02/05/2019 12:00
Tại Dur Kmăl- một xã vùng sâu, vùng xa của huyện Krông Ana (Đắk Lắk), trước kia, mọi bệnh tật người dân đều đổ tại "ma rừng"...
Tin thầy cúng hơn cán bộ y tế
Dur Kmăl- một xã vùng sâu, vùng xa của huyện Krông Ana (Đắk Lắk)- cách đây hơn 30 năm như một ốc đảo hoang vu, gần như tách biệt với bên ngoài do giao thông đi lại hết sức khó khăn. Nơi ấy, đồng bào dân tộc thiểu số sống rải rác với đời sống kinh tế vô cùng khó khăn. Ở nơi ấy, mọi bệnh tật người dân đều đổ cho con "ma rừng". Khi có bệnh, người dân không đi bệnh viện, không tìm bác sĩ mà thường thuê thầy, sắm lễ cúng đuổi chúng đi. Càng như vậy, "ma rừng" ngày càng nhiều, chúng bắt hết người này đến người khác và cướp đi sinh mạng của nhiều người.
Với Võ Hương, Dur Kmăl chỉ là quê hương thứ hai. Nhưng nỗi đau đớn, bệnh tật của người dân, chàng trai trẻ ấy đã nuôi quyết tâm theo học ngành Y để đuổi chúng đi. Năm 1988, Võ Hương tốt nghiệp Trường Trung cấp Y tế Đắk Lắk và đã về Trạm Y tế xã Dur Kmăl để thực hiện dự định của mình.
Y sĩ Võ Hương đã "đuổi ma" suốt 30 năm nay.
Hơn 30 năm sau, khi sắp đến tuổi nghỉ ngơi, ông vẫn công tác ở Trạm Y tế ấy với thâm niên đến 25 năm làm Trưởng trạm. "Không phải không có cơ hội nhưng tôi chỉ muốn ở lại nơi này"- ông đoán được ý tôi nên trả lời trước. Và rồi ông bắt đầu lý giải vì sao mình không muốn rời xa vùng đất này.
"Khi tôi về đây, cả Trạm Y tế này chỉ có đúng 3 người (cả tôi). Nhân lực mỏng mà đất rộng người thưa trong khi bệnh dịch, nhất là sốt rét và dịch hạch hoành hành khắp nơi. Thế nên, gần như tất cả chúng tôi phải làm việc cật lực suốt cả ngày lẫn đêm"- ông Hương bắt đầu câu chuyện.
Ông kể, ngày ấy dù ở trạm có chiếc xe đạp nhưng việc đi lại vẫn chủ yếu là lội bộ do phải băng suối, vượt đèo đường xá lầy lội... Nhưng, đến được với dân đã khó, chữa bệnh với dân còn khó hơn nhiều.
"Tất cả bệnh tật họ đều bảo do ma nên tin thầy cúng hơn cán bộ y tế. Đến chữa bệnh miễn phí cho dân nhưng nếu không khéo họ đuổi về như chơi. Thay vì bị bệnh nhân tìm đến bác sĩ thì chúng tôi lại phải đi tìm người bệnh để chữa. Do bất đồng ngôn ngữ, nên muốn chữa bệnh cho dân thì phải nhờ một người đi theo làm "phiên dịch" để vận động họ dùng thuốc của mình"- ông Hương kể.
Cực nhọc đuổi "ma rừng"
Trước tình cảnh ấy, chẳng còn cách nào khác, để người dân tin mình, ông Hương cùng những cán bộ y tế ở xã Dur Kmăl phải từng bước vận động người dân. Họ bất chấp nắng mưa, ngày đêm, phải cùng ăn, cùng ở và giúp đỡ người dân lúc khó khăn để tạo lòng tin. Từ những ca bệnh được chữa khỏi người dân bắt đầu có thiện cảm với cán bộ y tế.
Với sự tận tụy, nỗ lực và không ngừng nâng cao tay nghề, người dân ngày càng tin phục y sĩ Hương.
Nhưng nhiều ca bệnh tái phát, người dân lại cho rằng có lẽ lúc cán bộ y tế đến "con ma"…đi vắng, không bắt nên người bệnh bình thường chứ không phải do được uống thuốc. Thế nên để người dân tin tưởng tuyệt đối, ông Hương và các đồng nghiệp của mình phải mất một thời gian rất dài.
"Ngày đó, do khi đi học tiếp xúc được nhiều ca bệnh sốt rét và dịch hạch, nên khi về địa phương tôi đã có thể áp dụng được ngay để chữa bệnh cho dân. Thế nên, người dân đã dần dần có niềm tin với mình. Nhưng để được người dân tin tưởng tuyệt đối thì chẳng phải dễ dàng gì. Bởi có nhiều người sau khi hết bệnh lại tái phát. Hơn nữa, vì tin tưởng vào thầy cúng nên nhiều ca bệnh đã rất nặng mới được phát hiện ra, chữa trị rất khó.
Nhiều lúc trong cùng một nhà có đến 2-3 người bị bệnh. Để cứu được họ, chúng tôi phải dùng võng khiên người lớn, cõng trẻ con ra bệnh viện. Nhiều lúc đưa được dân ra đến bệnh viện huyện mất cả ngày mới tới. Trên suốt chặng đường đó, chúng tôi như ngồi trên đống lửa. Vì nếu người bệnh có mệnh hệ gì trên đường đi thì sẽ chẳng biết phải ăn nói sao với dân"- ông Hương nhớ lại.
Bây giờ ở Dur Kmăl, con "ma rừng" đã thực sự không còn nữa. Người dân không chỉ tìm đến cán bộ y tế khi có bệnh mà còn rất có ý thức trong việc phòng bệnh. Ông Hương nói, mình không thể nhớ phải mất bao nhiêu thời gian để "đuổi ma" nhưng quá trình ấy hết sức gian nan. Vận động dân chữa bệnh rồi lại đến vận động họ phòng bệnh. Tập quán của người đồng bào dân tộc thiểu số trước đây có hàng loạt các điều kiện để phát sinh và bùng phát dịch bệnh bất cứ lúc nào nhưng để thay đổi được tập quán đó là cả một quá trình không hề đơn giản.
Nói về y sĩ Võ Hương, ông Phạm Văn Lào, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Đắk Lắk, một người đã có một thời gian dài làm công tác y tế tại huyện Krông Ana, cho biết: "Đấy là một con người hết sức tận tụy. Anh ấy đã dành hết cả cuộc đời của mình để chăm sóc sức khỏe cho người dân xã Dur Kmăl. Chức danh Trưởng trạm Y tế nhiều người tưởng dễ nhưng để làm tốt được công việc đó chẳng dễ dàng một chút nào. Đặc biệt ở những nơi xa bệnh viện, công việc của cán bộ Trạm Y tế còn khó khăn hơn nhiều. Họ chẳng những phải có kiến thức rộng mà còn phải có nhiều kinh nghiệm và phải làm được rất nhiều việc. Vì nếu không như vậy thì khó mà giữ được mạng sống của người bệnh để chuyển đến bệnh viện".
Duy Hậu (trên báo Dân Việt)
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác