21/05/2024 10:03
Do ảnh hướng của biến đổi khí hậu, thời tiết có nhiều thay đổi nắng –nóng bất thường, ô nhiễm môi trường tạo điều kiện thuận lợi cho vi rút cúm phát triển và lây lan. Để bảo vệ sức khỏe nhân dân, Trung tâm y tế huyện Ea Súp đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn để người dân biết cách chăm sóc, phòng tránh bệnh cúm.
Khoảng 10 ngày trước, anh T.Q.D ở thôn 4 xã Ea Bung có triệu chứng sốt cao, nhức mỏi. Anh được gia đình chuyển tới Trạm y tế xã để kiểm tra thì phát hiện bản thân bị mắc cúm. Sau 2 ngày điều trị theo phác đồ, anh D. cảm thấy cơ thể đỡ mệt mỏi hơn.
“Thấy cơ thể quá mệt mỏi, sốt cao không hạ, tôi quyết định đi khám và điều trị tại cơ sở y tế cho yên tâm chứ không tự ý đi mua thuốc, điều trị tại nhà.”, anh D. chia sẻ.
Theo thống kê của Trạm Y tế xã Ea Bung, trong 4 tháng đầu năm 2024, toàn xã có 27 người mắc cúm. Đến nay, tất cả các trường hợp đều đã khỏi bệnh và không có biến chứng. Bà Trần Thị Thu Hường, Trưởng Trạm Y tế xã Ea Bung cho biết, toàn xã hiện có trên 1.000 hộ gia đình với gần 4.000 nhân khẩu, sinh sống tập trung tại 6 thôn.
|
Trẻ em, người già, người có sức đề kháng kém là những đối tượng có nguy cơ lây nhiễm và mắc các bệnh về Cúm mùa. (ảnh: Đinh Thi)
|
“Ngay từ đầu năm, Trạm Y tế xã đã tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong việc tự giác thực hiện các biện pháp phòng chống các loại bệnh truyền nhiễm, trong đó có bệnh cúm theo mùa. Đồng thời, tăng cường giám sát các trường hợp mắc bệnh không rõ nguyên nhân, yếu tố dịch tễ liên quan thông qua hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm và giám sát nghi ngờ tại cơ sở. Bên cạnh đó, Trạm còn vận động người dân ăn ở sinh hoạt hợp vệ sinh; ngủ màn để phòng bệnh sốt rét; đeo khẩu trang khi đến chỗ đông người để tránh lây các bệnh truyền nhiễm. Đây là những việc làm cần thiết và thường xuyên để người dân tự bảo vệ sức khỏe cho chính mình”, bà Hường nói.
Bác sĩ Dương Văn Hải, Phó Phụ trách Khoa kiểm soát bệnh tật và HIV/AIDS, Trung tâm Y tế huyện Ea Súp, bệnh cúm là bệnh truyền nhiễm gây ra bởi virut cúm và xảy ra ở mọi lứa tuổi. Bệnh cúm là bệnh đường hô hấp nhưng có ảnh hưởng toàn thân, bệnh thường xảy ra đột ngột. Giai đoạn đầu của bệnh thường kéo dài 2-3 ngày với các triệu chứng: sốt, nhức đầu, đau cơ, mệt mỏi, chán ăn. Khi bệnh tiến triển, các triệu chứng đường hô hấp xuất hiện như: ho khan, sổ mũi, đau họng, sốt tăng nhanh và cao đến 40 - 41 độ C, sốt có thể kéo dài 4 - 8 ngày. Thông thường, bệnh nhân cúm tự hồi phục, nhưng các triệu chứng kéo dài trong nhiều ngày, có một số trường hợp có thể xảy ra biến chứng nặng .
Để chủ động phòng chống bệnh cúm, Trung tâm Y tế huyện đã chỉ đạo Trạm Y tế các xã, thị trấn giám sát chặt chẽ các trường hợp mắc bệnh để chủ động khoanh vùng, xử lý ổ dịch không để bệnh lây lan ra diện rộng; tổ chức thu dung, chẩn đoán, cách ly điều trị kịp thời, tránh trường hợp bệnh nhân bị biến chứng nặng. Bên cạnh đó, Trung tâm còn tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức phòng bệnh cho người dân. Thông qua nhiều hình thức tuyên truyền đa dạng, hiệu quả, như: Tuyên truyền trực tiếp qua hoạt động khám chữa bệnh; cử cán bộ y tế thường xuyên đến các gia đình để tuyên truyền về nguyên nhân, triệu chứng, cách phòng tránh bệnh cúm; tuyên truyền qua hệ thống truyền thanh cơ sở; lồng ghép vào các buổi họp dân, truyền thông dân số - kế hoạch hóa gia đình…
Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền nên số ca mắc cúm ở địa phương đã giảm hơn so với năm trước và không có các biến chứng nặng. Nếu như 4 tháng đầu năm 2023, toàn huyện Ea Súp ghi nhận 439 trường hợp mắc cúm thì 4 tháng đầu năm 2024 chỉ mới ghi nhận 251 trường hợp.
|
Trung tâm Y tế huyện Ea Súp khám bệnh cho bệnh nhân nhi bị mắc cúm. (ảnh: Đinh Thi)
|
“Để hạn chế nhiễm cúm, mọi người cần rửa tay thường xuyên với xà phòng và nước sạch nhằm giảm thiểu mầm bệnh lây nhiễm vào cơ thể; che miệng và mũi khi ho, hắt hơi, có thể sử dụng khăn giấy hoặc khăn tay để tránh nhiễm bẩn bàn tay, tránh lây lan virus ra môi trường xung quanh; giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất để nâng cao thể trạng; hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh; đeo khẩu trang khi đến nơi đông người. Đặc biệt, người dân cần chủ động tiêm vắc-xin phòng cúm hằng năm. Vắc-xin giúp người dân nhất là người lớn tuổi giảm mắc cúm, giảm nguy cơ trở nặng và gặp các biến chứng. Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời”, Bác sĩ Dương Văn Hải, cho biết thêm.
Theo khuyến cáo của Bộ Y tế khuyến cáo, vắc-xin phòng cúm an toàn và có hiệu quả về phòng các thể nhẹ và nặng của cúm, tỷ lệ bảo vệ từ 70 - 90%. Ở những người lớn tuổi, vắc-xin cúm làm giảm 60% tỷ lệ mắc bệnh và giảm 70 - 80% tỷ lệ tử vong có liên quan đến cúm. Vì vậy, nhóm người lớn tuổi, có bệnh nền cần chủ động tiêm phòng cúm càng sớm càng tốt và nên tiêm nhắc lại hằng năm để đề phòng các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra. ./.
Bảo Trọng
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác