28/07/2021 03:11
Tác phẩm “Mẹ tôi chửi kẻ trộm" của tác giả người dân tộc Thái - Tòng Văn Hân được trao giải B cuộc thi thơ của Báo Văn nghệ (2019-2021) được coi là hành động khuyến khích các cây bút là người dân tộc thiểu số cũng như thúc đẩy mảng đề tài văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam.
Cái lý, cái tình của người mẹ dân tộc thiểu số
Vài năm trở lại đây, mảng đề tài văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam đã có những tín hiệu khởi sắc. Bên cạnh những hoạt động sôi nổi thông qua hội thảo, trại sáng tác, đợt thực tế… chất lượng tác phẩm và giải thưởng văn học cũng được nâng cao. Ðặc biệt là sự xuất hiện của những cây bút trẻ là người dân tộc thiểu số với những tác phẩm khai thác về văn hóa truyền thống, phong tục tập quán của địa phương mình.
Còn nhớ, hồi đầu tháng 4/2021, bài thơ "Mẹ tôi chửi kẻ trộm" của tác giả Tòng Văn Hân - nhà thơ/nhà sưu tầm, nghiên cứu văn hóa về người Thái đen và là người dân tộc Thái (tỉnh Điện Biên) – đã trở thành tâm điểm khi nằm trong chùm thơ được trao giải B của báo Văn nghệ. Tác phẩm này gây tranh cãi kịch liệt vì theo nội dung bài thơ, thay vì chửi rủa kẻ ăn trộm, bà mẹ kia lại cầu mong kẻ ăn trộm dư giả, những mong khi đã giàu có thì kẻ trộm không đi trộm nữa. Người khen ngợi ý tứ, ý tưởng và tính nhân văn, người lại chê đây "không phải là thơ": "Bài thơ không tội tình gì, chỉ tiếc nó lại được giải cao".
Tuy nhiên, thời điểm đó, nhà văn Khuất Quang Thụy – Tổng biên tập Báo Văn nghệ, Trưởng Ban tổ chức lên tiếng cho rằng, cuộc thi nào cũng có những tiêu chí chấm giải riêng. Ở cuộc thi này, bài thơ đoạt giải nhất phải đáp ứng được tiêu chí tạo được ấn tượng lớn, mạnh mẽ trong dư luận và có cống hiến về những mặt khác.
Bài thơ “Mẹ tôi chửi kẻ trộm” của tác giả Tòng Văn Hân đạt giải B cuộc thi thơ báo Văn Nghệ (2019-2021).
"Với tôi, đây là bài thơ có ý tưởng nhân văn và có lối diễn đạt khá độc đáo theo quan niệm của người miền núi, có cái nhìn riêng về hiện tượng tiêu cực của xã hội. Trộm cắp là một tội lỗi trong xã hội, có một phần nguyên nhân là do nghèo đói và để giải quyết chuyện đó, người mẹ trong bài thơ chỉ mong muốn kẻ trộm làm ăn khá lên, sẽ triệt được thói hư tật xấu không đi ăn trộm nữa. Đó là cách suy nghĩ rất dễ hiểu và nhân văn.
Với một cây bút trẻ người dân tộc có ý tưởng mới mẻ như vậy, mà phát ngôn mang tính vùi dập thì tôi nghĩ không nên. Lâu nay, người ta quen thơ nhịp nhàng, mượt mà rồi nên có một tác giả làm bài thơ lạ như thế, người khen kẻ chê là bình thường. Đó là cảm nhận cá nhân của mỗi người và họ có quyền như thế", nhà văn Khuất Quang Thụy khẳng định.
Lời chia sẻ này nhận được sự đồng tình của nhiều cây bút lớn trên văn đàn. Nhà thơ Trần Đăng Khoa cũng bày tỏ: "Cách viết mộc, thật thà đúng cách nghĩ cách nói của đồng bào dân tộc. Tuy nhiên, bài thơ không có nghệ thuật, nhưng để mộc như thế lại hiệu quả. Để viết có vần có ngôn ngữ bóng bẩy chả khó gì nhưng như thế sẽ mất đi sự chân phác của người dân tộc. Cách viết như tác giả là hợp lý. Bài thơ không vần điệu, ngôn ngữ không đặc biệt nhưng thật thà. Cái hay của bài thơ cũng là ở chỗ đó".
Bảo tồn, phát huy tinh hoa văn hóa các dân tộc Việt Nam
Việc "mạo hiểm" trao giải thưởng cho một tác phẩm như thế đã được coi là hành động tích cực khuyến khích cho mảng đề tài dân tộc miền núi cũng như các nhà văn, nhà thơ vùng cao tập trung sáng tác.
Tòng Văn Hân sinh 1972 tại bản Liếng, xã Noong Luống, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên. Ông là người dân tộc Thái và là một trong số rất ít người còn nghiên cứu và sưu tầm văn hóa đồng bào dân tộc Thái, đặc biệt là văn hóa của người Thái đen.
Thực tế, trước đó, sau Ðại hội lần thứ V (nhiệm kỳ 2014 - 2019), Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam đã tập trung vào các hoạt động cụ thể gắn liền với vùng miền, đồng bào các dân tộc bằng nhiều hình thức, như: hội thảo, trại sáng tác, đi thực tế điền dã, phát động các cuộc thi và đợt sáng tác theo chủ đề.
Những năm gần đây, một số cây bút trẻ là người dân tộc thiểu số được đánh giá cao về chất lượng tác phẩm, như: Hoàng Chiến Thắng, Lý Hữu Lương, Triệu Hoàng Giang, Nguyễn Toan, Phùng Hương Ly, Nguyễn Luân, Lý A Kiều…
Một trong những điều kiện góp phần thúc đẩy, tạo động lực cho đội ngũ tác giả thuộc thế hệ 8x, 9x nêu trên chính là các địa phương đã chú trọng tổ chức được các lớp bồi dưỡng, hình thành những Câu lạc bộ văn học nghệ thuật các dân tộc, tổ chức nhiều cuộc thi, hoạt động giao lưu văn học và văn hóa. Bên cạnh đó, các địa phương còn liên kết với trường dân tộc nội trú của tỉnh để sớm phát hiện, bồi dưỡng đội ngũ trẻ, hỗ trợ khâu in ấn, giới thiệu tác phẩm mới trên nội san, tạp chí, báo chí của địa phương và trung ương.
Bên cạnh đó, Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam đã xây dựng kế hoạch và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án "Bảo tồn và phát huy giá trị tác phẩm văn học, nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam" giai đoạn I (2015 - 2020). Trong năm 2020, giải thưởng Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số đã tôn vinh 50 tác phẩm, gồm: 9 giải B, 15 giải C, 25 giải Khuyến khích, 1 tặng thưởng. Trong 9 giải B, có những tác phẩm văn học nghệ thuật ấn tượng của các tác giả người dân tộc thiểu số, như: tản văn "Chín bậc thang nhà người" của Phạm Tú Anh; ca khúc "Tình núi" của Krajan K’dick và "Nhớ" của Linh Nga Niê Kdam…
Theo đánh giá từ các chuyên gia, các tác phẩm văn học nói riêng và văn hóa nghệ thuật nói chung về đề tài dân tộc thiểu số đã góp phần đáng kể trong công tác bảo tồn, phát huy tinh hoa văn hóa các dân tộc Việt Nam. Các tác giả là người dân tộc thiểu số có nhiều thuận lợi khi phát huy được vốn ngôn ngữ, văn hóa địa phương.
Trong giai đoạn hiện nay, lực lượng tác giả người dân tộc thiểu số đang ngày càng có ý thức quan tâm hơn đến việc sáng tác, quảng bá và hội nhập. Bên cạnh tác phẩm văn học, còn xuất hiện nhiều công trình sưu tầm, nghiên cứu, biên dịch tác phẩm của các dân tộc: Mường, Thái, Mông, Tày, Nùng, Ê Ðê, Chăm… Điều đó cho thấy, bản sắc văn hóa dân tộc trong văn học và văn hóa nghệ thuật đang có sức ảnh hưởng tới nhiều lĩnh vực, hoạt động khác của xã hội.
An Khánh
Nguồn: giadinh.net.vn
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác