29/12/2021 10:56
Từ khi đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát, tính từ ngày 27/4/2021 đến hết năm 2021, cùng với cả hệ thống chính trị và các cấp chính quyền trong toàn tỉnh, ngành y tế Đắk Lắk đã vào cuộc với sứ mệnh cao cả là đi đầu trong việc ngăn chặn, phòng chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.
Suốt 1 năm qua, ngành Y tế tỉnh Đắk Lắk đã tham mưu kịp thời cho UBND tỉnh ban hành nhiều quyết định, giải pháp kịp thời nhằm thực hiện quyết liệt, khẩn trương, nghiêm túc và hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch, đồng thời đã nỗ lực không ngừng nghỉ, không ngại khó khăn, vất vả, không sợ hiểm nguy, luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, tận tâm, đồng lòng cùng người dân trong cuộc chiến đẩy lùi dịch bệnh.
Từ khi có ca mắc COVID-19 đầu tiên, Việt Nam đã trải qua 3 đợt dịch và đang trong đợt thứ 4, đợt dịch sau bao giờ cũng diễn biến phức tạp hơn lần trước. Đợt dịch thứ 4 có khả năng lây lan nhanh, mạnh, tác động nghiêm trọng đến sức khỏe người dân và ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội, trong đó có tỉnh Đắk Lắk. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, với sự nỗ lực, đoàn kết, quyết tâm cao của toàn hệ thống chính trị, toàn dân, các chủ trương và giải pháp đã được ngành Y tế nhanh chóng tham mưu cho các cấp chính quyền, triển khai nhanh chóng, quyết liệt, kịp thời, hiệu quả. Đến thời điểm hiện tại, chiến lược phòng chống COVID-19 của tỉnh Đắk Lắk đã và đang phát huy hiệu quả; các trường hợp có nguy cơ lây nhiễm được phát hiện sớm, truy vết, khoanh vùng kịp thời. Trong sự nỗ lực chung của toàn tỉnh có sự đóng góp của lực lượng cán bộ ngành Y tế, nơi được xem là lực lượng tuyến đầu trong phòng chống COVID-19 của tỉnh nhà.
Nỗ lực khống chế các ổ dịch, nhanh chóng bóc tách kịp thời các trường hợp F0 ra khỏi cộng đồng
Hiện nay, tình hình dịch COVID-19 trong và ngoài nước tiếp tục có những diễn biến hết sức phức tạp, khó dự báo, đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe của người dân và ảnh hưởng lớn đến nhiều mặt của đời sống xã hội. Là đơn vị đứng đầu trong công tác phòng, chống dịch, thời gian qua ngành Y tế tỉnh nhà đã chủ động triển khai nhiều hoạt động cấp thiết để chống dịch, tổ chức truy vết thần tốc, cách ly triệt để, đồng thời xác định khu vực cần áp dụng các biện pháp phong tỏa, giãn cách xã hội chính xác, phù hợp với diễn biến thực tế của từng địa phương, qua đó vừa đảm bảo ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, vừa đảm bảo tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh lưu thông hàng hóa.
Để dịch bệnh không lây lan trên diện rộng, ngay khi phát hiện các trường hợp F0, bất kể ngày hay đêm, mưa hay nắng, lực lượng y tế trong tuyến đầu chống dịch liền lập tức triển khai các biện pháp truy vết, lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp liên quan đến ca bệnh để nhanh chóng bóc tách kịp thời các trường hợp F0 ra khỏi cộng đồng. Bên cạnh việc nỗ lực khống chế các ổ dịch trong cộng đồng, khi làn sóng dịch bệnh thứ 4 diễn ra, rất nhiều người dân từ các tỉnh thành phía Nam đã trở về Đắk Lắk, với tinh thần tất cả người dân đều là người con Việt, tỉnh Đắk Lắk đã triển khai các kế hoạch đón công dân từ vùng dịch trở về, tổ chức điểm đón, triển khai test nhanh sàng lọc, hỗ trợ hơn 168.000 công dân trở về vừa đảm bảo công tác phòng, chống dịch, vừa đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân.
Bên cạnh các hoạt động triển khai truy vết thần tốc, ngành Y tế còn chú trọng đến công tác nâng cao các cơ sở chăm sóc, điều trị bệnh nhân COVID-19. Với việc hỗ trợ của các đoàn bác sĩ từ Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Bạch Mai, đoàn công tác của Bộ Y tế vào trực tiếp khảo sát công tác phòng, chống dịch, cầm tay chỉ việc cho đội ngũ y, bác sĩ của tỉnh nhà đã giúp tỉnh Đắk Lắk củng cố vững chắc, nâng cao hơn nữa năng lực điều trị bệnh nhân COVID-19. Để khống chế dịch bệnh, toàn tỉnh đã thành lập 10 cơ sở cách ly tập trung tuyến tỉnh, hơn 100 cơ sở cách ly tập trung tại các huyện trưng dụng từ trường học, các cơ sở y tế, công an, quân đội. Tỉnh đã thiết lập 7 cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19 với quy mô 3.722 giường bệnh theo mô hình tháp 3 tầng và dự kiến tăng lên 5.580 giường khi số ca bệnh gia tăng nhiều. Bằng việc chú trọng nâng cao cơ sở điều trị, tính đến ngày 28/12, toàn tỉnh đã có hơn 9.000 bệnh nhân COVID-19 được điều trị khỏi bệnh và hiện đang điều trị cho hơn 2.000 bệnh nhân.
Ngành Y tế đã nỗ lực bao phủ vắc xin cho người dân trên địa bàn toàn tỉnh
Bác sĩ CKII Nay Phi La, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk, cho biết: Sau khi làn xong đợt dịch thứ 4 xảy ra, tới thời điểm này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã có khoảng trên 11.000 ca lũy kế mắc COVID-19, trong đó hiện đang điều trị khoảng 2.000 bệnh nhân. Đây là một con số rất lớn đối với địa bàn tỉnh Đắk Lắk với dân số trên 1,9 triệu người và là một trong những tỉnh có sự giao thương, đi lại rất lớn từ Bắc vào Nam cũng như các tỉnh ở miền Tây. Trên cơ sở đó, ngành Y tế đã chủ động xây dựng các kế hoạch phòng, chống dịch với 4 cấp độ, sau đó xây dựng thêm phương án điều trị khi xảy ra dịch bệnh trên địa bàn, đặc biệt trong làn sóng dịch lần thứ 4. Thực hiện nghiêm chỉnh, linh hoạt Nghị quyết 128 của Chính phủ và Quyết định 4800 của Bộ Y tế, đến nay cơ bản ngành Y tế tỉnh Đắk Lắk đã kiểm soát được về tình hình dịch bệnh trên địa bàn của tỉnh.
Xác định việc phòng, chống dịch bệnh COVID-19 muốn đạt hiệu quả lâu dài thì công tác triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 phải nhanh chóng, hiệu quả. Trên cơ sở đó, ngành Y tế đã nỗ lực bao phủ vắc xin cho người dân trên địa bàn toàn tỉnh. Tính tới ngày 28/12, toàn tỉnh có 1.216.736 người trên 18 tuổi được tiêm một mũi vắc xin, đạt 96,3% và 1.054.043 người được tiêm mũi 2, đạt 83,4%. “Bên cạnh đó, ngành Y tế vẫn tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế cũng như của Chính phủ tiếp tục đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà soát lại tất cả đối tượng từ 50 tuổi trở lên, đặc biệt những đối tượng có bệnh lý nền chưa tiêm vắc xin thì tiếp tục tiêm vắc xin để giảm tỷ lệ tử vong và bên cạnh đó, vào đầu tháng 1/2022, trên cơ sở số vắc xin đã được phân về sẽ tiếp tục triển khai tiêm mũi 3 cho người dân”, bác sĩ Nay Phi La nhấn mạnh.
Hiện nay, để thích ứng với tình hình mới, thực hiện theo sự chỉ đạo của Bộ Y tế, tỉnh Đắk Lắk đã bắt đầu triển khai việc cách ly các trường hợp F1 và điều trị F0 tại nhà. Để chuẩn bị cho phương án điều trị F0 tại nhà, ngành Y tế đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống y tế công lập lẫn tư nhân trong vấn đề chăm sóc, giám sát và điều trị F0 tại cộng đồng; xây dựng chi tiết hướng dẫn điều trị F0 tại nhà và hướng dẫn y tế địa phương chuẩn bị cơ sở vật chất, nhân lực, trang thiết bị y tế cho việc thành lập các trạm y tế lưu động để hỗ trợ, điều trị F0 tại nhà. Các trạm y tế lưu động sẽ hình thành trên cơ sở 184 trạm y tế xã, phường cộng với trên 150 phòng khám đa khoa đủ điều kiện. Cùng với đó, thời gian qua, ngành Y tế cũng đã chuẩn bị đầy đủ bình ô xy, các túi thuốc cấp phát cho người dân để đảm bảo hỗ trợ, chăm sóc sức khỏe người dân cách kịp thời và an toàn nhất.
Huy động sự vào cuộc của cả hệ thống y tế công lập lẫn tư nhân trong vấn đề chăm sóc, giám sát và điều trị F0 tại cộng đồng
“Bài học kinh nghiệm trong công tác phòng, chống dịch trong 1 năm qua đó là phải luôn luôn cảnh giác cũng như kịp thời tham mưu kịp thời cho Ban chỉ đạo phòng, chống dịch, đồng thời xây dựng các kế hoạch phòng, chống dịch, đặc biệt tập trung ở các siêu thị, các địa điểm tập trung đông người luôn luôn thực hiện 5K, khai báo y tế thông qua việc quét mã QR-Code”, bác sĩ Nay Phi La, Giám đốc Sở Y tế chia sẻ.
Với tinh thần trách nhiệm cao của cả hệ thống chính trị, suốt 1 năm qua, bằng việc triển khai tất cả các biện pháp đồng bộ, toàn diện về chuyên môn y tế, giãn cách, tăng cường giãn cách xã hội, an sinh và an ninh trật tự xã hội. Đến nay, tỉnh Đắk Lắk đang từng bước kiểm soát được số ca nhiễm, số ca tử vong, đồng thời từng bước thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.
Bài: Mai Lê; ảnh: Quang Nhật
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác