28/01/2021 03:10
Hiện nay, việc dự trữ và bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh trở nên phổ biến ở hầu hết các gia đình. Đặc biệt, vào những dịp lễ, tết hay như đợt dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh và có lệnh thực hiện giãn cách xã hội vào những tháng đầu năm 2020 thì nhu cầu bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh của mọi người càng nhiều về số lượng và phong phú về chủng loại thực phẩm. Thế nhưng việc bảo quản thực phẩm như thế nào cho đúng cách, hợp lý và an toàn cho sức khỏe thì không phải ai cũng chú trọng. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, thực phẩm khi lưu trữ trong tủ lạnh không đúng cách, khi ăn vào sẽ dễ dẫn đến ngộ độc thực phẩm, rối loạn tiêu hóa, tiềm ẩn nhiều nguy cơ bệnh tật.
Do không có thời gian để đi chợ mua thức ăn hằng ngày nên mỗi khi đi chợ chị Nguyễn Thị H. (phường Ea Tam, Tp. Buôn Ma Thuột) thường mua rất nhiều loại thực phẩm, như: cá, thịt, rau, củ quả các loại …về sơ chế, rửa sạch và phân nhỏ thành từng gói rồi cho vào ngăn mát và ngăn đông của tủ lạnh để dùng dần. Thông thường, chị H mua thực phẩm dự trữ ăn trong khoảng thời gian từ 4 đến 5 ngày. Riêng đợt dịch Covid-19 bùng phát mạnh và thực hiện lệnh giãn cách xã hội, chị H mua thực phẩm trữ trong tủ lạnh khoảng một tuần. Khi được hỏi về thời gian và cách bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh, chị H. thổ lộ: “Thực ra mà nói cách bảo quản thế nào để an toàn tôi cũng không rõ và cũng ít quan tâm đến vấn đề này bởi tôi nghĩ thực phẩm cứ bỏ vào ngăn đông thì để bao lâu cũng được, không bị hư nên cứ lấy và sử dụng đến khi hết thì mua cái khác bỏ vào”.
Nên để nhiệt độ ở ngăn mát từ 0 độ C đến 5 độ C; thực phẩm đông lạnh nên trữ đông từ âm 12 độ C đến âm 18 độ C.
Cũng như chị H., chị Trần Thị Minh T. (phường Ea Tam, Tp. BMT) cũng thường xuyên mua thực phẩm về dự trữ trong tủ lạnh. Thế nhưng khi mua thịt, chị T. thường bỏ nguyên cả cân vào tủ đông để trữ, mỗi khi đêm ra dùng, chị T. rã đông và sắc đủ lượng thịt để dùng, sau đó lại cất tiếp vào ngăn đông. Riêng rau, củ, quả các loại, chị đem từ chợ về rồi bỏ vào luôn trong tủ lạnh và không sơ chế.
Thực tế, hiện vẫn còn rất nhiều người có cách bảo quản thực phẩm giống như chị T và có suy nghĩ, quan niệm như chị H, thậm chí còn cho rằng việc bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh là hoàn toàn yên tâm, không lo bị ngộ độc thực phẩm. Tuy nhiên, những quan niệm này hoàn toàn không đúng bởi vì với nhiệt độ trong tủ lạnh, vi khuẩn chỉ có thể ngừng hoặc giảm hoạt động chứ không thể nào tiêu diệt được vi khuẩn sinh sôi. Do đó, nếu bảo quản không đúng cách thì thực phẩm sẽ sinh ra nhiều vi khuẩn, gây mùi hôi khó chịu và ảnh hưởng đến sức khỏe…
Theo bác sĩ Trần Văn Tiết- Phó Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh: về nguyên lý, thực phẩm để trong tủ lạnh phải được bảo quản ở nhiệt độ thấp, bởi ở nhiệt độ thấp sẽ ức chế quá trình sinh sản và phát triển của vi khuẩn, không gây hư thực phẩm. Nhưng chúng ta cũng không nên nghĩ rằng khi để thực phẩm trong tủ lạnh là an toàn 100% vì còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố cũng như thời hạn để trong tủ lạnh. Việc tích trữ thực phẩm quá lâu trong tủ lạnh sẽ làm mất chất dinh dưỡng của thực phẩm, không những thế còn làm các vi khuẩn phát triển ngược trở lại, gây nên biến chất một số chất có trong thực phẩm. Tốt nhất nên để nhiệt độ ở ngăn mát từ 00C đến 5 độ C; thực phẩm đông lạnh nên trữ đông từ âm 12 độ C đến âm 18 độ C.
Đoàn kiểm tra liên ngành ATTP kiểm tra nhiệt độ bảo quản thực phẩm tại cơ sở kinh doanh ăn uống
Các chuyên gia y tế khuyến cáo: để đảm bảo an toàn cho sức khỏe, thực phẩm mua từ ngoài chợ về cần được sơ chế ngay và bỏ vào tủ lạnh để tránh ôi thiu; các loại thực phẩm cần cho vào các hộp chuyên dụng để không bị lẫn vào nhau; cần phân loại thức ăn theo thời gian: những thức ăn có hạn sử dụng trước nên được bỏ ra phía cửa tủ để không bị quên và quá hạn sử dụng, gây lãng phí thực phẩm; đối với thực phẩm để ngăn mát thì chúng ta chỉ dùng trong vòng từ 1 đến 5 ngày; nếu thịt, cá…để vào ngăn đông thì hạn sử dụng không quá 30 ngày, qua thời gian đó thực phẩm tự phân hủy và không còn giá trị dinh dưỡng mặc dù chúng ta thấy bên ngoài vẫn còn tươi. Khi rã đông thực phẩm, nên để thực phẩm trong ngăn mát của tủ lạnh và phải dùng ngay phần đã rã đông, không nên cất để dùng tiếp bởi mỗi lần chúng ta rã đông, chất lượng thực phẩm giảm xuống 30%, do đó nếu rã đông nhiều lần trên cùng một thực phẩm sẽ không còn chất dinh dưỡng nữa, thậm chí có nguy cơ gây ngộ độc; đối với thực phẩm đã qua chế biến, trước khi để vào tủ lạnh phải đậy kín, đặc biệt phải để vào ngăn riêng, tránh sự nhiễm chéo và hạn chế vi khuẩn sinh sôi; thịt, cá muốn bỏ ngăn đông, trước đó ta phải rửa thật sạch để hạn chế vi khuẩn bám vào bề mặt, sau đó lau khô bỏ vào hộp rồi cho vào ngăn đá.
Đặc biệt, trong tủ lạnh không nên để quá nhiều thực phẩm, bởi thực phẩm kín tủ lạnh sẽ khiến không khí không được lưu thông, nhiệt độ trong tủ lạnh sẽ tăng lên. Trường hợp nếu bắt buộc phải để nhiều thực phẩm, chúng ta cần điều chỉnh độ lạnh cho phù hợp. Hãy vệ sinh thường xuyên tủ lạnh, đảm bảo tủ lạnh lúc nào cũng sạch để thời hạn sử dụng tủ lạnh được bền và dài hơn./.
Bài, ảnh: Mỹ Hạnh - Quang Nhật
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác