31/01/2024 10:45
Ngày 31/1, thông tin từ Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên cho biết, Bệnh viện đang điều trị cho một bệnh nhân bị ngộ độc do nuốt mật cá trắm.
Bệnh nhân là L.T.T (39 tuổi, trú tại xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk). Theo bệnh nhân, do có tiền sử mắc bệnh đại tràng và dạ dày nên trong một lần làm thịt cá trắm khoảng 4 kg, nghe nói mật cá trắm có thể giúp chữa bệnh và bồi bổ sức khỏe nên bệnh nhân đã lấy mật cá trắm nhúng sơ qua nước sôi và nuốt nguyên túi mật để trị bệnh. Tuy nhiên, vài giờ sau khi nuốt mật cá, bệnh nhân có biểu hiện bất thường như buồn nôn, khó chịu. 4 ngày sau đó, bệnh nhân bị phù mặt và chân tay nên được gia đình đưa đi nhập viện. Ngày 21/1, bệnh nhân nhập viện tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên với chẩn đoán tổn thương thận cấp, theo dõi ngộ độc mật cá trắm. Đến nay, sau 10 ngày điều trị, sức khỏe bệnh nhân đã tiến triển tốt.
|
Bệnh nhân L.T.T đang được theo dõi và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên.(ảnh: Đình Thi)
|
Theo bác sĩ CKII Trịnh Hồng Nhựt – Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, Trưởng khoa Hồi sức tích cực – chống độc, gần đây Bệnh viện thường xuyên tiếp nhận các trường hợp bệnh nhân nhập viện do ngộ độc mật cá trắm. Nhiều người nghĩ mật cá trắm to rất tốt cho sức khỏe, thậm chí có tác dụng chữa bệnh nên ăn mật cá. Tuy nhiên, thực tế trong mật cá trắm có độc tố gây hại cho cơ thể con người. Khi nuốt mật cá, độc tố trong mật sẽ gây tổn thương chủ yếu gan, thận. Mức độ gây ảnh hưởng của mật cá trắm tới sức khỏe phụ thuộc vào liều lượng đưa vào cơ thể. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể tử vong.
Đến nay chưa có tài liệu khoa học nào khẳng định việc nuốt mật cá có tác dụng chữa bệnh mà thực tế rất nhiều trường hợp nuốt mật cá đã dẫn đến tử vong. Để đảm bảo sức khỏe cho cộng đồng, bác sĩ Nhựt khuyến cáo người dân tuyệt đối không sử dụng mật cá trắm dưới bất kỳ hình thức và mục đích nào.
Mai Lê
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác