Trong những năm qua lĩnh vực y tế dự phòng đã đạt được những thành tựu nhất định. Nhiều loại dịch bệnh đã được khống chế, các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, mới nổi được ngăn chặn, không để xâm nhập vào Việt Nam. Ngành YTDP đã thanh toán được bệnh đậu mùa, bại liệt, giảm mắc hàng trăm đến hàng nghìn lần các bệnh truyền nhiễm. Duy trì tỷ lệ tiêm chủng cho trẻ dưới 1 tuổi đạt tỷ lệ hơn 90%, tự sản xuất 10/12 vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng (CTTCMR) quốc gia; công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về YTDP đã tạo được sự chuyển biến nhận thức toàn xã hội.
Tuy nhiên công tác y tế dự phòng vẫn đang gặp nhiều khó khăn, thách thức. Hiện vẫn còn 36/63 tỉnh, thành chưa đạt chuẩn quốc gia YTDP về diện tích làm việc, 80% trung tâm YTDP tuyến huyện cần nâng cấp và xây mới. Chi cho YTDP trong tổng chi NSNN cho y tế thấp và không ổn định; chưa thực hiện đúng Nghị quyết số 18/2008/QH12 của Quốc hội là: “Tăng tỷ lệ chi ngân sách hằng năm cho sự nghiệp y tế, bảo đảm tốc độ tăng chi cho y tế cao hơn tốc độ tăng chi bình quân chung của ngân sách nhà nước. Dành ít nhất 30% ngân sách y tế cho YTDP”.
Bên cạnh đó, chế độ đãi ngộ cho cán bộ YTDP chưa thỏa đáng, chưa tương xứng với lao động đặc thù ngành nên rất khó khăn trong thu hút nhân lực có chất lượng tại các tuyến, đặc biệt trong tuyển dụng bác sĩ YTDP tại tuyến cơ sở. Nghị định số 56/2010/NĐ-CP, quy định tỷ lệ 40% đối với công chức, viên chức thường xuyên, trực tiếp làm chuyên môn YTDP trong cơ cấu nhân lực ngành y, tuy nhiên nhân lực hiện có so với nhu cầu chỉ chiếm 42% cơ cấu. Trong khi phần lớn bác sĩ YTDP hiện có được đào tạo về chuyên ngành điều trị chuyển sang do khó khăn khi xin việc tại các cơ sở điều trị và thực tế các bác sĩ này khi có cơ hội sẵn sàng bỏ lĩnh vực YTDP quay về điều trị. Với những khó khăn YTDP đang gặp phải, nếu tới đây dự án mục tiêu quốc gia về y tế bị cắt giảm sẽ ảnh hưởng đến việc triển khai công tác YTDP và nguy cơ dịch bệnh có thể bùng phát trở lại.
Tại Hội thảo các ĐBQH cho rằng, sắp tới ngành y tế cần đổi mới hệ thống tổ chức YTDP một cách toàn diện theo hướng tập trung, thu gọn đầu mối nhằm tăng cường hiệu quả, nâng cao chất lượng hoạt động. Nhà nước cần bảo đảm ngân sách cho YTDP; có chính sách đãi ngộ cho cán bộ y tế dự phòng và thực hiện đúng Nghị quyết 18/2008/QH12 của Quốc hội. Đồng thời, các đại biểu đề nghị Ủy ban Về các vấn đề xã hội tổ chức giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về YTDP để tiếp tục hoàn thiện các cơ chế chính sách trong các lĩnh vực này.
Phát biểu tại Hội thảo Chủ nhiệm Trương Thị Mai nhấn mạnh, trong tình hình mới với nhiều nguồn lực dành cho chương trình mục tiêu quốc gia bị cắt giảm, Ủy ban Về các vấn đề xã hội ủng hộ Nhà nước duy trì bảo đảm nguồn ngân sách cho các chương trình mục tiêu thiết yếu về lĩnh vực YTDP, tiêm chủng mở rộng. Vì chú trọng công tác YTDP là một trong những giải pháp phù hợp đối với nước ta trong việc bảo đảm chăm sóc sức khỏe nhân dân.