đột biến. Không chỉ vắc-xin “6 trong 1” mà ngay cả vắc-xin dịch vụ “5 trong 1” (ngừa năm bệnh: bạch hầu, uốn ván, ho gà, bại liệt, viêm phổi/màng não mủ do vi khuẩn HIB) cũng trở nên khan hiếm. Khi nhu cầu quá cao, mà cung không đáp ứng đủ thì việc “quá tải” là điều đương nhiên.
Trao đổi với phóng viên Báo Phụ Nữ TP.HCM, dược sĩ Huỳnh Thị Thanh Thủy, Phó giám đốc BV Từ Dũ cho biết: “Sau khi có vắc-xin “6 trong 1”, BV đã lập tức triển khai công tác thực hiện, tăng bàn khám từ ba bàn lên bốn bàn, tăng thêm một bác sĩ và bốn nữ hộ sinh, tăng giường nằm theo dõi cho trẻ sau tiêm... nhưng cũng không đáp ứng được nhu cầu. Bởi nhiều trẻ đã “đói” vắc-xin trong thời gian dài, nhiều người lo lắng vì số lượng lại có hạn, đến muộn sẽ hết nên những ngày đầu, người dân đổ dồn tới, có ngày lên tới cả ngàn lượt, chúng tôi gặp không ít khó khăn…”.
Dù đã nỗ lực nhưng “sức” có hạn nên mỗi ngày BV chỉ có thể giải quyết cho khoảng 400 ca. BV vừa phải tăng cường nhân viên bảo vệ an ninh trật tự, phát số thứ tự cho các phụ huynh.... vừa phải đảm bảo an toàn tiêm chủng, thực hiện quy trình khám sàng lọc, chích thuốc và có đủ phòng theo dõi sau tiêm.
Dược sĩ Thanh Thủy nói: “Theo quy định của Bộ Y tế, mỗi bác sĩ chỉ được khám không quá 50 trẻ/ngày. Việc xếp hàng tại những điểm tiêm vắc-xin dịch vụ cho thấy người dân đã nhận thức được vai trò quan trọng của tiêm vắc-xin nhưng mỗi ngày có từ vài trăm đến cả ngàn lượt phụ huynh đưa trẻ đến đăng ký chích vắc-xin nên chúng tôi khó lòng đáp ứng được hết. Chúng tôi mong sao các đơn vị cung cấp, nhập khẩu đừng để "đứt hàng" như thời gian vừa qua. Nếu không có tình trạng đó thì đâu có cảnh thế này...”.
Nhìn cảnh tượng diễn ra ở BV Từ Dũ, một bác sĩ chuyên khoa nhi tâm sự: “Đau thật, tức thật! Thứ nhất, việc tuyên truyền để người dân hiểu là chất lượng vắc-xin trong chương trình tiêm chủng quốc gia chưa thật tốt để an tâm sử dụng, khiến họ phải mất tiền, mất thời gian đem con “chầu chực” tiêm vắc-xin dịch vụ. Thứ hai, thông thường thì nhà sản xuất cung cấp vắc-xin dịch vụ phải bỏ ra không ít tiền để quảng cáo mới bán được hàng, nhưng ở Việt Nam, nhiều phụ huynh có tiền mà không mua được vắc-xin dịch vụ để chích ngừa cho con. Tại sao ở nhiều nước khác họ không bị thiếu? Cơ quan quản lý, điều tiết có vai trò gì? Trách nhiệm ở đâu?".
http://phunuonline.com.vn/
Tiến Đạt
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác