12/01/2024 04:49
Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh có 8.928 cơ sở kinh doanh thực phẩm, chủ yếu là các cơ sở kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ. Thực phẩm được sử dụng từ nhiều nguồn cung cấp trong và ngoài tỉnh, nhập khẩu từ nước ngoài... nên việc kiểm soát gặp nhiều khó khăn. Trước tình hình đó, song song với việc quản lý và tăng cường thanh, kiểm tra an toàn thực phẩm, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh đã và đang tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông về an toàn thực phẩm (ATTP) nhằm nâng cao nhận thức của người quản lý, người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng về đảm bảo ATTP.
Từ đầu năm đến nay, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo về ATTP. Trên cơ sở này, các sở, ngành và UBND các địa phương đã tích cực triển khai nhiều biện pháp thực hiện. Hoạt động tuyên truyền, giáo dục luôn được xác định là nhiệm vụ quan trọng và xuyên suốt trong công tác ATTP. Xác định được tầm quan trọng đó, những năm qua, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm đã chú trọng đổi mới, đa dạng hóa về hình thức, nội dung tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và nhận thức của người dân trong đảm bảo an toàn thực phẩm.
|
Các lớp tập huấn là một kênh cung cấp thông tin trực tiếp, giúp các cơ sở kinh doanh có ý thức và trách nhiệm hơn trong việc tuân thủ các điều kiện đảm bảo ATTP.
|
Qua trao đổi với một số chủ cơ sở kinh doanh cho thấy, việc truyền thông trực tiếp kiến thức, quy định pháp luật liên quan đến ATTP theo từng nhóm đối tượng là hết sức cần thiết. Chị Phạm Thị Tuyết Minh, chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống tại phường Tân Thành, TP.Buôn Ma Thuột chia sẻ: “Trước đây, tôi cũng có tìm hiểu một vài vấn đề về ATTP, nhưng chưa bao giờ tìm hiểu kỹ và đầy đủ các quy định của Nhà nước về ATTP. Sau khi được tham gia lớp tập huấn kiến thức ATTP, tôi nhận thấy nếu mình không tuân thủ các quy định của pháp luật thì một cái sai của mình có thể nhiều người sẽ phải chịu hậu quả. Tôi sẽ rút kinh nghiệm lựa chọn nhập những loại thực phẩm đầu vào rõ nguồn gốc, xuất xứ và sẽ sắp xếp, bố trí lại cho hợp lý toàn bộ nơi sơ chế, chế biến thực phẩm”. Tương tự, anh Nguyễn Văn Thiện, chủ cơ sở tạp hóa tại phường Ea Tam, TP.Buôn Ma Thuột cũng cho rằng: “Thực phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người tiêu dùng. Tuy là cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ nhưng tôi sẽ chấp hành các quy định của pháp luật về ATTP. Tôi lựa chọn kinh doanh hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, chất lượng nhằm đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng”.
Tính riêng năm 2023, toàn tỉnh đã triển khai 03 đợt truyền thông trong dịp Tết Nguyên đán, “Tháng hành động vì ATTP” và Tết Trung thu bằng các hình thức: Tổ chức 1.106 buổi nói chuyện về ATTP với hơn 17.000 lượt người tham gia; xây dựng 887 băng rôn, khẩu hiệu; cấp phát hơn 3.577 tờ gấp; thực hiện 8.655 buổi tuyên truyền qua hệ thống phát thanh, 156 buổi tuyên truyền trên Đài PT-TH; 213 lượt truyền thông lưu động về ATTP tại các khu vực tập trung đông dân cư; chạy chữ các khẩu hiệu truyền thông về ATTP trên bảng điện tử các cơ quan và cổng chào tại trung tâm các huyện… Đồng thời, duy trì đăng tải tin bài, văn bản pháp luật về ATTP, kiến thức thực hành về ATTP, thông tin về cơ sở thực phẩm, sản phẩm thực phẩm, phụ gia thực phẩm an toàn trên website của Chi cục ATVSTP và của ngành.
Cùng với đó, từ đầu năm đến nay, công tác cấp giấy chứng nhận, xác nhận, tiếp nhận hồ sơ được thực hiện đảm bảo đúng quy định đáp ứng nhu cầu của các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Toàn tỉnh cấp 2.019 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP. Trong đó, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh cấp 353/355 cơ sở, tuyến huyện cấp 1.666/2.373 cơ sở về ATTP. Công tác tập huấn, bồi dưỡng kiến thức ATTP cũng được chú trọng. Trong năm đã tổ chức 59 lớp tập huấn kiến thức về ATTP cho 5.212 lượt người trực tiếp sản xuất và kinh doanh thực phẩm. Tham gia giám sát, hướng dẫn ATTP phục vụ 18 sự kiện chính trị, văn hóa, thể thao trên địa bàn tỉnh…
Bà Lê Thị Châu, Chi cục Trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh cho biết, thời gian qua, bên cạnh việc tăng cường công tác quản lý về ATTP thì Chi cục đã đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về ATTP, đặc biệt là tập trung vào các đợt cao điểm như dịp Tết Nguyên đán, Lễ hội đầu Xuân, Tháng hành động vì ATTP, Tết Trung thu… chú trọng lồng ghép các nội dung phòng chống dịch bệnh, cùng với chế độ dinh dưỡng khoa học, an toàn... Ngoài tổ chức các buổi hội thảo, tập huấn, đơn vị đã chủ động phối hợp với các cơ quan truyền thông công bố kết quả thanh tra, kiểm tra ATTP, phổ biến các văn bản mới và kiến thức về bảo đảm ATTP; phòng, chống ngộ độc, lựa chọn thực phẩm an toàn... Để tiếp tục làm tốt công tác quản lý nhà nước về ATTP trong năm 2024, nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của người dân, hạn chế mức thấp nhất vi phạm về ATTP, Chi cục sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp tục đẩy mạnh, đổi mới công tác tuyên truyền về ATTP bằng việc triển khai các đợt truyền thông lưu động, các chiến dịch truyền thông vận động người dân, doanh nghiệp chấp hành nghiêm các quy định pháp luật về đảm bảo ATTP, qua đó nâng cao nhận thức về ATTP cho người sản xuất và người tiêu dùng thực phẩm.
|
Người tiêu dùng cần trang bị kiến thức về ATTP để tự bảo vệ sức khỏe cho chính mình và gia đình.
|
Có thể nói, những năm gần đây, công tác thông tin truyền thông trên địa bàn tỉnh đã được triển khai đa dạng, phong phú với nhiều hình thức mới mẻ, tạo được sự lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng. Qua đó, phần lớn các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực hiện đúng các quy định pháp luật về sản xuất, kinh doanh thực phẩm. So với những năm trước, ý thức chấp hành pháp luật của người sản xuất kinh doanh thực phẩm ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên, nhìn nhận một cách khách quan, hoạt động truyền thông về ATTP vẫn còn một số hạn chế nhất định. Công tác quản lý về ATTP hiện tại thuộc 3 ngành quản lý là ngành Y tế, Nông nghiệp - Phát triển nông thôn và Công thương. Vì vậy, vẫn còn nhiều bất cập, sự chồng chéo trong hoạt động cung cấp thông tin và phản hồi trong lĩnh vực về ATTP. Cùng với đó, nguồn lực phục vụ cho công tác truyền thông còn mỏng, đội ngũ cán bộ quản lý ATTP tuyến huyện, phường, xã thường kiêm nhiệm cũng ảnh hưởng đến công tác truyền thông, vận động về ATTP.
Việc đẩy mạnh truyền thông về ATTP đã góp phần phổ biến kịp thời các chủ trương, đường lối, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước về ATTP tới mọi người dân và cơ quan quản lý; thông tin kịp thời cho người dân về vấn đề đảm bảo ATTP, góp phần nâng cao ý thức, chuyển biến nhận thức của người sản xuất, chế biến, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm. Qua đó, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh đã cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất, xây dựng nhãn hiệu sản phẩm và thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm theo đúng quy định./.
Võ Quỳnh
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác