06/01/2023 02:29
Tết nguyên đán 2023 đang đến gần, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm của người dân ngày càng tăng cao, kéo theo việc sản xuất, kinh doanh và vận chuyển các mặt hàng thực phẩm cũng tăng lên nhộn nhịp. Bên cạnh nguồn hàng sản xuất tại chỗ còn có số lượng lớn hàng hóa trên thị trường được nhập từ các địa phương khác về tiêu thụ. Do đó, để đảm bảo sức khoẻ cho người tiêu dùng, công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đã được chính quyền cũng như ngành Y tế tỉnh Đắk Lắk quan tâm, chú trọng.
Với mục tiêu bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) trong sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu và sử dụng thực phẩm; tăng cường kiểm soát, ngăn chặn kịp thời việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng; đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng; phòng chống ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão và mùa Lễ hội Xuân 2023, vừa qua, UBND tỉnh Đắk Lắk đã ban hành kế hoạch số 236/KH-UBND triển khai công tác đảm bảo an toàn thực phẩm dịp Tết nguyên đán 2023, nhằm hạn chế tối đa các vụ ngộ độc thực phẩm trên địa bàn. Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra liên ngành từ tỉnh đến cấp xã phường, tập trung vào các nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp Tết và Lễ hội có yếu tố nguy cơ cao, huy động tối đa các kênh truyền thông phổ biến các quy định của pháp luật về ATTP cũng như các kiến thức trong lựa chọn, bảo quản, chế biến và tiêu dùng thực phẩm đến người dân. Để công tác kiểm tra đạt hiệu quả, UBND tỉnh giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương và các sở ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh thành lập 03 Đoàn kiểm tra liên ngành, tiến hành kiểm tra tại thành phố Buôn Ma Thuột và 07 huyện gồm Ea H’leo, Krông Năng, Krông Búk, Cư Kuin, M’Drắk, Krông Bông, Krông Ana. Theo đó, các đoàn đã tiến hành kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, như: Thịt và các sản phẩm từ thịt, bia, rượu, đồ uống có cồn, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo, rau, củ, quả, phụ gia thực phẩm... và các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống. Trong đó, các đoàn của tuyến tỉnh tập trung kiểm tra những cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm là đầu mối lớn, các chợ đầu mối, siêu thị, trung tâm thương mại. Đối với các cơ sở thực phẩm vừa và nhỏ, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống chủ yếu do cấp huyện và xã thực hiện kiểm tra.
Người dân cần lưu ý khi lựa chọn thực phẩm an toàn, đảm bảo trong dịp Tết Nguyên đán
Là trưởng đoàn số 1 thực hiện việc kiểm tra vệ sinh ATTP trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột, ông Phạm Thế Hoan, Phó Chánh Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk– trưởng đoàn kiểm tra liên ngành số 1, cho biết: “Qua quá trình kiểm tra chúng tôi nhận thấy hầu hết các hộ, tổ chức cá nhân sản xuất kinh doanh về ATTP đều chấp hành tốt các quy định của pháp luật. Tuy nhiên, bên cạnh đó có một số cơ sở vi phạm, chúng tôi tiến hành xử lý vi phạm theo quy định. Kết hợp với kiểm tra, chúng tôi sẽ tuyên truyền quy định về pháp luật về ATTP và hướng dẫn cho các cơ sở sản xuất kinh doanh đảm bảo ATTP theo quy định. Qua đây tôi cũng đề nghị người dân nên chọn những sản phẩm có địa chỉ sản xuất rõ ràng, uy tín để tiêu dùng, không nên mua hàng trôi nổi, không có địa chỉ sản xuất. Đối với cơ sở sản xuất kinh doanh cũng đề nghị chấp hành các quy định của pháp luật về ATTP để đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân”.
Cùng với việc huy động tối đa các kênh truyền thông phổ biến quy định của pháp luật về ATTP cũng như các kiến thức trong lựa chọn, bảo quản, chế biến và tiêu dùng thực phẩm an toàn đến người dân, các đoàn kiểm tra liên ngành đồng loạt ra quân bắt đầu từ ngày 03 đến ngày 06/01/2023. Bên cạnh công tác kiểm tra, nhằm tăng cường công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, các cơ quan chức năng phối hợp với các cấp chính quyền còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về công tác bảo đảm ATVSTP, các quy định về điều kiện bảo đảm ATVSTP trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực ATVSTP, các quy định của pháp luật trong việc phòng, chống buôn lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ; tuyên truyền về tác hại, thiệt hại của việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong trồng rau; chất cấm trong chăn nuôi; hóa chất, kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản; tác hại của việc sử dụng thực phẩm không an toàn đối với sức khỏe. Tuyên truyền nâng cao kiến thức, thái độ, thực hành về ATVSTP trong dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội Xuân năm 2023. Khuyến cáo người dân có kế hoạch mua sắm và sử dụng thực phẩm phù hợp cũng như lựa chọn mua và chế biến thực phẩm an toàn, không mua sản phẩm thực phẩm không rõ nguồn gốc, có dấu hiệu ôi thiu, mốc, hỏng cũng như không nên mua, tích trữ quá nhiều thực phẩm trong ngày tết để tránh sử dụng sản phẩm không tươi, mất dinh dưỡng. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra về an toàn vệ sinh thực phẩm, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm…
Là một trong những hộ kinh doanh luôn tuân thủ đầy đủ các quy định về ATVSTP trong sản xuất, chế biến thực phẩm, bà Nguyễn Thị Nguyệt- Chủ cơ sở sản xuất giò, chả Bà The chia sẻ: “Với hơn 40 năm làm giò, chả, gia đình tôi luôn đặt yếu tố sức khỏe của người tiêu dùng lên hàng đầu, các nguyên liệu sử dụng trong sản xuất, chế biến đều được lựa chọn kĩ, khâu sơ chế, chế biến cho đến khi đóng gói sản phẩm chúng tôi luôn đảm bảo quy định về ATVSTP. Đối với nhân viên, phải học các kiến thức về ATTP, bao tay, khẩu trang khi chế biến. Nơi dụng cụ chế biến phải sạch sẽ. Đồ sống, đồ chín không được để chung để đảm bảo vì khâu vệ sinh rất quan trọng. Còn các chất phụ gia khi sử dụng phải tuân thủ theo quy định của Bộ Y tế”.
Đoàn liên ngành kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm tại cơ sở sản xuất giò, chả Bà The
Nhờ quyết liệt thực hiện các biện pháp tăng cường đảm bảo ATVSTP nên tình hình thị trường, giá cả đầu năm 2023 trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột nói riêng và toàn tỉnh Đắk Lắk nói chung luôn ổn định, chất lượng hàng hóa được kiểm soát chặt chẽ; các cơ sở sản xuất đều được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo ATVSTP; người lao động được trang bị bảo hộ lao động, đeo găng tay và khẩu trang khi làm việc, không để xảy ra tình trạng ngộ độc thực phẩm, mất vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn.
Có thể thấy, việc tăng cường kiểm tra kiểm soát hàng hóa dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán và mùa lễ hội Xuân trên địa bàn tỉnh đã góp phần ổn định giá cả, ngăn chặn, xử lý kịp thời những hàng hoá kém chất lượng, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trên thị trường. Tuy nhiên, mỗi người dân nên trở thành người tiêu dùng thông thái, lựa chọn thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, kiểm tra kỹ nhãn mác, tuyệt đối không sử dụng thực phẩm đã ôi thiu, mốc hỏng… để đảm bảo sức khỏe cho bản thân, gia đình, để mọi người, mọi nhà hưởng một cái Tết ý nghĩa, an toàn.
Bài: Mai Lê; Ảnh: Đình Thi
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác