12/10/2022 08:55
Thời tiết chuyển mùa với khí hậu lạnh ẩm khiến cho nhiều người mắc các bệnh về hô hấp. Đặc biệt các bệnh hô hấp mạn tính như viêm xoang rất dễ tái phát, tuy nhiên bệnh viêm xoang cũng có những triệu chứng rất dễ nhầm lẫn với bệnh COVID-19, khiến nhiều người lo lắng.
Theo các chuyên gia y tế, triệu chứng riêng biệt của COVID-19 để phân biệt với viêm xoang bình thường bao gồm khó thở, đau nhức cơ, buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy, mất khứu giác và vị giác. Nếu nhận thấy mình có những dấu hiệu này, tốt nhất nên test nhanh để kiểm tra mình đã bị nhiễm SARS-CoV-2 chưa. Cần thiết thì nên báo ngay với cơ sở y tế gần nhất để được hỗ trợ cách thức điều trị phù hợp.
Tập thể dục đều đặn giữ sức khỏe tốt để giảm nguy cơ bị các bệnh hô hấp
Bác sĩ Võ Nguyễn Hoài Khôi – Khoa Tai mũi họng, Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên cho biết, biểu hiện rõ của bệnh viêm xoang là đau nhức vùng mặt. Đây là yếu tố quan trọng nhất giúp phân biệt. Khi bị viêm xoang, người bệnh cảm thấy nặng và đau ở mặt, các khu vực mũi, má, trán và hàm trên, đôi khi lan đến tai trong. Hơi thở có mùi hôi. Cảm giác nhức ở mặt và đau đầu do viêm xoang sẽ ngày càng tồi tệ hơn. Thông thường, khi bị viêm xoang thì nghẹt mũi hoặc sổ mũi với tình trạng chất nhầy khác nhau. Nước mũi trong, loãng nhiều khả năng bạn bị viêm xoang mạn tính. Nước mũi vàng đặc hoặc xanh, thỉnh thoảng có chút máu là viêm xoang cấp tính. Viêm xoang cấp tính khởi phát rất nhanh và thường diễn ra trong một thời gian ngắn, thường đáp ứng tốt với thuốc điều trị.
Để phòng bệnh viêm xoang, cần rửa tay thường xuyên vì vi rút có thể sống lâu hơn trên các bề mặt mà chúng ta có nhiều khả năng sờ tay vào như tay nắm cửa, đồ dùng... Tiêm phòng vắc xin cúm hằng năm để ngăn ngừa nhiễm trùng xoang. Có một chế độ ăn uống cân bằng và tập thể dục đều đặn giữ sức khỏe tốt sẽ giúp bảo vệ cho hệ miễn dịch khỏe mạnh, nhờ đó giảm nguy cơ bị các bệnh hô hấp, bao gồm cả nhiễm trùng xoang. Không hút thuốc lá để bảo vệ hệ hô hấp và xoang mũi, ngay cả khi không hút thuốc thì cũng nên tránh hít phải khói thuốc thụ động, không nên lạm dụng kháng sinh vì không có tác dụng gì trong điều trị nhiễm vi rút, nếu lạm dụng kháng sinh có thể hình thành sự kháng thuốc và phải đối mặt với nhiều nguy cơ khác. Sử dụng dung dịch nước muối để làm sạch mũi mỗi ngày. Giữ ấm cơ thể khi thời tiết thay đổi, cần mặc ấm, nhất là vùng cổ, ngực, mũi. Mang khẩu trang, vệ sinh họng, miệng hằng ngày, nên đánh răng trước và sau khi ngủ dậy, súc họng và rửa mũi bằng nước muối sinh lý hằng ngày.
Bài, ảnh: Kim Oanh – Đình Thi
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác