26/01/2021 10:37
Dịp lễ, tết là thời điểm nhu cầu sử dụng rượu bia của người dân tăng cao, vì các buổi tiệc tùng cuối năm rất nhiều. Song, bên cạnh đó số người nhập viện do lạm dụng rượu, bia, bị ngộ độc rượu cũng gia tăng khiến sức khỏe bị ảnh hưởng, thậm chí có trường hợp tử vong do uống phải rượu pha cồn công nghiệp có lẫn methanol hoặc ethylene glycol. Do đó, để có một cái tết an toàn, mỗi người cần nâng cao ý thức trong việc sử dụng rượu, bia để đảm bảo sức khỏe cũng như phòng tránh ngộ độc do rượu gây ra.
Nguyên nhân chính gây ra tình trạng ngộ độc rượu là do sự lạm dụng rượu vượt quá khả năng hấp thụ của cơ thể. Bên cạnh đó tình trạng rượu giả, rượu kém chất lượng pha methanol với tỷ lệ cao được bày bán tràn lan khắp nơi, nhất là trong thời điểm tết đến xuân về khi nhu cầu tiêu thụ rượu, bia của người tiêu dùng tăng cao. Methanol là cồn công nghiệp, khi đi vào cơ thể sẽ chuyển hóa thành formaldehyt và acid formic, hai chất độc này khi đi vào cơ thể sẽ gây ảnh hưởng nặng nề đến gan và thận.
Anh Nguyễn Đình Thắng (trú tại huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk) cho biết: Mặc dù biết uống nhiều rượu, bia sẽ không tốt cho sức khỏe, nhưng vào dịp lễ tết việc chúc nhau chén rượu, mời nhau cốc bia đã trở thành phong tục của nhiều người, nhiều gia đình. Do đó, khi đi chúc tết rất khó từ chối khi được mời rượu, bia. Vì sức khỏe của bản thân và mọi người, tôi chỉ mong không phải mua nhầm và sử dụng các loại rượu, bia giả, pha cồn công nghiệp. Để làm được điều này, tôi nghĩ mọi người nên tìm mua rượu, bia ở các điểm bán hàng có uy tín, lực lượng chức năng nên tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý các điểm bán hàng giả.
Ông Trần Văn Khương (trú tại TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) chia sẻ: Tôi có người bạn từng bị ngộ độc phải nhập viện cấp cứu do uống rượu ngâm với thảo mộc. Kể từ đó, khi lựa chọn mua rượu, bia trong các dịp lễ, tết tôi rất thận trọng. Tuy nhiên, thực tế ngày tết rất khó để từ chối những ly rượu được mời. Vì thế, mặc dù vui và uống nhưng sự thật tôi vẫn khá lo lắng về nguồn gốc, xuất xứ, an toàn của loại rượu bản thân được mời.
Lực lượng chức năng kiểm tra nguồn gốc xuất xứ bia, rượu tại siêu thị
Theo bác sĩ Chuyên khoa II Trình Hồng Nhựt, Trưởng khoa Hồi sức tích cực – Chống độc Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên: Khi chất cồn vào cơ thể, nếu vượt quá mức cho phép dù chỉ rất ít cũng sẽ ảnh hưởng lớn tới sức khỏe và gây nên các bệnh lý liên quan đến gan, rối loạn tâm thần - hành vi, thoái hóa hệ thần kinh, nhiễm độc, loét dạ dày - tá tràng, tim mạch... Khi bị ngộ độc rượu cấp tính, đầu tiên, người bệnh có dấu hiệu hưng phấn, kích thích, nói nhiều, mất khả năng vận động tự chủ, mất cân bằng, ngồi không vững. Sau đó, khi đã ngấm vào cơ thể, rượu sẽ ức chế trung tâm hô hấp, thần kinh, khiến người bệnh giảm phản xạ cơ, xương, tri giác, mất tri thức, hạ huyết áp, có thể rơi vào hôn mê. Lúc này, nếu không được cấp cứu kịp thời, nguy cơ tử vong sẽ rất cao.
Khi thấy nạn nhân có biểu hiện ngộ độc rượu, người nhà cần kê gối thấp, cho bệnh nhân nằm nghiêng để có thể nôn hết rượu ra mà không bị sặc vào đường thở. Bệnh nhân cần được cho ăn cháo loãng, nằm nghỉ, tránh trường hợp để bệnh nhân đói sẽ bị hạ đường huyết. Nếu bệnh nhân ngủ lâu không tỉnh hoặc không ăn uống được gì hoặc nôn nhiều thì cần đưa ngay đến cơ sở y tế để được xử trí kịp thời. Khi say rượu, không nên uống các loại thuốc chống nôn vì sẽ làm giữ chất độc lại trong cơ thể, gan không thể lọc chất độc kịp càng tổn hại nghiêm trọng, lâu ngày sẽ xơ gan, ung thư gan. Các loại nước mía, nước chanh, cam vắt, nước cà chua, nước ép bưởi, sinh tố chuối, nước các loại đậu ninh nhừ… uống nhiều lần sẽ giải được ngộ độc rượu dạng nhẹ. Nên ăn nhiều rau xanh, hoa quả để cung cấp vitamin và chất chống ôxy hóa, hạn chế tác hại của cồn trong rượu với gan.
Để phòng ngừa ngộ độc rượu bia trong dịp Tết, người dân nên chọn các loại bia, rượu có thương hiệu, có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo về ATTP, không sử dụng rượu, bia chưa rõ nguồn gốc xuất xứ, đặc biệt là các loại rượu trôi nổi trên thị trường.
Bài, ảnh: Mai Lê
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác