22/03/2024 02:35
Sáng ngày 22/3, Bệnh viện Phổi tỉnh Đắk Lắk phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng (SCDI) thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã tổ chức Mít tinh kỷ niệm Ngày Thế giới phòng chống lao năm 2024, tổng kết hoạt động phòng chống lao năm 2023 và triển khai kế hoạch năm 2024. Tham dự buổi lễ có TS. Bác sĩ Châu Đương - Giám đốc Bệnh viện Phổi tỉnh; bà Nguyễn Thị Kim Dung - Quản lý Chương trình SCDI cùng đại diện lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, lãnh đạo và chuyên trách phòng chống lao của TTYT 15 huyện/thị xã/TP đã về tham dự.
Hiện, Việt Nam vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao, đứng thứ 11 trong 30 nước có số người mắc bệnh lao cao nhất trên toàn cầu, đồng thời đứng thứ 11 trong số 30 nước có gánh nặng bệnh lao đa kháng thuốc cao nhất thế giới. Ước tính số liệu Việt Nam năm 2022 có 172.000 người mắc lao và khoảng 13.000 người tử vong do lao, cao hơn số người tử vong vì tai nạn giao thông. Lao đa kháng thuốc ước tính chiếm 4,5% trong nhóm bệnh nhân lao mới và 15% trong nhóm đã từng điều trị; Lao đồng nhiễm HIV ước tính chiếm 2,5% trong số bệnh nhân lao được phát hiện.
|
Các đại biểu tham dự buổi lễ. (ảnh: Quang Nhật)
|
Báo cáo tại buổi lễ, năm 2023, chương trình phòng chống lao trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk được triển khai bao phủ trên địa bàn 15 huyện/thị xã/TP. Trong năm, hoạt động phát hiện và thu nhận bệnh nhân lao các thể đạt 1.018/1.200 trường hợp, đạt 85% so với chỉ tiêu kế hoạch năm; Số bệnh nhân được phát hiện, điều trị khỏi có bằng chứng vi khuẩn học đối với bệnh nhân lao phổi đạt 91,4% và bệnh lao chung các thể đạt 91,5% trong tổng số bệnh nhân được đăng kí điều trị; Công tác xét nghiệm HIV trước điều trị cho bệnh nhân lao là 859/1018 trường hợp, đạt 84,3%; Hoạt động quản lý bệnh lao tiềm ẩn đã triển khai thực hiện sàng lọc tại 14/15 huyện/thị xã/TP, tất các các tuyến được tập huấn về thực hiện quy trình sàng lọc bệnh lao tiềm ẩn ở nhóm tiếp xúc gần hộ gia đình và nhóm nguy cơ cao; Hoạt động giám sát được triển khai 3 đợt tại tất cả 15 huyện/thị xã/TP. Công tác phòng chống lao nhận được sự hỗ trợ chuyên môn của Dự án phòng chống lao quốc gia/Bệnh viện Phổi Trung ương và các tổ chức quốc tế KNCV, SCDI, Quỹ toàn cầu… Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế, nhận thức chưa đầy đủ về bệnh lao, sự mặc cảm, kỳ thị của cộng đồng nên ở trên địa bàn tỉnh ta vẫn còn nhiều người mắc bệnh lao chưa được phát hiện và quản lý điều trị đúng mức.
Phát biểu tại buổi lễ, TS. Bác sĩ Châu Đương – Giám đốc Bệnh viện Phổi tỉnh cho biết, hoạt động tổ chức mít tinh kỷ niệm Ngày Thế giới phòng chống lao hàng năm được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về những ảnh hưởng nghiêm trọng của bệnh lao tới sức khỏe con người, KT-XH. Chủ đề Ngày thế giới phòng, chống lao năm 2024 của Việt Nam là “Đúng! Việt Nam có thế chấm dứt bệnh lao”, nhấn mạnh việc huy động sức mạnh tổng thể, thu hút sự quan tâm, tập trung mọi nguồn lực, sự chung tay của cả cộng đồng nhằm đẩy mạnh cuộc chiến chống bệnh lao. Năm 2024, công tác phòng chống bệnh lao được triển khai với các hoạt động chính đó là: Tăng cường các phương pháp khám phát hiện lao, phát hiện chủ động sàng lọc lao tại cộng đồng ở tuyến huyện và phát hiện lao tích cực qua công tác khám bệnh ở Bệnh viện Phổi, các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện; Đăng ký thu nhận và điều trị sớm cho bệnh nhân, lao kháng thuốc đúng quy định của chương trình chống lao Quốc gia; Nâng cao hiệu quả các kỹ thuật hiện đại trong xét nghiệm chẩn đoán lao; Chú trọng nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ y tế trong mạng lưới phòng chống lao; Đảm bảo cung ứng thuốc, vật tư y tế trong điều trị lao và phối hợp với các đơn vị, ban ngành, đoàn thể đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức của cộng đồng trong phòng chống lao…
|
TS. Bác sĩ Châu Đương - Giám đốc Bệnh viện Phổi tỉnh phát biếu tại buổi lễ. (ảnh: Quang Nhật)
|
Trong dịp này, các đại biểu đã thảo luận, chia sẻ hoạt động và đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng chống lao trên địa bàn tỉnh góp phần thực hiện thành công mục tiêu: Giảm tỷ lệ mắc, giảm tỷ lệ nhiễm lao, giảm tỷ lệ tử vong do lao và hướng tới loại bỏ hoàn toàn bệnh lao trong cộng đồng, đạt mục tiêu giảm tỷ lệ mắc lao < 20/100.000 dân. Hướng tới mục tiêu để người dân Việt Nam nói chung và Đắk Lắk nói riêng được sống trong môi trường không còn bệnh lao./.
Võ Quỳnh
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác