23/05/2017 12:00
Lựa chọn xương ống ninh lấy nước nấu cháo cho bé là cách mà nhiều bà mẹ thường làm cho con khi đến tuổi ăn dặm. Tuy nhiên, việc làm này không chỉ khiến cơ thể bé khó hấp thụ các chất dinh dưỡng khác mà còn có thể bị còi cọc, chậm lớn.
Trong quá trình chế biến món ăn cho bé, cần bổ sung thêm rau, củ, quả, tôm, cá, thịt
Khi con được 6 tháng tuổi, chị Nguyễn Thị Hiền- ở phường Tân Thành (thành phố Buôn Ma Thuột) bắt đầu cho con ăn dặm với nguyên liệu chính là bột, cháo. Để tạo cảm giác ngon miệng cho bé, chị Hiền thường xuyên ninh xương ống lọc lấy nước nấu cháo, nấu bột cho con. Chị Hiền kể: “Thời gian đầu mới ăn dặm tôi cũng hay mua thịt, cá, tôm, ếch…các loại về xay nhuyễn nấu cháo cho con ăn nhưng cứ thấy lợn cợn là bé lè ra, nhất quyết không ăn. Sau đó tôi chuyển sang mua xương ống về ninh, lấy nước nấu cháo thì bé ăn rất nhiều. Có lẽ do vị ngọt của nước xương, vị béo của tủy mà kích thích vị giác của bé. Thế nhưng, đã 5 tháng kể từ khi bắt đầu ăn dặm, tôi thấy bé không tăng cân nhiều như mong đợi, thậm chí có nguy cơ suy dinh dưỡng mặc dù vấn đề sức khỏe, ăn uống của bé rất bình thường”.
Cũng là người thường xuyên mua xương ống về ninh lấy nước nấu cháo cho con, chị Trần Thị Hồng ở phường Ea Tam (thành phố Buôn Ma Thuột) thì cho rằng: “Hầm nước xương nấu cháo cho con thấy có vị ngọt, bé ăn nhiều, công đoạn chế biến thì đơn giản, mà trong tủy xương lại có nhiều canxi. Mặt khác, giá cả loại xương này không đắt, khoảng 55- 60 ngàn/kg. Ngoài việc nấu cháo cho con, tiện lợi hơn tôi còn lấy nước nấu canh cho bữa ăn của gia đình”. Cũng theo chị Hồng, phương pháp nấu cháo này được chị tham khảo trên internet, một số trang mạng có tư vấn xương ống chứa các thành phần như đạm, canxi, kali, sắt, vitamin A, D….chị thấy đây cũng là một cách thay đổi khẩu phần ăn, song cũng là cách bổ sung dinh dưỡng hữu hiệu cho con.
Có thể thấy, nổi bật của nước xương ống hầm là ngọt nước, thơm mùi vì thế ninh lấy nước nấu cháo là món ăn không còn xa lạ đối với các trẻ trong tuổi ăn dặm. Tuy nhiên, bác sỹ Bùi Thị Ngọc Hương- Phó Trưởng Khoa Chăm sóc sức khỏe trẻ em, Phòng chống suy dinh dưỡng, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản Đắk Lắk cho rằng: “Trong nước xương ống có nhiều nitơ, khi nấu cháo cho trẻ có vị ngọt, tạo cảm giác ngon miệng nhưng lại chứa rất ít đạm và canxi. Trong tủy xương có nhiều chất béo, đây là loại chất béo động vật, trẻ dưới 1 tuổi ăn vào sẽ bám vào thành ruột và dạ dày, gây đầy bụng, khó tiêu. Nếu ăn thường xuyên, nhiều sẽ gây rối loạn tiêu hóa, đi ngoài hoặc phân sống. Còn trong xương có nhiều canxi nhưng lại là canxi vô cơ, cơ thể bé không hấp thu được. Thể hiện rõ nhất khi ninh xương, rất nhiều váng mỡ xuất hiện. Ngoài vị thơm, ngon, ngọt ra, nước xương ống không có đủ dinh dưỡng mà còn có khả năng gây kém hấp thu các chất dinh dưỡng khác khiến trẻ dễ bị thiếu hụt Vitamin E, A, K, D và sắt… vì vậy, nhiều người nghĩ nước xương ống giàu giá trị dinh dưỡng là hoàn toàn không đúng dù có hầm kỹ đến mức nào đi chăng nữa thì lượng can xi thôi ra từ xương rất ít, đa số vẫn lắng đọng trong xương. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân trẻ ăn nhiều mà vẫn không tăng cân, thậm chí có thể còi cọc, suy dinh dưỡng”.
Vì thế, để bữa ăn của bé đảm bảo đủ chất, đủ lượng, các mẹ chỉ nên ninh xương ống lấy nước để chế biến hỗ trợ thêm thì được, không nên ăn thường xuyên. Tốt nhất, trong quá trình chế biến món ăn cho bé, cần bổ sung thêm rau, củ, quả, tôm, cá, thịt…để cung cấp đầy đủ hàm lượng dinh dưỡng, giúp trẻ phát triển toàn diện về chiều cao, cân nặng. Nếu trẻ kén ăn thì nên xay nhuyễn các loại để trẻ dễ ăn hơn./.
Bài: Mỹ Hạnh
Ảnh: Bảo Châu
(T4g Đắk Lắk)
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác