21/05/2024 10:13
Dinh dưỡng 1000 ngày đầu đời của trẻ được coi là quãng thời gian vàng, bắt đầu từ khi thai nhi hình thành cho đến khi trẻ tròn 2 tuổi. Đây là khoảng thời gian quan trọng nhất đối với sự phát triển của trẻ sau này, vì vậy phụ huynh cần lưu ý đảm bảo dinh dưỡng hợp lý cho trẻ trong giai đoạn này.
Theo bác sĩ Vi Thị Huệ - Trưởng Khoa Dinh dưỡng Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, trong những năm gần đây công tác phòng, chống suy dinh dưỡng (SDD) ở trẻ em trên địa bàn tỉnh đã được chú trọng đẩy mạnh và đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Tuy nhiên, tỉnh Đắk Lắk hiện vẫn có tỷ lệ SDD trẻ em dưới 5 tuổi ở mức cao so với cả nước, cao rất nhiều so với các thành phố, vùng đồng bằng và có sự chênh lệch giữa các vùng miền và nhóm dân tộc. Kết quả điều tra 30 cụm năm 2023 cho thấy tỷ lệ SDD trẻ em dưới 5 tuổi cân nặng theo tuổi là 18%, chiều cao theo tuổi là 27,8% và cân nặng theo chiều cao là 6,6%. Các tỷ lệ này có chiều hướng giảm dần so với các năm trước đây.
Cũng theo bác sĩ Vi Thị Huệ, dinh dưỡng là yếu tố rất quan trọng đối với sức khỏe, thể lực và trí tuệ của con người. 1000 ngày đầu đời được xác định từ khi bà mẹ bắt đầu mang thai cho tới khi trẻ được 2 tuổi, là thời gian bản lề duy nhất tạo nền móng tối ưu cho sự tăng trưởng, phát triển trí não và sức khoẻ trong suốt cuộc đời. Do vậy, dinh dưỡng trong 1000 ngày đầu đời đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Nếu trẻ có chế độ dinh dưỡng không hợp lý trong 1.000 ngày đầu tiên sẽ là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thấp còi, béo phì và các bệnh không lây ở tuổi trưởng thành. Dinh dưỡng đúng và đủ cho 1000 ngày đầu đời không những bảo vệ sức khỏe cho bà mẹ mà còn giúp trẻ phát triển tối đa tiềm năng về thể chất và trí tuệ, nâng cao trình độ học vấn và thành tích học tập của trẻ trong tương lai; làm giảm nguy cơ mắc các bệnh mạn tính không lây như thừa cân béo phì, đái tháo đường, bệnh tim mạch, ung thư ở giai đoạn sau của cuộc đời. Qua đó góp phần giảm sự chênh lệch giữa các vùng về sức khỏe, giáo dục và tiềm năng thu nhập; phá vỡ chu trình đói nghèo và làm tăng GDP của mỗi quốc gia. Chính vì vậy, dinh dưỡng 1000 ngày đầu tiên được gọi là giai đoạn “cửa sổ cơ hội” để dự phòng suy dinh dưỡng thấp còi.
|
Các thai phụ được cán bộ y tế trạm Ea Hồ, huyện Krong Năng tư vấn về khám thai và dinh dưỡng cho trẻ trong 1000 ngày đầu đời. (ảnh: Quang Nhật)
|
Tới khám thai định kỳ tại Trạm Y tế xã Ea Hồ, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk, chị H’Yêm Niê chia sẻ: Chị đang mang thai đứa con thứ 3 ở tháng thứ 7 thai kỳ. Do kinh tế khó khăn và ở khá xa trạm nên 2 đứa con của chị trước đây không khám thai thường xuyên và chế độ dinh dưỡng cũng không được đảm bảo. Khi mang thai đứa thứ 3, được cán bộ y tế tư vấn và vận động, nhắc nhở lịch tái khám định kỳ nên khi tới lịch, chị cố gắng sắp xếp tới trạm, đồng thời thực hiện chế độ dinh dưỡng hợp lý để đảm bảo cả cho sự phát triển của bé. “Trước đây, tôi không hề biết vai trò của dinh dưỡng 1000 ngày đầu đời của trẻ. Tuy nhiên, sau khi được cán bộ y tế tư vấn, tôi biết dinh dưỡng cho bé trong khi mang thai và sau sinh rất quan trọng. Đặc biệt là cần cho bé bú đủ sữa mẹ trong vòng 6 tháng đầu đời, sau đó cần cho con ăn bổ sung hợp lý theo từng độ tuổi”, chị H’Yêm cho biết.
Hiện nay với sự phát triển kinh tế xã hội và công nghệ thông tin việc tìm kiếm tài liệu thông tin về chăm sóc và dinh dưỡng cho trẻ rất dễ và đây là lý do giúp cho nhận thức của bậc cha mẹ cũng như người chăm sóc trẻ về tầm quan trọng dinh dưỡng 1000 ngày đầu đời được nâng cao. Tuy nhiên tại những nơi có điều kiện khó khăn, có trình độ nhận thức chưa cao, nhiều bà mẹ vẫn chưa hiểu rõ về tầm quan trọng của dinh dưỡng 1000 ngày đầu đời dẫn đến sẽ có những quan niệm chăm sóc trẻ không đúng cách, hoặc những hành động nuôi dưỡng chưa đúng đối với trẻ. Bên cạnh đó, có những nguồn tài liệu, thông tin không chính thống, chưa chính xác khiến không ít người dân hoang mang. Do đó, theo bác sĩ Vi Thị Huệ, trong 280 ngày mang thai, bà mẹ cần được chăm sóc thai nghén và dinh dưỡng tốt, cần cải thiện dinh dưỡng cho bà mẹ có thai, bao gồm bổ sung sắt/ axit folic (đa vi chất) để bào thai phát triển tốt từ trong bụng mẹ. Cần có ý thức chăm sóc bà mẹ mang thai trong chế độ ăn, nghỉ ngơi, sinh hoạt. Đặc biệt giai đoạn ba tháng cuối của thai kỳ, bà mẹ phải được cung cấp kiến thức về nuôi con bằng sữa mẹ. Cụ thể, trong 180 ngày đầu sau khi sinh (0-6 tháng ), bà mẹ được theo dõi, hỗ trợ để đảm bảo trẻ được bú sữa non, bú ngay sau sinh và duy trì nguồn sữa đảm bảo nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong vòng 6 tháng đầu đời. Trong 540 ngày tiếp theo (6-24 tháng), bà mẹ biết cách cho con ăn bổ sung hợp lý theo từng độ tuổi, cải thiện tình trạng vi chất của trẻ (đặc biệt là vitamin A và kẽm) và tiếp tục duy trì cho bú mẹ đến khi trẻ được 24 tháng hoặc lâu hơn. Khuyến khích trẻ vận động và chơi thể thao bởi vì lối sống năng động sẽ thúc đẩy quá trình trao đổi chất và chuyển hóa, giúp cơ thể phát triển tốt hơn. Phụ huynh hãy để ý cân đo trẻ đều đặn hàng tháng để kịp phát hiện ngay khi trẻ chậm lớn. Nếu bỏ lỡ giai đoạn 1000 ngày vàng đầu đời, trẻ sẽ bị thiệt thòi rất nhiều trong tốc độ tăng trưởng đặc biệt là về chiều cao, bởi vậy, các bậc cha mẹ hãy cố gắng thực hiện đầy đủ cho con những điều trên để bé có khả năng được phát triển tối ưu.
Mai Lê
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác