22/04/2021 04:51
Tình trạng ngộ độc nấm tại các tỉnh miền núi còn nhiều, đặc biệt vào thời điểm sau tết và mùa mưa, nấm sinh sôi và phát triển rất nhiều, do đó, nguy cơ ngộ độc nấm từ thói quen ăn nấm rừng của người dân khá cao. Để hiểu rõ thêm về nấm, cách xử trí khi bị ngộ độc nấm, PV đã có cuộc trao đổi với bác sĩ Trần Văn Tiết, Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Đắk Lắk.
PV. Thưa bác sĩ, xin bác sĩ cho biết nguyên nhân gây ngộ độc nấm là gì?
Bác sĩ Trần Văn Tiết: Ngộ độc nấm xảy ra chủ yếu do người dân không nhận dạng được nấm độc nên đã hái nấm dại hoặc mua phải nấm độc hái ở rừng đem bán ở chợ về nấu ăn nên đã xảy ra các vụ ngộ độc. Trong các loại thực phẩm gây ngộ độc thì ngộ độc nấm là nguy hiểm và có tỷ lệ tử vong cao do chứa các độc tố amatoxin,muscarin, orellanin, gyromitrin … có tác dụng tiêu hủy hồng cầu, bạch cầu, tế bào thần kinh. Chỉ cần vài cây nấm độc trong món ăn có nấm cũng có thể gây độc, thậm chí làm tử vong nhiều người.
PV: Biểu hiện, triệu chứng của người bệnh khi bị ngộ độc nấm?
Bác sĩ Trần Văn Tiết: Khi ăn phải nấm độc, tuỳ theo loại nấm mà có các biểu hiện ngộ độc khác nhau. Biểu hiện ngộ độc nấm có thể xuất hiện rất nhanh ngay sau khi ăn 20-30 phút hoặc sau 2-4 giờ, thậm chí xuất hiện muộn sau khi ăn 20 giờ. Ngộ độc càng muộn thì càng khó chữa.
Ngộ độc do ăn phải nấm độc thường có các biểu hiện chung như sau: Đau bụng dữ dội thành từng cơn, đi ngoài ra nhiều nước tanh, thối, dính máu; buồn nôn, nôn ra thức ăn, có thể lẫn máu; toàn thân mệt mỏi, chân tay lạnh, khát nước, đôi khi nổi mẩn; hoa mắt, chóng mặt, da xanh tái; co giật, tăng tiết đờm rãi; đi tiểu ít hoặc không đi tiểu được; khó thở do co thắt phế quản, ứ máu ở phổi.
Nhóm gây ngộ độc sớm: Với một số loại nấm gây ngộ độc sớm, thường biểu hiện sau ăn 30 phút đến 2 giờ, tối đa là 6 giờ, người bệnh có thể xuất hiện các triệu chứng như: Giãn mạch, vã mồ hôi, chảy nước mắt, nước dãi, tiêu chảy, nôn mửa, hạ huyết áp… Một số trường hợp còn có các biểu hiện như giãy giụa, co giật, mê sảng, đồng tử giãn, đỏ da, niêm mạc miệng và mắt khô, có các ảo giác như nhìn thấy các đốm sáng hoặc các vạch nối nhau chạy trước mắt…
Nhóm gây ngộ độc muộn: Nhóm gây ngộ độc muộn thường rất nguy hiểm do dấu hiệu ngộ độc chỉ xuất hiện sau 6 – 12 giờ, thậm chí là 40 giờ. Các biểu hiện thường gặp ở nhóm này là đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy nhiều, nước tiểu vàng, chảy máu chân răng, chảy máu mũi, đi ngoài ra máu… Với nhóm gây ngộ độc muộn, người bệnh tử vong rất nhanh chỉ sau vài ngày do suy gan, chảy máu nhiều, co giật…
PV: Người dân cần làm gì để phòng ngộ độc nấm?
Bác sĩ Trần Văn Tiết: Tuyệt đối không ăn nấm lạ, nấm không rõ nguồn gốc. Chỉ được sử dụng nấm khi biết chắc chắn nấm đó không chứa chất độc hại. Khi không phải tự tay hái nấm hoặc chưa có người phân loại thành thạo nấm độc thì tuyệt đối không được ăn. Không ăn thử hoặc cho động vật ăn thử, vì có loại nấm xuất hiện ngộ độc rất muộn 20-24 giờ vì khi thử vừa không biết được loại nấm độc hay không nên rất nguy hiểm, có thể chết người nếu thử phải nấm độc. Không hái nấm non để ăn (vì chưa thấy hết đặc điểm cấu tạo của nấm nên không xác định rõ loại nấm). Không ăn nấm quá già. Nấm tươi mới hái nên sơ chế và sử dụng ngay, vừa đảm bảo an toàn vừa giúp các chất dinh dưỡng trong nấm không bị mất đi. Nếu để nấm lâu ngày, không bảo quản cẩn thận, nấm bị ôi và nát cũng có thể chuyển thành nấm độc. Khi bị ngộ độc nấm cần phải đưa tất cả những người bị ngộ độc và cả người cùng ăn nấm dù chưa có biểu hiện triệu chứng đến các cơ sở y tế gần nhất để được cứu chữa và theo dõi.
PV: Lợi ích dinh dưỡng từ cây nấm như thế nào mà người dân thường hay lựa chọn?
Bác sĩ Trần Văn Tiết: Nấm là nguồn năng lượng lớn có nhiều vitamin B, vitamin D, kali, choline, đồng, selen, Ergothioneine, chất chống oxy hóa, và chất xơ. Các chất dinh dưỡng được biết có tác dụng chống trầm cảm, tăng cường khả năng miễn dịch, duy trì cơ bắp, sức khỏe tim, sản xuất collagen, giảm viêm, cải thiện não và nhận thức, giảm căng thẳng và lo âu và chống mệt mỏi.
Nấm là một trong những thực phẩm ít muối, ít chất béo và calo, cùng với đó nấm lại chứa nhiều chất xơ có lợi như chitin, beta-glucan, và các chất chống oxy hóa. Vì vậy, ăn nấm tốt cho cơ thể mà không sợ thừa chất tăng cân, béo phì.Tóm lại, tác dụng chung của các loại nấm:Tăng cường sức đề kháng cho cơ thể, hỗ trợ chống sự tấn công của gốc tự do. Điều tiết chuyển hóa năng lượng. Chống lão hóa từ trong ra ngoài. Điều hòa và hạ huyết áp. Chống rối loạn lipid trong máu.Giảm cholesterol trong máu. Giảm tiểu đường.
PV: Cách phân biệt giữa nấm thường và nấm độc?
Bác sĩ Trần Văn Tiết:
* Nhìn bằng mắt
- Nấm độc thường có màu sắc khá sặc sỡ, nhiều màu, nổi bật. Nấm thường có đốm màu đen, đỏ, trắng… nổi lên (chủ yếu ở mũ nấm). Mũ nấm có vằn, có hạt, vảy, màu tạp, có rãnh, vết nứt, có vòng quanh thân…
- Thông thường các loại nấm độc khi ngắt sẽ có nhựa chảy ra.
* Ngửi bằng mũi
- Nấm độc khi ngắt thường có mùi cay, mùi hắc, hoặc mùi đắng xộc lên. Nhưng cũng cần lưu ý 1 số nấm độc vẫn có mùi thơm nhẹ.
- Nấm ăn được thường có mùi dịu, thơm, hoặc không mùi.
PV: Khi có biểu hiện ngộ độc nấm thì cách sơ cứu tại nhà như thế nào?
Bác sĩ Trần Văn Tiết: Ngay khi có triệu chứng ngộ độc nấm phải gây nôn, rồi chuyển đi cấp cứu ở trung tâm y tế gần nhất để chữa trị kịp thời: Rửa dạ dày, cho uống than hoạt tính sớm.
- Đưa cả những người cùng ăn nấm dù chưa có biểu hiện triệu chứng đến cơ sở y tế.
- Mang mẫu nấm còn lại hoặc thức ăn chế biến từ nấm còn lại mang tới cơ sở y tế để sơ bộ xác định loài nấm.
PV: Để triển khai có hiệu quả các biện pháp phòng ngộ độc thực phẩm do nấm, Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh đã đưa ra những giải pháp cụ thể nào?
Bác sĩ Trần Văn Tiết: Sau khi các vụ ngộ độc thực phẩm do nấm độc xảy ra vào các năm 2015, 2016 và 2020, chúng tôi đã tham mưu Sở Y tế ban hành nhiều công văn chỉ đạo Y tế địa phương tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân, đặc biệt là người đồng bào dân tộc thiểu số cách nhận biết các loại nấm độc thông qua tranh áp phích treo ở hội trường thôn buôn, Trạm Y tế, trường học, trụ sở Ủy ban nhân dân xã; cấp phát tờ rơi tuyên truyền đến hộ gia đình. Nhân viên Trạm Y tế và cộng tác viên y tế thôn buôn thường xuyên truyền thông trực tiếp cho người dân thông qua các buổi họp dân, hướng dẫn, nhắc nhở người dân tuyệt đối không hái, sử dụng các loại nấm rừng để chế biến làm thực phẩm nếu không biết chắc chắn độc tính của nấm. Đặc biệt năm 2017 Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Đắk Lắk đã phối hợp với Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe tỉnh xây dựng tờ rơi tuyên truyền phòng ngừa ngộ độc nấm bằng tiếng Kinh và tiếng Ê đê, góp phần truyền thông hữu hiệu hơn trong cộng đồng người dân tộc thiểu số Ê đê.
Xin Cảm ơn bác sĩ!
Thực hiện: Kim Oanh – Đình Thi
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác