21/05/2024 10:41
Khi nói đến các ca phẫu thuật người ta chỉ hay nhắc đến bác sĩ mổ chính mà ít ai nhớ đến bác sĩ gây mê hồi sức. Tuy nhiên, để một ca phẫu thuật thành công thì vai trò của bác sĩ gây mê hồi sức vô cùng quan trọng. Bác sĩ gây mê hồi sức là người không thể thiếu trong bất cứ cuộc phẫu thuật nào. Họ là những người âm thầm đóng góp trí tuệ và công sức để các bệnh nhân được phẫu thuật thành công.
Trung bình một ngày khoa Phẫu thuật, gây mê hồi sức, BVĐK vùng Tây Nguyên tiếp nhận khoảng 80-100 ca phẫu thuật cần thực hiện bằng phương pháp vô cảm (gồm gây mê và gây tê). Trong mỗi cuộc phẫu thuật, đội ngũ y, bác sĩ thực hiện các phương pháp vô cảm là những người đến phòng phẫu thuật sớm nhất để làm các công tác chuẩn bị cho ca phẫu thuật, đánh giá tình trạng người bệnh, chuẩn bị trang thiết bị dụng cụ và tiến hành các bước tiền mê, khởi mê cho bệnh nhân. Sau khi tiên lượng tình trạng sức khỏe của bệnh nhân ổn định các y, bác sĩ gây mê sẽ thông báo để phẫu thuật viên làm việc.
Gây mê là phương pháp nhằm mục đích làm mất ý thức tạm thời bằng các thuốc mê tác động trên hệ thần kinh trung ương. Đây là phương pháp điều trị đặc biệt, nhằm giúp cho bệnh nhân giảm những đau đớn trong khi phẫu thuật cũng như giữ cho cơ thể không có các phản ứng thần kinh trong quá trình phẫu thuật.
|
Các bác sĩ thực hiện phương pháp vô cảm cho bệnh nhân trước khi phẫu thuật. (ảnh: Đình Thi)
|
Công việc gây mê của bác sĩ là cả một quá trình xuyên suốt từ đầu đến cuối, ngay từ khâu tiếp nhận bệnh nhân khám tiền mê, đánh giá những nguy cơ cũng như tiên lượng cho cuộc phẫu thuật, chuẩn bị những máy móc, thiết bị cho một cuộc khởi mê và duy trì các chỉ số sinh tồn. Trong suốt cuộc phẫu thuật, đội ngũ y, bác sĩ gây mê luôn phải theo dõi bệnh nhân, từ chức năng sống đến chức năng các cơ quan để đảm bảo một cuộc phẫu thuật an toàn từ đầu đến cuối cuộc phẫu thuật. Sau khi phẫu thuật, đội ngũ y, bác sĩ kiểm tra, đánh giá bệnh nhân đủ tiêu chí sẽ chuyển bệnh nhân ra phòng hồi sức và tiếp tục theo dõi đến khi bệnh nhân hoàn toàn ổn định sẽ chuyển bệnh nhân về lại các khoa điều trị ban đầu.
Bs.CKI Ngô Thị Phương Thảo, khoa Phẫu thuật, gây mê hồi sức, BVĐK vùng Tây Nguyên cho biết: Bác sĩ gây mê hồi sức được coi là những người thầm lặng luôn phải đảm bảo các chỉ số sinh tồn của bệnh nhân trước, trong và sau cuộc phẫu thuật được đảm bảo tốt nhất. Công việc của bác sĩ gây mê hồi sức áp lực rất cao do liên quan đến tính mạng bệnh nhân trong mỗi ca phẫu thuật. Trước, trong, sau phẫu thuật phải luôn đảm bảo tình trạng tốt nhất cho bệnh nhân nhưng hiện nay nhân lực của khoa đang thiếu do đó, đội ngũ y, bác sĩ Khoa Phẫu thuật, gây mê hồi sức phải làm việc quá tải, lịch phân công ca trực rất dày.
Bác sĩ gây mê hồi sức là người không thể thiếu trong bất cứ cuộc phẫu thuật nào. Họ là những người âm thầm đóng góp trí tuệ và công sức để các bệnh nhân được phẫu thuật thành công. Do đó, đội ngũ bác sĩ gây mê hồi sức phải có chuyên môn giỏi, giàu kinh nghiệm, dự tính mọi thông số, đề phòng rủi ro, chuẩn xác mọi thao tác, kỹ năng hồi sức, cấp cứu, kỹ năng gây mê… xử lý được những ca "cấp bách", đồng thời phải thường xuyên cập nhật kiến thức để nâng cao trình độ chuyên môn.
Hàng năm, các bác sĩ khoa Phẫu thuật, gây mê hồi sức, BVĐK vùng Tây Nguyên luôn tham gia các Hội nghị gây mê hồi sức toàn quốc và khu vực nhằm cập nhật kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn, ứng dụng khoa học tiên tiến, phương pháp mới vào chẩn đoán và điều trị
Bác sỹ CKII Bùi Ngọc Đức - Trưởng Khoa phẫu thuật, gây mê hồi sức, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên cho biết: Sở Y tế, BGĐ BVĐK vùng Tây Nguyên đặc biệt quan tâm về sự an toàn, hiệu quả trong phẫu thuật cho bệnh nhân nên đã trang bị cho khoa Phẫu thuật, gây mê hồi sức các loại máy móc, phương tiện, thiết bị kỹ thuật hiện đại như mổ u não có máy định vị... Tất cả những cuộc phẫu thuật, từ trung bình đến đại phẫu, phẫu thuật tinh vi nhất khoa đều đáp ứng tốt.
Hiện nay, các cuộc phẫu thuật được hỗ trợ bởi nhiều thiết bị hiện đại, nhưng bác sỹ gây mê hồi sức vẫn phải cần mẫn với những thao tác từ căn bản nhất. Họ đã cùng các phẫu thuật viên đứng hàng giờ liền để đảm bảo các chỉ số an toàn cho sức khỏe người bệnh và hồi sức cho bệnh nhân tỉnh táo.
Sau ca phẫu thuật, đội ngũ phẫu thuật viên có thể được nghỉ ngơi nhưng các y, bác sĩ gây mê hồi sức vẫn tiếp tục nhiệm vụ của mình, giúp bệnh nhân thoát mê, không phụ thuộc vào máy thở, hồi sức bệnh nhân đến khi các dấu hiệu sinh tồn và tình trạng bệnh nhân tương đối ổn định. Tuy nhiên, đây là giai đoạn bệnh nhân rơi vào trạng thái yếu nhất, cơ thể đang ở trạng thái hồi phục, tác dụng tiềm ẩn của các thuốc gây mê vẫn còn, chỉ cần sơ suất nhỏ cũng có thể ảnh hưởng đến tính mạng bệnh nhân, vì vậy, bác sỹ gây mê hồi sức phải liên tục túc trực để theo dõi sát sao các chỉ số sinh tồn và hồi phục cho bệnh nhân, đảm bảo ổn định cho bệnh nhân sau phẫu thuật để nhanh chóng phục hồi sức khỏe./.
Hồng Vân
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác