06/01/2022 05:37
I. ĐIỀU KIỆN CÁCH LY NGƯỜI F0 TẠI NHÀ
Người F0 muốn cách ly tại nhà phải đảm bảo 3 điều kiện sau:
1. Tiêu chí lâm sàng đối với người nhiễm COVID-19
a) Là người nhiễm COVID-19 (được khẳng định dương tính bằng xét nghiệm RT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên) không có triệu chứng lâm sàng; hoặc có triệu chứng lâm sàng ở mức độ nhẹ như sốt, ho khan, đau họng, nghẹt mũi, mệt mỏi, đau đầu, đau mỏi cơ, tê lưỡi;
b) Không có các dấu hiệu của viêm phổi hoặc thiếu ô-xy, nhịp thở ≤ 20 lần/phút, SpO2 ≥ 96% khi thở khí trời; không có thở bất thường như thở rên, rút lõm lồng ngực, phập phồng cánh mũi, thở khò khè, thở rít khi hít vào.
c) Đáp ứng thêm, tối thiểu 1 trong 2 tiêu chí sau:
- Đã tiêm đủ 2 mũi hoặc 1 mũi vắc-xin phòng COVID-19 sau 14 ngày, hoặc:
- Có đủ 03 yếu tố sau:
+ Tuổi: Trẻ em trên 01 tuổi, người lớn < 50 tuổi;
+ Không có bệnh nền (Danh mục các bệnh lý nền quy định tại Phụ lục 01 theo Quyết định số 4038/QĐ-BYT ngày 21/8/2021 của Bộ Y tế về việc ban hành Hướng dẫn tạm thời về quản lý người nhiễm COVID-19 tại nhà);
+ Không đang mang thai.
2. Khả năng người nhiễm COVID-19 tự chăm sóc
a) Có thể tự chăm sóc bản thân như ăn uống, tắm rửa, giặt quần áo, vệ sinh…
b) Có khả năng liên lạc với nhân viên y tế để được theo dõi, giám sát và khi có tình trạng cấp cứu: Có khả năng giao tiếp và sẵn có phương tiện liên lạc như điện thoại, máy tính…
c) Trường hợp người nhiễm COVID-19 không có khả năng tự chăm sóc, gia đình phải có người chăm sóc đáp ứng các tiêu chí của mục a, b ở trên.
3. Điều kiện cơ sở vật chất: Có phòng riêng dành cho người F0, có cửa sổ thông thoáng, có nhà vệ sinh riêng, có số điện thoại riêng, có sẵn số điện thoại của cơ sở y tế, số điện thoại của Trạm Y tế lưu động, Tổ COVID-19 cộng đồng và Tổ chăm sóc người nhiễm để liên hệ khi cần thiết. Có bàn hoặc ghế cá nhân đặt trước cửa phòng cách ly để nhận thức ăn và các vật dụng cá nhân cần thiết; có thùng rác cá nhân có nắp và túi rác đi kèm. Có sẵn dung dịch khử khuẩn tay và bề mặt, nước súc họng hoặc nước muối sinh lý (0,9%), khẩu trang y tế, nhiệt kế. Khuyến khích có máy đo SpO2.
II. HƯỚNG DẪN NGƯỜI NHIỄM COVID-19 THEO DÕI SỨC KHỎE TẠI NHÀ
- Mang khẩu trang thường xuyên, trừ khi ăn uống, vệ sinh cá nhân. Thay khẩu trang hai lần một ngày hoặc khi cần, sát khuẩn tay bằng cồn trước và sau khi loại bỏ khẩu trang.
- Thường xuyên sát khuẩn tay; khử khuẩn các vật dụng và bề mặt tiếp xúc như mặt bàn, tay nắm cửa, bồn cầu, bồn rửa mặt...
- Đo thân nhiệt, SpO2 (nếu có) tối thiểu hai lần mỗi ngày, hoặc khi cảm thấy có dấu hiệu sốt, khó thở hay các triệu chứng bất thường khác. Khai báo y tế mỗi ngày ít nhất 01 lần hoặc khi có triệu chứng bất thường qua ứng dụng “Khai báo y tế điện tử” và điền thông tin vào phiếu tự theo dõi sức khỏe (Lưu ý: nhịp thở, thân nhiệt, SpO2) (mẫu tại Phụ lục 03 theo Quyết định số 4038/QĐ-BYT ngày 21/8/2021 của Bộ Y tế ).
- Nghỉ ngơi, vận động thể lực nhẹ (phù hợp với tình trạng sức khỏe); tập thở ít nhất 15 phút mỗi ngày; uống nước thường xuyên, không đợi đến khi khát mới uống nước; không bỏ bữa; tăng cường dinh dưỡng: Ăn đầy đủ chất, ăn trái cây, uống nước hoa quả... và suy nghĩ tích cực, duy trì tâm lý thoải mái.
- Có số điện thoại của nhân viên y tế để liên hệ khi cần tư vấn, hỗ trợ và khi có các triệu chứng bất thường từ các cơ sở y tế, số điện thoại của Trạm Y tế lưu động, Tổ COVID-19 cộng đồng và Tổ chăm sóc người nhiễm.
- Tất cả thành viên ở cùng nhà với người F0 phải khai báo sức khỏe qua phần mềm “khai báo y tế điện tử” mỗi ngày ít nhất một lần hoặc khi cần.
- Hướng dẫn thực hiện cách ly y tế tại nhà theo quy định tại mục 4 “Yêu cầu đối với người cách ly y tế tại nhà” trong “Hướng dẫn tạm thời về cách ly y tế tại nhà phòng, chống dịch COVID-19 cho người tiếp xúc gần (F1)” được ban hành tại Công văn số 5599/BYT-MT, ngày 14/7/2021 của Bộ Y tế. Tuyệt đối không đi ra khỏi nhà trong suốt thời gian cách ly y tế tại nhà.
III. HƯỚNG DẪN SỬ DỤNG GÓI THUỐC ĐIỀU TRỊ COVID-19 TẠI NHÀ
- Các thuốc điều trị tại nhà bao gồm: Thuốc hạ sốt, thuốc nâng cao thể trạng (vitamin, chất dinh dưỡng vi lượng, các thuốc y học cổ truyền), thuốc kháng vi-rút, thuốc kháng viêm corticoid và chống đông dạng uống trong một số tình huống có chỉ định. Kê đơn, cấp phát thuốc điều trị ngoại trú: Thực hiện theo Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19 của Bộ Y tế ban hành tại Quyết định số 4689/QĐ-BYT ngày 06/10/2021.
- Trong trường hợp được Bộ Y tế hỗ trợ thuốc kháng vi-rút dạng uống (Molnupiravir) sẽ được chỉ định đối với trường hợp F0 có triệu chứng nhẹ thì sẽ đưa vào túi thuốc điều trị tại nhà cho người F0.
- Thuốc kháng viêm corticoid và chống đông dạng uống được chỉ định khi người bệnh có triệu chứng sớm của suy hô hấp (cảm thấy khó thở, nhịp thở > 20 lần/phút, SpO2 < 95%) nhưng chưa liên hệ được nhân viên y tế để được hướng dẫn, hỗ trợ. Thời gian người F0 tự uống không quá 03 ngày, trong thời gian này người bệnh cần phải tiếp tục liên hệ bác sĩ để được hỗ trợ, tùy tình trạng sức khỏe của người bệnh, bác sĩ sẽ quyết định cho người bệnh dùng tiếp thuốc này cho đủ 07 ngày.
* Cấp cứu cho người F0 cách ly, điều trị tại nhà:
Hướng dẫn người F0 khi có dấu hiệu chuyển nặng như khó thở biểu hiện bằng thở hụt hơi, thở nhanh trên 30 lần/phút, li bì, lừ đừ, tím tái môi, đầu chi, SpO2 < 95% thì gọi ngay số điện thoại của cơ sở y tế, số điện thoại của Trạm Y tế lưu động, Tổ COVID-19 cộng đồng và Tổ chăm sóc người nhiễm để được cấp cứu và vận chuyển đến cơ sở điều trị kịp thời.
IV. HƯỚNG DẪN SỬ DỤNG CÁC GÓI THUỐC ĐIỀU TRỊ COVID-19 TẠI NHÀ (dành cho người trên 18 tuổi)
Thuốc điều trị COVID-19 tại nhà gồm 03 gói (A, B, C): Gói thuốc A là những thuốc thông dụng bao gồm thuốc hạ sốt và thuốc nâng cao thể trạng; Gói thuốc B là thuốc kháng viêm và thuốc chống đông chỉ sử dụng trong tình huống đặc biệt; Gói thuốc C là thuốc kháng vi rút được sử dụng theo Chương trình can thiệp cộng đồng có kiểm soát của Bộ Y tế.
1. Gói thuốc A (dùng trong 07 ngày)
a) Thuốc số 1 (Thuốc giảm đau, hạ sốt): Paracetamol 500mg
Uống 01 viên khi sốt trên 38,5°C, có thể lặp lại mỗi 04 giờ đến 06 giờ nếu vẫn còn sốt.
b) Thuốc số 2 (Vitamin): Các loại vitamin (vitamin tổng hợp hoặc vitamin C)
Uống ngày 02 lần: sáng 01 viên, chiều 01 viên.
2. Gói thuốc B (dùng trong 03 ngày)
Hướng dẫn người bệnh khi cảm thấy khó thở (thở hụt hơi, khó thở tăng lên khi vận động, nhịp thở khi nghỉ ngơi trên 20 lần/phút hoặc đo SpO2 dưới 95%) phải liên hệ ngay với bác sĩ để được hỗ trợ. Nếu chưa liên hệ được bác sĩ, người bệnh có thể uống thêm thuốc kháng viêm (thuốc số 3) và thuốc chống đông (thuốc số 4), thời gian tự uống KHÔNG QUÁ 03 NGÀY. Trong thời gian này người bệnh cần tiếp tục liên hệ bác sĩ để được hỗ trợ, tùy tình trạng sức khỏe của người bệnh, bác sĩ sẽ quyết định dùng tiếp các thuốc này hay không.
a) Thuốc số 3 (Thuốc kháng viêm): Dexamethasone 0,5mg
Uống ngày 01 lần: sáng 12 viên sau khi ăn (tương đương 06 mg/ngày).
HOẶC
Methylprednisolone 16mg
Uống ngày 02 lần: sáng 01 viên, chiều 01 viên sau khi ăn (tương đương 32 mg/ngày).
HOẶC
Prednisolone 5mg
Uống ngày 01 lần: sáng 08 viên sau khi ăn (tương đương 40 mg/ngày).
b) Thuốc số 4 (Thuốc chống đông): Rivaroxaban 10mg
Uống ngày 01 lần: sáng 01 viên.
HOẶC
Apixaban 2,5 mg
Uống ngày 02 lần: sáng 01 viên, chiều 01 viên.
Lưu ý: Thuốc số 3 và thuốc số 4 KHÔNG sử dụng trong các trường hợp sau: Phụ nữ có thai và phụ nữ đang cho con bú, người có mắc một trong những bệnh sau: Viêm loét dạ dày tá tràng, suy gan, suy thận, các bệnh lý dễ gây chảy máu đường tiêu hóa, đường tiết niệu và các bệnh lý dễ gây chảy máu khác.
3. Gói thuốc C (dùng trong 05 ngày)
Đây là thuốc kháng vi-rút được chỉ định đối với trường hợp F0 có triệu chứng nhẹ, thuốc này được Bộ Y tế cung cấp trong Chương trình can thiệp cộng đồng có kiểm soát. Các cơ sở y tế cần hướng dẫn cho người F0 ký “Phiếu chấp thuận tham gia Chương trình sử dụng thuốc Molnupiravir có kiểm soát tại cộng đồng cho người mắc COVID-19 nhẹ” trước khi cấp phát và sử dụng.
Thuốc số 5 (Thuốc kháng vi-rút): Molnupiravir viên 200mg hoặc viên 400mg
Uống ngày 02 lần: sáng 800mg (4 viên 200mg hoặc 2 viên 400mg), chiều 800mg (4 viên 200mg hoặc 2 viên 400mg), uống 05 ngày liên tục.
(Liều dùng theo thuyết minh đề cương thử nghiệm lâm sàng đã được phê duyệt).
Lưu ý:
- Thuốc số 5 KHÔNG sử dụng trong các trường hợp sau: Phụ nữ đang mang thai và cho con bú, người suy gan, viêm gan siêu vi cấp, suy thận, viêm tụy cấp hoặc mãn.
- Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, đối với người bệnh đang sử dụng thuốc Molnupiravir nếu cần phải uống thuốc kháng viêm và chống đông theo hướng dẫn như trên thì NGƯNG sử dụng thuốc Molnupiravir.
Minh Thu
(theo Kế hoạch số 11474/KH-UBND, ngày 21/11/2021 của UBND tỉnh)
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác