21/05/2024 06:36
Ngày 21/5, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên phối hợp cùng Bệnh viện Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức hội thảo “Ý nghĩa và cập nhật tiến bộ phát triển của ngành Tim mạch Can Thiệp” nhằm tổng hợp các thành tựu đã đạt được và cập nhật các kiến thức, phương pháp tiên tiến nhất trong nước và quốc tế để nâng cao năng lực chuyên môn và hiệu quả điều trị bệnh lý tim mạch.
Theo TS.BS Vũ Hoàng Vũ - Trưởng Khoa Tim mạch Can thiệp Bệnh viện Đại Học Y Dược TP. Hồ Chí Minh, đối với bệnh lý tim mạch, thời gian qua, ngành y tế đã đạt được nhiều tiến bộ trong can thiệp mạch vành và can thiệp bệnh van tim. Ngày nay, xu hướng can thiệp tim mạch qua đường ống thông ngày càng phổ biến trong thực hành lâm sàng trên thế giới, xu thế phát triển lĩnh vực này càng mở rộng, chuẩn hóa và chuyển giao ứng dụng điều trị không chỉ trong bệnh viện mà còn ở các cơ sở y tế khác. Sự chuyển dịch này sẽ tối ưu hiệu quả và đem lại giá trị thực cho người bệnh. Đặc biệt là điều trị bệnh lý động mạch vành can thiệp qua da điều trị bệnh lý động mạch vành. Đối với kỹ thuật này, thay vì bệnh nhân phải trải qua cuộc phẫu thuật tim hở lớn, chạy tim phổi nhân tạo, thở máy và thời gian phục hồi kéo dài, giờ đây người bệnh chỉ phải dùng thuốc an thần nhẹ, làm thủ thuật nhẹ nhàng trong vài tiếng đồng hồ (thời gian từ 60-120 phút), không để lại sẹo, rất ít đau và có thể xuất viện để trở lại cuộc sống thường nhật chỉ sau 2-3 ngày.
|
TS.BS Vũ Hoàng Vũ - Trưởng Khoa Tim mạch Can thiệp Bệnh viện Đại Học Y Dược TP. Hồ Chí Minh trình bày các thành tựu kỹ thuật trong lĩnh vực can thiệp tim mạch tại hội thảo. (ảnh: Đình Thi)
|
Cùng với xu thế phát triển đó, tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, từ khi thành lập vào tháng 8/2016 đến nay, Khoa Cấp cứu và Can thiệp tim mạch của Bệnh viện đã cập nhật và triển khai được nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật cao trong quá trình điều trị bệnh lý tim mạch cho bệnh nhân trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk nói riêng và các tỉnh khu vực Tây Nguyên nói chung. Điển hình như kỹ thuật chụp và can thiệp động mạch vành qua da, đặt stent Graft động mạch chủ, cấy máy tạo nhịp tim tạm thời, cấy máy tạo nhịp tim vĩnh viễn, can thiệp các mạch máu ngoại biên… Ths.Bs nội trú Cù Nhật Quý - Khoa Cấp cứu Can thiệp tim mạch Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, cho biết: Trong xu hướng phát triển chung, việc cập nhật và triển khai các kỹ thuật mới, kỹ thuật cao để phục vụ hoạt động khám, cấp cứu, chữa trị cho các bệnh nhân mắc các bệnh lý về tim mạch là việc làm hết sức cần thiết. Nhờ các kỹ thuật mới, bệnh nhân sẽ được rút ngắn thời gian điều trị và mang lại hiệu quả điều trị cao hơn. Qua hội thảo “Ý nghĩa và cập nhật tiến bộ phát triển của ngành Tim mạch Can Thiệp” tổ chức cùng Bệnh viện Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh, sau khi được các bác sĩ tuyến trên truyền đạt các kiến thức, kinh nghiệm cũng như “cầm tay chỉ việc” trực tiếp tại phòng phẫu thuật, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên không chỉ thực hiện được việc điều trị cho bệnh nhân mà còn tối ưu hóa quá trình điều trị cho bệnh nhân, giúp bệnh nhân đạt được hiệu quả điều trị cao nhất.
|
Các bác sĩ tiến hành hội chẩn lựa chọn phương án can thiệp tim mạch tốt nhất cho bệnh nhân. (ảnh: Đình Thi)
|
Cũng trong chương trình hội thảo, Bệnh viện Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh đã hỗ trợ kỹ thuật cho Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên thực hiện 4 ca can thiệp tim mạch cho 4 bệnh nhân trên địa bàn ngay tại Bệnh viện. Đây là các bệnh nhân mắc bệnh lý tim mạch có tổn thương động mạch vành rất phức tạp, tổn thương thân chung động mạch vành trái, chỗ chia đôi của động mạch vành trái, động mạch vành hẹp nặng vôi hóa nhiều. Trước đây, những trường hợp bệnh nhân như thế này Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên có thể thực hiện, tuy nhiên để đạt kết quả dài hạn cho bệnh nhân, Bệnh viện cần những phương tiện, thiết bị và kỹ thuật chuyên sâu hơn. Với sự hỗ trợ của các chuyên gia của Bệnh viện Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh, các bệnh nhân được tiến hành siêu âm trong lòng mạch, khoan cắt mảnh xơ vữa giúp cho quá trình can thiệp động mạch vành cho bệnh nhân có kết quả tối ưu nhất. Việc Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên thực hiện can thiệp tim mạch thành công cho các bệnh nhân ngay tại Bệnh viện giúp các bệnh nhân không phải chuyển lên tuyến trên, giảm chi phí điều trị, người bệnh hồi phục nhanh hơn, thời gian nằm viện ngắn hơn. Đồng thời giúp giảm tải cho tuyến trên. Bên cạnh đó, việc các bệnh nhân được thiện hiện can thiệp tim mạch ngay tại Bệnh viện là cơ hội lớn để các bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên trực tiếp quan sát, học hỏi kỹ năng, kinh nghiệm thực tế từ các bác sĩ, kỹ thuật viên hàng đầu.
|
Bệnh nhân H.N.Ê được tiến hành can thiệp tim mạch tại bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên dưới sự hỗ trợ kỹ thuật của các bác sỹ Bệnh viện Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh. (ảnh: Đình Thi)
|
Là một trong 4 bệnh nhân được tiến hành thực hiện can thiệp tim mạch trong dịp này, bệnh nhân H.N.Ê (57 tuổi, trú tại huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk) cảm thấy rất may mắn vì được sự giúp đỡ cũng như phẫu thuật kịp thời của các y, bác sĩ. Được biết, bệnh nhân H.N.Ê là người dân tộc thiểu số, có hoàn cảnh khó khăn, nhập viện điều trị không có bảo hiểm. Với một ca điều trị cho bệnh nhân, ước tính chi phí khoảng 200 triệu đồng. “Nhận thấy bệnh nhân rất khó khăn, bệnh tình lại nặng và phức tạp, nếu không được chữa trị sớm, sức khỏe và tính mạng bệnh nhân sẽ nguy hiểm. Do đó, sau khi trao đổi với các chuyên gia của Bệnh viện Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh và kêu gọi từ thiện, Bệnh viện đã quyết định lựa chọn bệnh nhân H.N.Ê là một trong 4 bệnh nhân được can thiệp tim mạch trong dịp này để giúp bệnh nhân được chữa trị với hiệu quả cao nhất”, bác sĩ Quý chia sẻ thêm.
Với sự nỗ lực của các bác sĩ Khoa Cấp cứu và Can thiệp tim mạch Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên cùng với sự hỗ trợ kỹ thuật, chuyên môn của các bác sĩ Bệnh viện Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh, trong thời gian tới, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên sẽ triển khai được nhiều hơn nữa các kỹ thuật mới, kỹ thuật cao, giúp cho công tác chăm sóc sức khỏe người dân trên địa bàn đạt kết quả cao hơn nữa.
Mai Lê
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác